Đồng bằng sông Cửu Long: Chuỗi nông sản đứt gãy vì mỗi tỉnh là một “pháo đài kinh tế”

15/09/2021 - 07:58

PNO - Nông sản muốn đi từ tỉnh này qua tỉnh khác phải gửi công văn xin 4-5 ngày mới được duyệt… Đó là một trong những vướng mắc được các chuyên gia nêu ra tại tọa đàm “Kết nối cung - cầu nông - thủy sản giữa các tỉnh, thành đồng bằng sông Cửu Long với TP.HCM” do Báo Người Lao Động phối hợp với UBND TP.Cần Thơ tổ chức ngày 14/9.

Bà Đinh Thị Phương Khanh - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNN) tỉnh Long An - phản ánh quy định sản xuất “ba tại chỗ” khó có thể áp dụng chung được cho mọi ngành hàng, nhất là với nông nghiệp. Chẳng hạn doanh nghiệp (DN) giết mổ là nơi vừa nhốt gia súc gia cầm vừa giết mổ, việc tổ chức cho công nhân ăn ngủ tại chỗ trong nhà máy không thể đảm bảo sức khỏe cho công nhân lẫn an toàn vệ sinh thực phẩm. Đó là lý do có đến 90% trong tổng số 42 cơ sở giết mổ tại Long An cung ứng thịt heo cho thị trường TPHCM phải đóng cửa vì không đủ điều kiện tổ chức hoạt động. Chỉ có ba công ty lớn hoạt động nhưng hiệu quả không cao. 

Chị Nguyễn Thị Việt Hà (Bến Tre) bôn ba hằng ngày tìm cách “giải cứu” nông sản giúp bà con nông dân
Chị Nguyễn Thị Việt Hà (Bến Tre) hàng ngày tìm cách “giải cứu” nông sản giúp bà con nông dân. Ảnh: Từ Nhân

Ngoài ra, có quá nhiều chồng chéo trong các quy định ngay trong cùng một tỉnh. Theo bà Khanh, mỗi ngày Sở NN&PTNT nhận hơn 300 cuộc gọi của DN phản ánh, đề nghị hỗ trợ tháo gỡ, giải quyết khó khăn về vận chuyển. Chẳng hạn, giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh đã ký quyết định cho DN được lưu thông, thu mua nông sản ở địa bàn huyện. Nhưng khi đến các chốt kiểm soát huyện, quyết định này bị lực lượng y tế gạt bỏ, đòi phải có quyết định và chữ ký của ban chỉ đạo phòng, chống dịch tỉnh...

Ông Nguyễn Phước Thiện - Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Tháp - cũng cho biết khi một DN từ Đồng Tháp muốn qua tỉnh nào đó thì Đồng Tháp sẽ phải gửi công văn qua tỉnh đó xin ý kiến và phải mất khoảng 3-5 ngày. Đó là một trong những lý do khiến việc vận chuyển nông sản tươi khó khăn, việc tiêu thụ bị ảnh hưởng lớn.

Theo ông Trần Trung Kiên - Giám đốc Sàn thương mại điện tử Vỏ Sò - những lý do như vậy khiến việc thu gom và vận chuyển nông sản rất khó khăn. Có tỉnh không cho nông dân ra đồng, có tỉnh thì cho ra đồng đến 18 giờ, có tỉnh thì quy định công nhân tại nhà máy đóng gói, sơ chế không quá 20 người. Ông Đỗ Quốc Huy - đại diện Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP.HCM (Saigon Co.op) - cho hay hiện chuỗi cung ứng từ từ mở ra nhưng chi phí vận chuyển quá cao dẫn đến giá cả hàng hóa diễn biến khác thường, không ổn định. Một số hệ thống siêu thị khác phản ánh, nguồn hàng cho hệ thống bán lẻ ngày càng thiếu hụt, nhất là hàng đông lạnh...

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan nhận định: Việc các địa phương đang quản lý theo cách như có biên giới hành chính riêng đã gây ra nhiều hệ lụy cho DN, nông dân, hệ thống vận chuyển, thương nhân, gây trắc trở, đứt gãy nhiều thứ. Mỗi địa phương là một “pháo đài chống dịch” chứ không phải là một “pháo đài kinh tế” vì kinh tế là phải liên kết nhau.

Ông cũng chỉ ra vấn đề chỉ xem trọng nông dân và DN mà bỏ qua các thương nhân trong điều hành, khiến từ ngày đầu bùng phát dịch, thương nhân không được xem là thành phần chính để ưu tiên tiêm vắc-xin, là một trong những nguyên nhân dẫn đến đứt gãy vận chuyển. “Chính quyền và DN cần ngồi lại, kiến tạo không gian an toàn sản xuất thì mọi khó khăn sẽ được giải quyết vì mỗi DN đều có đặc thù riêng, có những quy định không phải DN nào cũng thực hiện được. Nếu hành chính trễ một ngày thì không sao nhưng guồng máy kinh tế trễ một ngày sẽ mất vài tháng mới phục hồi lại được” - Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói. 

Thanh Hoa

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI