Học sinh nghỉ học, công nhân nghỉ làm
Đến chiều 24/12, không khí ở các tỉnh miền Tây vẫn rất yên bình, trời se lạnh và hanh nắng hứa hẹn một đêm Noel đẹp. Tuy nhiên, đây cũng chính là điều mà những người có trách nhiệm trong công tác phòng chống lụt bão lo lắng nhất: tâm lý chủ quan và sự thiếu kinh nghiệm của người dân vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) trước thiên tai sẽ khiến hậu quả của cơn bão nặng nề hơn.
|
Tàu thuyền Bến Tre được cột chằng chéo đón bão |
Theo thông tin dự báo thời tiết, vào đêm 25, ngày 26/12 , bão Tembin sẽ chính thức đổ bộ vào các tỉnh phía Nam, vùng ảnh hưởng trực tiếp từ Bà Rịa - Vũng Tàu đến Cà Mau. Ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương cho biết: “Đây là bão cuối mùa, bão muộn, trung bình 10 năm có một cơn, nhưng với cấp độ mạnh như bão Tembin thì chưa từng thấy”.
Chính vì vậy, Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai cho rằng, các địa phương phía Nam đang phải đối mặt với thiên tai cấp độ 5, tương đương cấp thảm họa.
Trước tình hình trên, chính quyền một số địa phương đã gấp rút lên phương án chuẩn bị sơ tán dân, kêu gọi tàu đánh cá vào bờ, chằng chống lại nhà cửa… Chiều 24/12, ông Nguyễn Tiến Hải, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết, tỉnh đã phát lệnh cho toàn bộ học sinh trong tỉnh nghỉ học vào hai ngày 25 và 26/12.
Các nhà máy, xí nghiệp cũng được lệnh đóng cửa, cho công nhân nghỉ làm. Hiện tỉnh còn hơn 500 phương tiện đánh bắt chưa vào được bờ nhưng tỉnh đã liên lạc được với tất cả số tàu bè trên và hướng dẫn cho ngư dân tránh trú bão.
Tại Bến Tre, đến thời điểm này toàn tỉnh có 2.680 phương tiện tàu, thuyền đã tìm được nơi neo đậu tại các bến, bãi của tỉnh và khu vực các đảo. Hiện nay, vẫn còn 487 phương tiện/1.948 người đang hoạt động trên biển ngoài khu vực nguy hiểm và đang trên đường vào bờ.
Ông Nguyễn Hữu Lập, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre cho biết, nhằm đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho người dân, lực lượng chức năng sẽ quyết liệt di dời dân, nếu cần sẽ cưỡng chế. Dự kiến toàn tỉnh sẽ di dời khoảng 20.000 người, hoàn thành trước 12g trưa ngày 25/12.
|
Người dân Sóc Trăng gia cố mái nhà đề phòng gió bão |
Tại huyện Long Phú tỉnh Sóc Trăng, hiện tại vẫn còn một số hộ dân không chịu di dời, chằng chống nhà cửa bởi… chưa ai thấy dấu hiệu rõ rệt của bão. Bên cạnh việc thông tin, tuyên truyền về những diễn biến của bão số 16, chính quyền địa phương cũng chuẩn bị các phương án cưỡng chế.
Tại huyện ven biển Trần Đề, chính quyền địa phương đã chuẩn bị di dời 1.339 hộ dân với 4.942 người thuộc 4 xã, thị trấn vào vào trụ sở UBND xã, trường học, đồn biên phòng, chùa chiền. Tại huyện Cù Lao Dung, UBND huyện đã có kế hoạch di dời hơn 6.470 người trong vùng xung yếu đến 28 điểm kiên cố trú bão.
Tại Trà Vinh, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Văn Lâm vừa ký công điện hỏa tốc gửi các địa phương chỉ đạo rà soát các phương án đảm bảo an toàn cho người và các hoạt động khai thác trên biển, ven biển, ven sông, cù lao... Kiên quyết sơ tán người dân ở khu vực nguy hiểm, đặc biệt là các xã cù lao Long Hòa, Hòa Minh (huyện Châu Thành), An Phú Tân (Cầu Kè), Hiệp Thạnh, Trường Long Hòa (thị xã Duyên Hải)...
Tại tỉnh Tiền Giang, đến sáng 24/12, các huyện Tân Phú Đông, Gò Công Đông, Gò Công Tây và thị xã Gò Công đã hoàn thành việc rà soát, kêu gọi tàu thuyền đánh bắt thủy sản vào bờ hoặc tìm nơi tránh bảo an toàn. Nhà cửa của người dân đã được chằng néo, tôn cao bờ bao, đê bao để bảo vệ sản xuất. Theo Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Lê Văn Hưởng, đến thời điểm này, công tác triển khai ứng phó với bão đã hoàn tất.
Đất liền cũng không lơ là
Là những địa phương không có biển nhưng trước những diễn biến bất thường của cơn bão số 16, lãnh đạo các tỉnh Cần Thơ, Hậu Giang, Đồng Tháp đã tổ chức họp khẩn cấp, lên phương án phòng, chống bão.
Chiều 24/12, ông Đào Anh Dũng, Phó chủ tịch UBND TP. Cần Thơ đã đề nghị các sở, ngành, địa phương trên địa bàn thành phố có biện pháp hạn chế thấp nhất thiệt hại xảy ra, lên kịch bản di dời dân. Ông Dũng cũng yêu cầu ngành điện phải có phương án dự phòng, đảm bảo không cắt điện khi bão đổ bộ.
Cùng ngày, tại tỉnh Hậu Giang, Chủ tịch UBND tỉnh Lữ Văn Hùng đã chủ trì cuộc họp Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn để bàn các phương án ứng phó với cơn bão số 16. Theo dự báo, đến rạng sáng 26/12, bão sẽ vào đất liền và có khả năng đi qua địa bàn tỉnh Hậu Giang.
Dự báo, tỉnh Hậu Giang có thể bị ảnh hưởng, rủi ro thiên tai cấp độ 4. Vì thế, phương án đặt ra là sẽ di dời các đối tượng dễ bị tổn thương như các hộ có nhà cửa không chắc chắn, vùng sạt lở, sống ở vùng sâu, trong nội đồng; số còn lại sẽ tập trung vào những điểm trú ẩn kiên cố.
Theo dự báo, bão 16 còn cách Đồng Tháp khoảng 900km. Tại cuộc họp khẩn sáng 24/12, ông Nguyễn Văn Dương, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các ngành và địa phương tập trung công tác phòng chống bão, trọng tâm là bảo vệ tính mạng người dân, tạm ngưng hoạt động các bến đò, phương tiện vận chuyển ngoài sông kể từ 18g ngày 25/12. Ban chỉ đạo cũng phân công từng thành viên cụ thể phụ trách địa bàn để công tác phòng, chống bão được chủ động, kịp thời.
Nhóm PV-CTV ĐBSCL