Tại đồng bằng sông Cửu Long, lượng bệnh nhân đến khám, điều trị bệnh tim mạch, đột quỵ đang tăng mạnh, dẫn đến tình trạng quá tải ở một số bệnh viện. Các bác sĩ cảnh báo cần có giải pháp cấp bách phòng ngừa căn bệnh nguy hiểm gây tử vong hàng đầu này.
Trẻ, già đều có nguy cơ mắc bệnh
Mới 4g sáng, anh Dương Tấn Mãnh (xã Thạnh Phú, H.Cờ Đỏ, TP.Cần Thơ) đã được người thân đưa tới Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ khám bệnh. Anh Mãnh cho biết, mấy ngày nay anh bị đau đầu, chóng mặt… nên gia đình lo lắng và đưa xuống bệnh viện chuyên khoa về tim mạch, đột quỵ khám. Dù anh tới sớm nhưng bệnh nhân cũng đã rất đông. Phải mất gần hết buổi sáng thì bác sĩ mới thực hiện xong các khâu thăm khám cần thiết và chẩn đoán anh bị tăng huyết áp. Các bác sĩ kê toa cho anh đồng thời đề nghị anh giảm thuốc lá, rượu bia… nhằm tránh nguy cơ diễn tiến nặng.
|
Số lượng bệnh nhân khám, điều trị bệnh tim mạch, đột quỵ tăng cao khiến một số bệnh viện tại TP.Cần Thơ quá tải (ảnh chụp tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ) - ẢNH: H.L |
Anh Trần Hữu Trí (xã Phú Lâm, H.Phú Tân, tỉnh An Giang) lâu nay không bị tăng huyết áp, không bị đái tháo đường nhưng anh hút thuốc lá khá nhiều, trong hơn 20 năm. Gần đây, anh bị xây xẩm, chóng mặt… nên người thân đưa xuống TP.Cần Thơ thăm khám. Sau khi các bác sĩ tiến hành tầm soát đột quỵ thì phát hiện anh Trí bị hẹp rất nặng ở động mạch cảnh trong trái, được tư vấn nhập viện can thiệp. Sau đó, bệnh nhân được chỉ định đặt stent cảnh và đã thực hiện thành công. “Tôi mới 47 tuổi nên đâu nghĩ mình có nguy cơ bị đột quỵ. Vì vậy, hằng ngày vẫn hút cả bao thuốc lá và thường uống rượu bia với bạn bè. Không ngờ lần này vào bệnh viện mới phát hiện ra mình bị hẹp động mạch rất nặng…” - anh Trí bộc bạch.
Ông Lê Minh Trần (75 tuổi, sống ở Mỹ nhiều năm, nay về lại TP.Cần Thơ) bất ngờ bị ngất khoảng 10-15 phút. Sau khi thăm khám và chụp MRI não, các bác sĩ phát hiện ông bị hẹp nặng động mạch cảnh trong phải và được chỉ định nhập viện can thiệp đặt stent. Tiến sĩ - bác sĩ (TS-BS) Trần Chí Cường - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ - lưu ý, việc bệnh nhân bị nhiều cơn ngất là những cơn thiếu máu não thoáng qua, do hẹp nặng động mạch não; nếu không can thiệp kịp thời bệnh nhân sẽ có nguy cơ bị đột quỵ nhồi máu não rất cao, gây yếu tay chân, nói khó, hôn mê, thậm chí tử vong. Tỷ lệ tử vong do tắc mạch cảnh là 50%…
Bệnh nhân ngày càng đông
Theo nhiều bệnh viện ở đồng bằng sông Cửu Long, số người đến khám, điều trị các bệnh liên quan tim mạch và đột quỵ ngày càng cao; trong đó người dưới 50 tuổi có xu hướng tăng. Chỉ tính riêng ở Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ, trung bình mỗi ngày có 700-800 người đến khám, điều trị, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước.
Thạc sĩ - bác sĩ (ThS-BS) Nguyễn Phi Hùng - Giám đốc chuyên môn, Trưởng Đơn vị tim mạch (Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long) - chia sẻ: “Thống kê của Bộ Y tế cho thấy, ở nước ta mỗi năm có khoảng 200.000 người tử vong vì bệnh tim mạch, chiếm hơn 30% số ca tử vong do các bệnh mạn tính không lây nhiễm. Có thể nói, bệnh tim mạch trở thành nguyên nhân gây tử vong hàng đầu; đồng thời đang có xu hướng tăng nhanh”.
Các nguyên nhân chính gây bệnh tim mạch là sử dụng thuốc lá, thiếu hoạt động thể lực, chế độ ăn uống không lành mạnh, sử dụng nhiều rượu bia… Bệnh tim mạch là một trong những nguyên nhân dẫn tới đột quỵ, vì vậy các bác sĩ chuyên khoa lưu ý mọi người cần thay đổi lối sống lành mạnh hơn.
TS-BS Trần Chí Cường cho biết điều khiến ông trăn trở là số người trẻ bị đột quỵ đang tăng cao so các năm trước. Trong số các nguyên nhân có tình trạng lạm dụng thuốc lá của giới trẻ. “Tuổi trẻ giống như cây non đang lớn, nếu lạm dụng thuốc lá sẽ có nguy cơ tăng đột quỵ, ung thư, ảnh hưởng đến chất lượng dân số về lâu dài. Do đó, ngành chức năng cần có phương pháp tuyên truyền, cảnh báo, hạn chế việc sử dụng thuốc lá ở giới trẻ” - ông Trần Chí Cường lưu ý.
TS-BS Trần Chí Cường cũng cho biết tình trạng số bệnh nhân bệnh tim mạch, đột quỵ ở đồng bằng sông Cửu Long gia tăng khiến Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ luôn rơi vào cảnh quá tải, thiếu giường bệnh nội trú. Bệnh viện đã thu hẹp một số phòng, khoa khác… để bố trí thêm giường bệnh, nhưng vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu của bệnh nhân. “Chúng tôi dự báo khoảng ba năm nữa, tình trạng quá tải bệnh nhân đến khám, điều trị đột quỵ càng trầm trọng hơn. Nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này như áp lực tăng dân số trong vùng, tỷ lệ người lớn tuổi tăng, nhiều người quan tâm hơn đến bệnh lý này nên thường xuyên khám, điều trị… Hiện TP.Cần Thơ đang trở thành một trong những trung tâm điều trị đột quỵ có uy tín, vì vậy không chỉ người dân đồng bằng sông Cửu Long mà cả các miền ngoài, du khách quốc tế… cũng đến điều trị. Do đó, chúng tôi đã có đề án mở rộng Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ từ 250 giường hiện nay lên 500 giường và đã trình cơ quan chức năng TP.Cần Thơ khá lâu” - ông Trần Chí Cường cho biết.
Xử lý sớm giúp cứu sống nhiều bệnh nhân ThS-BS Nguyễn Phi Hùng cho biết: Đối với những trường hợp nhồi máu cơ tim, đột quỵ, ngưng tim ngưng thở thì thời gian là yếu tố quan trọng nhất để cấp cứu và điều trị thành công. Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long luôn sẵn sàng các quy trình chuyên môn Code Blue (quy trình cấp cứu người bệnh ngưng tim, ngưng thở), Code Stemi (quy trình can thiệp mạch vành cấp cứu cho người bệnh nhồi máu cơ tim), Code Stroke (quy trình cấp cứu người bệnh đột quỵ cấp). Bệnh viện còn tổ chức Biệt đội cấp cứu 916 hỗ trợ đón bệnh nhân cấp cứu miễn phí. Mở rộng hợp tác với các bệnh viện tuyến trên và kết nối các bệnh viện ở đồng bằng sông Cửu Long. Nhờ đó, rất nhiều trường hợp người bệnh được phát hiện, điều trị sớm các bệnh lý tim mạch, cấp cứu kịp thời, cứu sống nhiều bệnh nhân. |
Huỳnh Lợi