Đón Tết ở bản Dao

05/02/2019 - 12:30

PNO - Ba ngày tết, cả bản đến nhà nhau chúc sức khoẻ, chúc làm ăn thuận lợi, con cháu đuề huề. Chiều chiều, những người già ngồi quanh sân nhà văn hoá của bản ngắm nhìn con cháu nô nức bắn nỏ, kéo co, ném còn…

Cách người Dao ăn tết, đón năm mới cũng mang rất nhiều nét đặc trưng riêng, chẳng thể nào lẫn lộn. 

Rộn ràng khắp bản

Tổ dân phố của phường Huyền Tụng, Khuổi Pái có 100% nhân khẩu là người Dao đỏ. Hỏi thăm về “tổ dân phố Khuổi Pái”, bà con mủm mỉm “bản ta đây, Khuổi Pái đây” chứ không ai chịu nhận mình là công dân phố thị.

Cũng như nhiều cộng đồng khác trên dải đất hình chữ S, bà con Dao đỏ nơi này luôn tâm niệm tết là dịp đôi chân được nghỉ ngơi sau cả năm trời đi nương, quần quật làm rẫy; và tết cũng là dịp để con cháu tưởng nhớ, báo hiếu tổ tiên. Từ ngày 20 tháng Chạp, gia đình ông Bàn Phúc Văn cùng bà con trong bản đã tạm gác nông cụ để chuẩn bị cho cái tết lớn nhất năm.

Nhiều gia đình trong bản ra chợ chọn mua loại đỗ xanh và gạo nếp ngon nhất, hạt trắng đục, tròn căng để gói bánh chưng, bánh dầy. Riêng nhà ông Văn cẩn thận, cầu kỳ hơn, các con cháu đã gieo trồng loại nếp nương; từ khi trồng đến kỳ thu hoạch, thời gian luôn gấp đôi loại lúa nếp trồng ở đồng bằng màu mỡ.

Don Tet o ban Dao
Cô gái Dao bên bếp lửa chuẩn bị bánh chưng cho ngày Tết

Hạt nếp nương không béo tròn như được trồng dưới nước mà thon hơn, dài hơn; cũng không trắng đục chằn chặn mà có hạt đục, hạt trong. Thoạt nhìn thì không “đẹp” như hạt gạo từ lúa nước, nhưng càng nhìn càng thấy nếp nương đanh chắc, rắn rỏi.

Ngày 25 tháng Chạp, không khí tết đã phủ khắp bản. Những người phụ nữ rủ nhau vào rừng tìm lá dong, thanh niên trai tráng trong bản thì tập trung cả lại, mỗi nhóm 3-4 người đến giúp các gia đình mổ lợn. Chiều hôm ấy, chẳng hẹn mà khắp bản vang tiếng lợn kêu; khói lam vừa lách qua mái lá đã bị sương mơ chặn lại, ềm ệp quanh nóc bếp; đám trẻ con tí táu kéo nhau chạy từ nhà này sang nhà khác xem người lớn chuẩn bị tết nhất ra sao.

Quây quần bên bếp lửa chờ khoảnh khắc giao thừa

Ba mươi tết, các gia đình làm lễ, vừa cúng ông Công, ông Táo như người miền xuôi, vừa là lễ cúng tất niên. Ông Văn bày lên mâm chiếc bánh chưng gù (loại bánh đặc trưng của người Dao), thịt lợn, thịt gà, rượu và đĩa bánh dày gói trong lá chít. Ông thầy cúng được mời từ bản Cạu sang, ông ngồi trước ban thờ, phía sau là đại gia đình ông Văn đã tựu về đông đủ.

Don Tet o ban Dao
Bánh chưng gù

Cuốn sách chữ Hán trước mặt, ông thầy cúng lim dim mắt, những giai điệu âm ư, ề à, lên bổng xuống trầm khiến không khí vừa trang trọng, linh thiêng, lại vừa váng vất liêu trai. Ông Văn bảo những bài cúng ấy để giải hạn, xua đi những điều không may mắn trong năm cũ. Hết bài cúng giải hạn là đến bài mời “ma nhà” - chính là ông bà tổ tiên và những người đã khuất trong gia đình ông Văn về ăn tết cùng con cháu. Ông thầy cúng lại tiếp tục âm ư khấn bài cầu xin sức khoẻ, may mắn, bình an cho đại gia đình, cầu xin cho năm mới mưa gió thuận hoà, mùa màng tươi tốt, vật nuôi khoẻ mạnh.

Don Tet o ban Dao
Cụ Lai giúp con cháu chuẩn bị tết

Trời về chiều, cái rét miệt rừng như châm chích vào da thịt, nhưng cả gia đình ông Văn vẫn “xếp hàng” chờ tắm, đó như là “thủ tục” thanh tẩy để bước vào năm mới. Những người phụ nữ trong gia đình bước ra với áo khăn rực rỡ, mùi thơm của lá cây lúc gần, lúc xa theo từng nhịp đung đưa trên gấu váy. Cả đại gia đình ông Văn quây quần bên bếp lửa, bốn khúc củi chụm lại tượng trưng cho bốn mùa của năm; họ vừa đốt vừa nói lời chào tạm biệt xuân, hạ, thu, đông.

Mẹ ông Văn - cụ Lai châm bó nhang rồi cầm đèn pin ra khu chuồng gà, chuồng trâu… Cụ đi thắp nhang ở các chuồng gia súc, gia cầm để ma tà không vào quấy rối. Trở lại bên bếp lửa, cụ lặng lẽ cùng con cháu đón chờ khoảnh khắc giao thoa, chuyển mình của trời và đất. Kim đồng hồ nhích sang phút đầu tiên của năm mới, những nụ cười hồn hậu, ấm áp, từng thành viên trong gia đình nắm tay nhau và mừng nhau thêm tuổi.

Don Tet o ban Dao
Bước sang năm mới với trang phục truyền thống sặc sỡ

Ba ngày tết, cả bản đến nhà nhau chúc sức khoẻ, chúc làm ăn thuận lợi, con cháu đuề huề. Chiều chiều, những người già ngồi quanh sân nhà văn hoá của bản ngắm nhìn con cháu nô nức bắn nỏ, kéo co, ném còn… Điều lạ là bà con chỉ ăn chơi đúng ba ngày tết, sang ngày Mồng Bốn, tất cả các gia đình đều làm lễ hạ ban thờ. Ông Văn rủ rỉ báo cáo với tổ tiên rằng năm mới đã sang được bốn ngày, chúng con xin phép các cụ được trở lại với công việc trên nương.

Những ngày Tết ở Huổi Pái, hơi ấm của tình người, cái tình tương thân tương ái của xóm giềng, làng bản vốn đã nhạt nhoà ở nhiều nơi khác bỗng đượm như sắc hoa thắm màu nơi đây. 

Uông Thượng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI