Không khí dịu mát của Sài Gòn những ngày cuối năm làm cho nhịp sống của vạn vật đều trở nên chậm lại. Dẫu đã trải qua biết bao khó nhọc trong những tháng ngày đại dịch, sức sống mùa xuân vẫn len lỏi vào từng góc phố từng mái nhà, qua từng thay đổi nho nhỏ trong đời sống… Trước nhiều ngôi nhà, mai đã được vặt lá, mở Facebook là đụng toàn lời rao mua quà tết…
Nói về hương vị tết cổ truyền thì thời công nghệ “bốn chấm” với 4G, 5G, hẳn đã bị “bay đi ít nhiều”. Muốn nhớ lại đúng vị tết, nhiều 6X, 7X hay 8X thường nhâm nhi ly cà phê với bạn bè cùng trang lứa rồi cùng ôn kỷ niệm xưa.
Thì đúng vậy, hồi đó, năm một ngàn chín trăm… lâu lắm, khi mà pháo còn được mua tự do ngoài chợ, cửa hàng… và đốt tự do tại tư gia, thì tết bắt đầu với những tràng pháo nổ vang vọng, khiến học trò ngồi trong lớp mà thấy chộn rộn. Đứa này hỏi đứa kia “tất niên ở đâu vậy?”, “chắc nhà ông Tư hay bà Năm ở cuối phố”.
Ngoài đường đã thấy khang khác. Trên con đường phố nhỏ, lác đác vài nhà kê mấy viên gạch to ngay trước nhà làm ông táo, trên đó là thùng sắt tây hoặc tôn có nắp đậy “đàng hoàng” (nắp đậy này do mấy tiệm “gò hàn” cố gò cho thật đẹp). Lửa sẽ âm ỉ cháy suốt ngày đêm để luộc bánh tét bánh chưng. Có nhà “lịch sự” lấy đồ che chắn cho khói khỏi bay qua nhà hàng xóm, có nhà cứ để tự nhiên, thì cũng chẳng ai trách, tết mà!
Mà đúng vậy, tâm lý người Việt mình, tết nhất thì điều gì không hay cứ bỏ qua, cái gì cũng phải vui vẻ, nên thứ làm cho nổi bật sự khác nhau giữa tết và ngày thường chính là không khí đặc biệt, cách đối đãi nhau giữa người quen với người quen cũng như giữa những người xa lạ.
Tết ở vùng thôn dã hay sơn lâm thì người ta có thể nghe tiếng chim hót ríu rít báo hiệu mùa xuân về, hay nhìn cánh đào, mai rừng nở rộ mà biết đông tàn xuân tới.
Còn ở nơi phố thị, tiếng chim hót bị chìm lấp trong tiếng động cơ xe, tiếng rao hàng lảnh lót của các anh, các chị bán dạo thì làm sao nhân gian biết được xuân đã về?
Chẳng sao, vì đầu tháng Chạp âm lịch là mấy nhà hay cửa hàng, cửa hiệu có máy cassette bắt đầu mở băng từ, rộn ràng mấy bài “xuân” mà ca từ đặc sắc, nào là “em ơi mùa xuân đến rồi đó…” hay “em ơi vút lên một tiếng đàn…”, rồi thì “xuân đã về, xuân đã về...”, “đón xuân này tôi nhớ xuân xưa…” “ngày xuân nâng chén ta chúc nơi nơi…”… tất cả làm không khí thêm náo nhiệt, tưởng như xuân đã ngấp nghé đến sát bên thềm cửa.
Bên hàng xóm, ông bác đã lấy bộ lư đồng trên bàn thờ xuống rồi bắt mấy đứa con ra chợ mua bịch bột chà lư về để mấy cha con chà cả buổi. Nhà nào ít tiền thì không cần mua bột mà ra vườn hái mấy loại lá đặc biệt đem kết hợp với nùi giẻ, cũng chà miết cho đồ đồng sáng sủa để ông bà đã khuất thấy đường về ăn tết với con cháu. Bộ lư sáng nhất chắc là của mấy nhà khá giả, vì họ có tiền đem ra tiệm “đánh bóng lư đồng”.
Lúc bấy giờ, thường mấy tiệm sửa xe đạp có sẵn máy mài, họ “độ chế” sao đó để thành máy đánh bóng. Bộ lư sau vài phút qua tay họ trở nên bóng loáng như mới. Nói tới lư đồng mà không nói tới bánh, mứt dịp tết thì thật là thiếu sót.
Những năm xưa, không nhiều cửa hàng bán bánh mứt trà rượu như bây giờ. Bởi vậy tết là dịp để các bà các cô trổ tài “công” trong “công dung ngôn hạnh”. Bánh tết có bánh thuẫn, bánh gato, bánh in là “chủ lực” (nếu thiếu sẽ không ra tết), rồi bánh khảo, bánh xốp, bánh men... Mứt thì bắt buộc phải có mứt dừa, mứt gừng… ngoài ra còn tùy trong vườn có trái gì thì làm mứt trái đó, ví dụ như mứt chùm ruột, mứt bí, mứt me… đủ kiểu, đủ loại, tha hồ cho các chị các mẹ sáng tạo. Trứng, đường, bột mì, bột gạo, bột nếp, bột nổi, men… là các nguyên liệu chính cho bánh, mứt tết.
Nhà nào lúc gần tết cũng có cái màn “đánh bột” - thường được giao cho mấy đứa con cháu tuổi teen ham chơi - ham ăn thực hiện. Tùy loại bánh mà nguyên liệu và trứng được đổ chung vào một xô/chậu/thau rồi dùng “động cơ chạy bằng cơm” - tức mấy đứa nhỏ choai choai - đánh cho “dậy”. Dụng cụ đánh bột nhìn giống như cái chuông có cán - nhưng phần chuông lại giống như cái lò
xo quắn.
Cứ vậy, đứa trẻ đánh bột phải đánh suốt, đánh liên tục, mỏi tay này thì chuyển qua tay kia. Vậy nhưng không hề gì, vì cứ nghĩ tới vài hôm nữa tới tết mình được ăn bánh… thả giàn. Phần quan trọng nhất là nướng bánh, hấp bánh thì đã có các mẹ các chị tay nghề cao qua nhiều năm kinh nghiệm. Mứt cũng vậy, phần sên, đảo, thắng đường… đều do các “cao nhân” trong nhà thực hiện.
|
Tết Sài Gòn từ xưa tới nay không thể thiếu hoa. Những nhà vườn ở Gò Vấp, Hóc Môn, Thủ Đức… có đủ thứ hoa kiểng từ quất, mai, mai chiếu thủy, vạn thọ, cúc… |
Ra đường, không khí tết đã tràn về theo từng chiếc xích lô chở những chậu cúc vàng ươm, chậu thược dược hồng tía, chậu quất lúc lỉu trái, chậu vạn thọ vàng nghệ, hay chậu mai vàng rực… Đây là những loại hoa tiêu biểu cho dịp tết của những năm xưa được bày bán ở chợ hoa xuân. Các chủ gian hàng hoa chào mời luôn miệng, hòa với tiếng trả giá, bình phẩm của khách mua làm xôn xao cả một góc phố, cộng với tiếng nhạc xuân của ban tổ chức hội hoa khiến không gian như đặc quánh hương vị tết. Nên dù mua hay không mua, ai tới đây cũng cảm thấy như nàng xuân đã về với nhân thế…
Tết năm xưa đầy màu sắc, hương vị. Giờ đây, khó có thể tìm lại được ngày tết y như vậy nữa, vì cuộc sống thì cứ luôn tiến lên và thay đổi không ngừng. Biết đâu vài mươi năm nữa, lại cũng có người sinh vào đầu thế kỷ XXI ngồi bồi hồi nhớ lại những cái tết mình đã trải qua.
Quang Thiện