"Đóng 2 triệu đồng, học 3 ngày là có chứng chỉ tư vấn tâm lý"

26/04/2022 - 10:43

PNO - Thực tế được TS. Huỳnh Văn Chẩn - Trưởng khoa Công tác xã hội Trường ĐH KHXH&NV TPHCM, Phó chủ tịch hội Tâm lý học Việt Nam nêu tại Hội thảo tư vấn tâm lý do Sở GD-ĐT TPHCM tổ chức sáng nay, 26/4.

TS. Huỳnh Văn Chẩn đánh giá, học sinh hiện nay có rất nhiều vấn đề khủng hoảng tâm lý, trầm cảm, tự tử, tự kỷ, rối loạn hành vi, bạo lực học đường… Công tác tư vấn tâm lý thời gian qua tại TPHCM đã thực hiện rất tốt thế, nhưng thực tế vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề. Trong đó, phòng tư vấn tâm lý học đường đa số chưa được chuẩn hóa, đặc biệt đội ngũ cán bộ được đào tạo đa số chưa đạt chuẩn. 

“Thực tế hiện nay có đơn vị đào tạo chỉ trong ba ngày giáo viên đã được cấp chứng chỉ, đào tạo kỹ năng tư vấn tâm lý. Mỗi giáo viên chỉ cần mất 2 triệu đồng. Ba ngày được gọi là chuyên viên tâm lý học đường nhưng thực ra hổng rất nhiều về kiến thức, không thể tư vấn được, Thậm chí nếu tư vấn không khéo sẽ ảnh hưởng đến trẻ”, TS. Huỳnh Văn Chẩn cảnh báo.

Hội thảo giải pháp nâng cao hiệu quả công tác tư vấn tâm lý học sinh trong trường phổ thông sáng 26/4
Hội thảo giải pháp nâng cao hiệu quả công tác tư vấn tâm lý học sinh trong trường phổ thông được tổ chức sáng 26/4

Một thực tế nữa về công tác tư vấn học đường, theo TS. Huỳnh Văn Chẩn, hiện nay các công ty tâm lý ra đời rất nhiều, có cơ sở pháp lý, chuyên gia tâm lý nhưng khi dạy kỹ năng cho học sinh các trường thì lại dạy cả trăm, ngàn học sinh và gọi đó là dạy kỹ năng tâm lý. 

“Đây là thuyết giáo chứ không phải dạy kỹ năng vì kỹ năng là phải thực hành, phải dạy theo nhóm nhỏ học sinh. Trường phổ thông không nên chạy theo các từ ngữ có cánh, vô tình làm hại học sinh”, TS. Chẩn lưu ý. 

Đặc biệt, một vấn đề nhức nhối nữa TS. Huỳnh Văn Chẩn chỉ rõ là có một số chuyên gia tư vấn tâm lý tự phong. Lợi dụng mùa dịch, lợi dụng tâm lý hẫng hụt của con người - một số người không có văn bằng, chuyên môn nhưng tự nhận là chuyên gia tâm lý, lên mạng lập nhóm để lôi kéo tư vấn tâm lý. 

Ông nhấn mạnh, khi tư vấn phải có sản phẩm, có kết quả, không thể dùng lý thuyết suông, giáo điều dạy. Lấy ví dụ về trường hợp cảnh báo tự tử, ông nêu rõ công tác tư vấn làm sao để trẻ không tự tử; nhận ra dấu hiệu, xác định được nguyên nhân và chỉ ra để trẻ không tự tử…

Trước những tồn tại của công tác tư vấn tâm lý học đường, TS. Huỳnh Văn Chẩn đề xuất phải xây dựng mạng lưới tư vấn tâm lý; thành lập phòng tư vấn chuyên nghiệp; trau dồi thêm về kiến thức, kỹ năng, kỹ thuật tư vấn tâm lý cho đội ngũ nhân viên tư vấn tâm lý, có như thế mới đánh thức hoặc tẩy xóa những vết hằn tâm lý cho trẻ…

Ông đề nghị Sở GD-ĐT cần lưu ý trong vấn đề đào tạo chứng chỉ về tư vấn tâm lý: "Quan điểm không cần đào tạo nhiều, mỗi phòng GD-ĐT chỉ đào tạo một người thôi, sau đó thành lập đội ngũ chuyên nghiệp, lấy đội ngũ này đào tạo cho các trường phổ thông, vừa ít tốn kém mà vẫn hiệu quả, chuyên nghiệp".

Hơn 10.000 giáo viên, nhân viên được phân công công tác tư vấn tâm lý 

Bà Cao Thiên Phúc - Phó trưởng phòng Chính trị tư tưởng, Sở GD-ĐT TPHCM thông tin, tính đến năm 2021, toàn thành phố có 10.191 giáo viên, nhân viên được phân công triển khai công tác tư vấn tâm lý trong nhà trường; 1.703 cán bộ, giáo viên làm công tác tư vấn tâm lý được bồi dưỡng, tập huấn và được cấp chứng chỉ theo quy định của Thông tư số 31/2017 của Bộ GD-ĐT; 3.567 cán bộ, giáo viên làm công tác tư vấn tâm lý được bồi dưỡng tập huấn khác. Tổng số trường học thành lập phòng tư vấn tâm lý là 646 trường.

Cũng tính đến năm 2021, toàn thành phố có 149.749 số học sinh được tư vấn tâm lý khi gặp khó khăn cần can thiệp, giải quyết và giới thiệu chuyên gia tư vấn tâm lý ngoài nhà trường.

714.716 học sinh được tư vấn tăng cường khả năng ứng phó, giải quyết các vấn đề phát sinh trong mối quan hệ gia đình, thầy cô, bạn bè và các mối quan hệ xã hội.

887.171 học sinh được tư vấn tâm lý, giáo dục kỹ năng, biện pháp ứng xử, phòng chống bạo lực, xâm hại và xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện.

583.689 học sinh được tư vấn tâm lý lứa tuổi, giới tính, hôn nhân, gia đình, sức khỏe sinh sản vị thành niên.

“Trường học đã chủ động xã hội hóa về hoạt động tư vấn trường học, đẩy mạnh đầu tư về nhân sự, kinh phí, cơ sở vật chất, tiếp tục nghiên cứu đẩy mạnh hoạt động. Tuy nhiên, công tác tư vấn tâm lý vẫn tồn tại nhiều hạn chế. Trong đó, giáo viên tư vấn chủ yếu là kiêm nhiệm, thiếu chuyên môn nghiệp vụ do hạn chế trong cơ chế tuyển dụng”, bà Phúc nói.

Quốc Trung 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI