Đơn vị A20-A30 Biệt động Quân khu Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân

19/08/2022 - 20:24

PNO - Ngụy trang bởi những khối củi cao su, cần xé cà chua, rau cải, đường cát… các bác tài biệt động đưa vũ khí vào nội đô phục vụ chiến đấu.

Ngày 19/8/2022, tại Cung văn hóa Lao Động TPHCM, Đơn vị Bảo đảm chiến đấu A20-A30 Biệt động Quân khu Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định (A20-A30) tổ chức buổi họp mặt với các cán bộ chiến sĩ và gia đình cơ sở cách mạng nhân kỷ niệm 77 năm ngày Cách Mạng Tháng Tám và công bố quyết định phong tặng Đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Buổi hội ngộ trong niềm vui và nước mắt
Buổi hội ngộ trong niềm vui và nước mắt

A20-A30 được thành lập chính thức năm 1964, thời kỳ chống Mỹ cứu nước với tổng quân số 253 (nội thành 115, ngoại thành 138). Dưới sự lãnh đạo của Đảng Bộ Tư lệnh quân khu Sài Gòn - Gia Định, A20-A30 là đơn vị đảm bảo chiến đấu hoạt động chiến trường đặc biệt nội đô Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định. Ba nhiệm vụ chính của đơn vị là vận chuyển vũ khí từ vùng giải phóng vào nội thành, xây dựng cơ sở hầm bí mật cất giấu vũ khí, tổ chức đường dây giao liên đưa rước cán bộ và chiến sĩ ra vào nội thành chiến đấu.

Mở đầu buổi họp mặt, bà Trần Thị Yến Ngọc (Thu Bà Điểm) - Trưởng Ban liên lạc A20-A30 xin một phút mặc niệm tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ đã chiến đấu, hy sinh trong khi làm nhiệm vụ. Bà cũng ôn lại truyền thống của đơn vị và những đóng góp to lớn vào công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Bà Trần Thị Yến Ngọc giao liên bộ chỉ huy tiền phương FK6, Trưởng Ban liên lạc A20-A30 ôn lại truyền thống đơn vị
Bà Trần Thị Yến Ngọc, giao liên bộ chỉ huy tiền phương FK6, Trưởng Ban liên lạc A20-A30 ôn lại truyền thống đơn vị

Hơn 10 năm hoạt động, đơn vị luôn sẵn sàng giao đủ theo nhu cầu cho chiến dịch. Các cán bộ chiến sĩ với bản lĩnh chính trị và lòng yêu nước đã mưu trí linh hoạt, thông minh, sáng tạo đối phó mọi tình huống, thay đổi biến hóa “xuất quỷ nhập thần”. Các chiến sĩ hoàn toàn tự nguyện tham gia đóng góp sức người, sức của, sẵn sàng thay đổi nghề nghiệp, sẵn sàng hy sinh tính mạng và tài sản gia đình, không hề tính toán danh lợi thiệt hơn và nhận bất cứ nhiệm vụ do Đảng phân công. Họ sẵn sàng bán nhà, dời chỗ ở đến gần mục tiêu quân sự hơn để có cớ đào hầm chứa nước thải (thực ra là đào hầm chứa vũ khí).

Diệu kỳ thay những quán phở, điểm bán bong bóng, những thùng thuốc lá, những chiếc ghe hai đáy, những ngôi chùa… có phép tàng hình, che mắt bọn giặc, vì phương châm “tất cả cho chiến đấu”.

Ngụy trang bởi những khối củi cao su, cần xé cà chua, rau cải, đường cát… các bác tài biệt động ung dung đưa vũ khí vào nội đô vượt qua các trạm kiểm soát dày đặc của địch ở các cửa ngõ Sài Gòn.

Những vũ khí ấy được các chiến sĩ Biệt động Sài Gòn cho nổ tung các cơ quan đầu não của Mỹ Ngụy. Tổng thống Mỹ buộc phải chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán, ký kết hiệp định Paris, chấm dứt cuộc chiến tranh leo thang ném bom phá hoại miền Bắc và rút quân khỏi miền Nam. Mỹ rút quân Ngụy quyền sụp đổ mở đường đi đến thắng lợi Mùa Xuân 1975.

Bà Đặng Thị Thiệp và cháu nội tại buổi họp mặt
Bà Đặng Thị Thiệp và cháu nội tại buổi họp mặt

Đến với buổi họp mặt, bà Đặng Thị Thiệp - Đặng Thị Tuyết Mai (Q.3, TPHCM) đỏ hoe mắt kể lại những tháng năm cùng chồng là đồng chí Trần Văn Lai đào hầm bí mật cất giấu vũ khí tại nhà chuẩn bị đánh dinh Độc Lập trong đợt 1 Mậu Thân - 1968, nay đã trở thành Bảo tàng Biệt động Sài Gòn lưu giữ nhiều hiện vật quý. Cháu nội Trọng Nhân của bà cũng cùng đến họp mặt với các ông bà, cô chú, cùng tự hào về truyền thống gia đình cũng như quý yêu những công lao, những hy sinh của ông cha cho nền hòa bình độc lập của dân tộc.

Diệu Hiền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI