Donald Trump và Tập Cận Bình hiểu sai ý nhau về Triều Tiên?

29/04/2017 - 07:00

PNO - Dù chuyện lãnh đạo Mỹ - Trung hiểu nhầm nhau về Triều Tiên là vô tình hay cố ý, việc này góp phần khiến cho chiều hướng diễn biến ở Triều Tiên càng khó lường.

Những phát ngôn mới đây của lãnh đạo Mỹ, Trung Quốc, về Triều Tiên cho thấy nhiều điểm mâu thuẫn, thậm chí là trái ngược, xuất phát từ sự không hiểu ý nhau.

Donald Trump va Tap Can Binh hieu sai y nhau ve Trieu Tien?
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Donald Trump trong cuộc hội kiến đầu tháng Tư tại Mỹ. Ảnh: SCMP

Ai đã nói gì về lịch sử Triều Tiên

Sau cuộc gặp tại dinh thự của Tống thống Mỹ ở Mar-a-Lago, bang Florida, Tổng thống Mỹ Donald Trump hết lời cảm tạ Chủ tịch Tập Cận Bình, vì đã giúp ông mở mang về vấn đề Triều Tiên.

Trả lời phỏng vấn của tờ Thời báo phố Wall hôm 12/4, ông Trump nói nhầm rằng '(bán đảo) Triều Tiên từng là một phần của Trung Quốc'.

'(Ông Tập) sau đó đi vào phần lịch sử giữa Trung Quốc và (bán đảo) Triều Tiên. Không phải là bắc Triều Tiên, mà là cả Triều Tiên.

Và bạn biết đấy, chúng ta đang nói về lịch sử hàng ngàn năm với vô số cuộc chiến. Và (bán đảo) Triều Tiên thực tế từng là một phần của Trung Quốc'.

Trên thực tế, có hai thời điểm trong lịch sử có thể bị hiểu nhầm rằng một nước Triều Tiên (trước khi trở thành hai nước Triều Tiên và Hàn Quốc như hiện nay) từng thuộc về Trung Quốc.

Lần thứ nhất là trong suốt triều đại nhà Hán (206 trước Công nguyên - 220 sau Công nguyên), Trung Quốc đã dựng nên bốn 'Quận' ở khu vực phía bắc của bán đảo Triều Tiên. Lần thứ hai là khi quân Nguyên Mông đô hộ cả Trung Quốc và Triều Tiên vào thế kỷ 13.

Hiện chưa rõ việc ông Donald Trump nói nhầm là do ông Tập Cận Bình giải thích sai, hay là do chính ông Trump hiểu nhầm như vậy.

Tuy vậy, sự hiểu sai của ông Trump là có thể hiểu được – khi mà lịch sử Mỹ ghi nhận hình thức ‘liên minh’, chứ không có hình thức ‘phiên thuộc’ hoặc ‘chư hầu’ như trong lịch sử Trung Hoa.

Donald Trump va Tap Can Binh hieu sai y nhau ve Trieu Tien?
Triều Tiên tập trận pháo binh quy mô chưa từng có hôm 25/4. Ảnh: Express

Quả bóng hạt nhân ở chân ai?

Ngoài vấn đề lịch sử, trong bài toán phi hạt nhân hoá bán đảo Triều Tiên, dường như từ lâu Mỹ và Trung Quốc đã có cách giải không giống nhau.

Sau khi đàm phán sáu bên về phi hạt nhân hoá bán đảo Triều Tiên, mỗi lần Bình Nhưỡng thử tên lửa hoặc hạt nhân, Mỹ đều hối thúc Hội đồng Bảo an, gây sức ép lên Trung Quốc.

Qua đó, Mỹ muốn Trung Quốc có tiếng nói và hành động thiết thực hơn nữa đối với Triều Tiên. Gần đây nhất, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson còn nói với truyền thông Mỹ rằng, Trung Quốc đã yêu cầu Triều Tiên không tiến hành thêm các vụ thử hạt nhân nữa.

Nhưng trên thực tế, mạng Cwzg.cn của Trung Quốc đăng tải bài viết, cho rằng việc Triều Tiên có sở hữu hạt nhân không phải là mối lo ngại, hay an nguy của Bắc Kinh.

Bài báo nói, Bắc Kinh hiểu việc Triều Tiên sở hữu hạt nhân là vì mục đích phòng vệ, sau nhiều lần Mỹ ‘hứa hão’ về kế hoạch phi hạt nhân hoá.

Và do đó, chương trình hạt nhân là kết quả mâu thuẫn giữa Washington và Bình Nhưỡng, và Bắc Kinh chỉ đóng vai trò trung gian hoà giải.

Bắc Kinh nói ‘hoà’, Washington bảo ‘đánh’

Sự khác biệt về cách tiếp nhận ‘quả bóng hạt nhân’ này, dưới thời chính quyền Trump đã trở thành hiểu nhầm trong cách tiếp cận tình thế hiện tại, trong bối cảnh Triều Tiên có thể sắp thử hạt nhân lần thứ 6.

Trả lời phỏng vấn hôm 10/4, Ngoại trưởng Mỹ Tillerson nói rằng khi hai lãnh đạo Mỹ - Trung gặp nhau, Bắc Kinh thừa nhận tình hình trên bán đảo Triều Tiên đã leo thang đến độ nghiêm trọng, và ủng hộ cách làm của Mỹ nhằm khiến Triều Tiên ‘thay đổi ý kiến’.

Ông Tillerson ngầm ý Trung Quốc đồng ý quan điểm của Tổng thống Mỹ Donald Trump, rằng ‘cần phải hành động’ với Triều Tiên.

Donald Trump va Tap Can Binh hieu sai y nhau ve Trieu Tien?
Mỹ và Hàn Quốc tập trận chung ngày 25/4. Ảnh: AP/Daily Mail

Cách nói của ông Tillerson khiến nhiều người ngộ nhận là Trung Quốc đồng ý để Mỹ tấn công Triều Tiên. Nói là làm, Mỹ lập tức điều binh bố trận sẵn sàng với dàn vũ khí chiến lược, như lời Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc nói: chỉ cần Triều Tiên có động thái bất thường là ‘ra tay’.

Điều này dẫn tới việc báo chí Triều Tiên lại lên tiếng bất bình, ám chỉ ‘một trong những nước láng giềng’ – mà ai cũng hiểu là Trung Quốc – đã ‘đi đêm’ với Mỹ.

Tuy nhiên, những gì mà Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói về cuộc gặp giữa hai nguyên thủ, bàn về Triều Tiên, theo hướng hoàn toàn khác.

Phát ngôn viên Hoa Xuân Oánh nói rằng Trung Quốc kiên trì phi hạt nhân hoá bán đảo Triều Tiên, bảo vệ hoà bình trên bán đảo này, thông qua đối thoại.

Sau cuộc chiến liên Triều 1950-1953, Triều Tiên và Hàn Quốc mới chỉ ‘đình chiến’, và về kỹ thuật, đôi bên vẫn trong tình trạng chiến tranh.

Để gỡ ngòi nổ ở Triều Tiên, Bắc Kinh còn đề xuất với Washington phương án ‘song hành’ – phi hạt nhân hoá bán đảo Triều Tiên, cùng lúc chuyển từ cơ chế ‘đình chiến’ sang ‘hoà bình’.

Cùng với đó, Bắc Kinh còn đưa ra giải pháp ‘hai tạm dừng’ – Triều Tiên tạm dừng phát triển vũ khí hạt nhân; còn Mỹ và Hàn Quốc dừng tập trận – làm nền tảng đạt được hoà bình.

Những ngày này, bán đảo Triều Tiên và các vùng phụ cận đã chất đầy vũ khí và binh lực, vậy mà việc thông ngôn giữa Mỹ và Trung Quốc lại rơi vào tình trạng ‘trống đánh xuôi, kèn thổi ngược’ – Bắc kinh bảo ‘hoà’, còn Washington lại bảo ‘đánh’.

Với các diễn biến khó lường và vô định này, không ai hình dung được chuyện gì sẽ xảy ra, nếu Triều Tiên thử hạt nhân lần thứ 6.

Minh Thu 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI