Thiếu cha, vắng mẹ - miễn không thiếu tiếng cười
Gia đình tôi có ba người. Tôi sinh được hai cậu con trai, một cậu ương ương đang “khủng hoảng” tuổi lên ba. Cậu lớn thì chỉ còn chơi một năm nữa là bắt đầu 12 năm đèn sách.
Tôi vừa qua tuổi 30, nặng 45 ký, đen nhẻm, nhỏ con và hay nhăn. Cậu bé thì có thể cười suốt ngày, cậu lớn có thể khóc suốt ngày, tôi có thể càu nhàu cả ngày. Đó là ba mẹ con tôi.
|
Cuộc sống chúng tôi vẫn tràn đầy màu sắc. Hình minh họa. |
|
Đó là gia đình tôi. Gia đình tôi vẫn đều đặn những nhịp sống hằng ngày như mọi gia đình có đủ bố mẹ khác. Vẫn sáng kéo nhau ra khỏi nhà. Hôm nào về sớm thì vui, không thì 12 tiếng rời nhà rồi mới trở về.
Khi mẹ lao vào bếp, hai cậu thì tự lấy sửa, tự bắt tivi, thỉnh thoảng cậu lớn phụ mẹ xếp đồ, cậu em chạy vào phá bĩnh mọi thứ. Sau đó là cuộc chiến phòng tắm, rồi ngồi vào bàn ăn cơm tối. Một tiếng sau, chúng tôi đi ngủ.
Ngày nào cũng như vậy. Cuối tuần thì ai thích làm gì thì làm nấy. Cậu em thích quậy thì quậy, mẹ đọc sách, anh hai coi tivi. Thỉnh thoảng mẹ chở ra ngoài tham dự các lớp ngoại khóa, đi thư viện…
Cuộc sống cứ thế mà trôi, ba người chúng tôi lớn lên cùng nhau, vui buồn, khóc cười cùng nhau. Và tôi luôn biết ơn vì điều đó.
|
Cứ thế mà những đứa trẻ lớn lên. Hình minh họa. |
Cạnh nhà tôi là một gia đình ba người khác. Một ba và hai con. Cô con gái lớn ở nhà có phần nam tính như ba và em trai. Ba là giảng viên Đại học Sư Phạm TP.HCM. Hai cô cậu cũng lớn, tự đi xe đạp, về nhà tự nấu cơm.
Tối, tôi đi đổ rác chuẩn bị đi ngủ thì nhà đó mới ngồi trước mâm cơm, đã vậy còn ngồi bệt xuống sàn. Nhà rất ít đồ nhưng bừa bộn. Nhà tối vì chỉ bắt một cái đèn bé xíu ở mâm cơm. Nhưng ấm áp và vui. Thấy cô bé với cậu bé nói cười huyên thuyên.
Vì phép lịch sự nên chưa bao giờ tôi hỏi hai bé về mẹ của chúng. Cũng như mấy lần đi thang máy chung, cha của hai bạn nhỏ cũng không than phiền gì độ ồn của nhà tôi. Mà còn buông mấy câu động viên: "Có hai con trai phải nghịch như vậy mới… thuận tự nhiên".
Ba ngọn nến lung linh
Có con nghịch thì vui, mà hai cậu cùng nghịch, lại hai kiểu nghịch rất khác nhau, cũng không phải là điều dễ thở. Nhưng, cứ nhìn thấy hai cậu lớn lên hằng ngày, tính cách được dần dần hình thành trong hai cậu, tôi thấy như mình đang chứng kiến sự kỳ diệu của cuộc sống hiện hữu trong mỗi đứa trẻ.
Gia đình, vơi tôi hơn bao giờ hết, là nơi nuôi dưỡng sự diệu kỳ. Tình yêu thương là thức ăn, là nguồn sống giúp sự diệu kỳ ấy lớn lên. Cậu em thì rất lì và bướng. Càng la, con càng không sợ. Ấy vậy mà cứ nói nhẹ nhàng là con sẽ nghe lời.
Cậu lớn có ý thức từ thuở bé, nhưng lại yếu đuối và dễ khóc. Tối, em buồn ngủ mà mẹ còn ngồi lặt cho xong đọt bí (vì mai thì nó héo, không lặt dễ như khi tươi), bèn chạy tới tước xơ bí phụ mẹ. Dù không thật chuẩn, không thật sạch nhưng cũng giúp mẹ nhanh hơn và làm vui hơn. Anh hai luôn như vậy, luôn muốn giúp mẹ thật nhiều. Hỏi con: "Con muốn làm gì khi lớn lên?", "Con muốn được giúp mẹ", cậu bé 5 tuổi của tôi đã trả lời như vậy!
Gia đình tôi không khác gì những gia đình có người đàn ông ở nhà. Gia đình tôi cũng có những vui, buồn, những yêu thương ấm áp. Có cả những giọt nước tủi thân vì có lúc nói con không nghe, nhưng cũng có những giọt nước mắt hạnh phúc vì thấy mình quá may mắn khi có hai cậu con trai bên cạnh.
Một tình yêu không cần bất cứ điều kiện nào, một tình yêu không cần phải giữ, phải quản, không cần phải đặt muôn vàn câu hỏi, vì sao, tại sao… Tình yêu đó cứ được chắt chiu qua năm tháng trong một mái nhà, ấy là gia đình.
|
Tình yêu gia đình không cần bất cứ điều kiện nào. Như ánh sáng ấm áp, sưởi ấm ta mỗi ngày. |
Nhưng đó không phải là tình yêu như tôi đang có, tình yêu được ôm ấp, yêu thương, gìn giữ và nâng niu mỗi ngày. Để mỗi đứa trẻ không chênh vênh và mất phương hướng khi lớn lên, chúng cần cả ba lẫn mẹ. Nhưng ba và mẹ có chung sống cùng nhau hay không, tôi nghĩ đó là chuyện khác.
Cả ba chúng tôi đều rất hạnh phúc nhưng sẽ không công bằng nếu bắt hai con trai tôi chỉ có mình tôi và quên người thứ hai sinh thành ra chúng. Chúng vẫn có ba, vẫn được ba chúng quan tâm theo cách riêng.
“Ba là cây nến vàng, mẹ là cây nến xanh, con là cây nến hồng” nhưng nhà tôi khác một chút: Anh là cây nến vàng, em là cây nến xanh, mẹ là cây nến hồng. Ba ngọn nến lung linh, ấm áp một gia đình...
Kim Ngọc