Dọn “rác” cho cơ thể

03/01/2023 - 08:10

PNO - Khi bạn nhận được kết quả xét nghiệm máu và nước tiểu mà có những dòng in đậm với chỉ số mỡ máu, đường trong máu hay a xít uric trong nước tiểu, chỉ số gan, thận… nằm ngoài ngưỡng an toàn nghĩa là cơ thể bạn đang chứa rất nhiều “rác”. Việc của bạn lúc ấy đương nhiên là phải dọn “rác” và phòng ngừa để “rác” không quay trở lại.

"Rác" đến từ đâu?

Nguyên nhân sinh ra “rác” trong cơ thể đến từ thói quen ăn uống và sinh hoạt. Ăn quá nhiều và không hợp lý chính là yếu tố chủ đạo tạo “rác” cho cơ thể. Tuy thực phẩm là nguyên liệu để chế biến, tạo ra khí huyết nhưng năng lực của hệ thống tiêu hóa lại có hạn, thế nên số lượng nhập vào phải được điều tiết cho phù hợp với công suất chế biến. Khi cung vượt quá cầu, hàng hóa sẽ bị tồn, ứ, chiếm diện tích; để có chỗ cho hàng mới, cơ thể lại phải tốn thêm công lực để dọn dẹp. Liên tục như vậy, cơ thể không đủ sức để xử lý nữa; kết cục rác sẽ chất đầy, hòa lẫn và cản trở con đường lưu thông của khí huyết, dưỡng chất. 

Hoài sơn: thảo dược giúp tiêu hóa khỏe mạnh
Hoài sơn: thảo dược giúp tiêu hóa khỏe mạnh

Ăn uống không hợp lý là chỉ tình trạng lượng ăn thừa so với nhu cầu cơ thể; ăn thiên lệch các loại béo, ngọt, dầu mỡ, chiên xào; dùng nhiều bia, rượu, thuốc lá; ăn nhiều đồ sống, lạnh, đồ ôi thiu, kém chất lượng; ăn không đúng giờ, quá nhiều vào cuối ngày, ăn khuya… Những thói quen này lặp đi lặp lại và kéo dài đều làm rối loạn công năng thu nạp, tiêu hóa, thanh lọc thực phẩm, dưỡng chất của tỳ vị, sinh ra thấp, đờm, nhiệt; hệ quả là đường, mỡ, đạm không chuyển hóa hết được, bị ứ đọng lại trong máu, trong gan, nước tiểu…; các sản phẩm thừa thay vì được tống ra ngoài theo đường tiêu, tiểu thì tích lại trong cơ thể và gây bệnh.

Mặt khác, ngày này, với áp lực của cuộc sống, tinh thần, tình cảm của nhiều người dễ bị tổn thương, uất ức, căng thẳng hoặc lo lắng quá độ. Quá nhiều tức giận làm tổn thương gan, quá nhiều dục vọng làm tổn thương thận, quá nhiều lo lắng làm tổn thương tỳ vị. Với những người lớn tuổi, công năng của các tạng phủ ít nhiều bị suy giảm. Nếu bạn vẫn giữ thói quen ăn uống như thời trẻ thì cơ thể càng phải gồng mình gánh rác nhiều hơn.

Một nguyên nhân khác đến từ vận động; nếu quá độ thì gây tổn hại đến khí lực nhưng nếu thụ động quá cũng làm cho huyết mạch lưu thông kém, dễ bị tắc trở.

Giảm chất thải, tăng cường khí huyết

Với một số trường hợp, khi các chỉ số vượt ngưỡng quá nhiều cần phải có sự điều chỉnh bằng thuốc dưới sự chỉ định của bác sĩ. Tuy nhiên, nếu chỉ uống thuốc mà không thay đổi thói quen ăn uống, sinh hoạt, “rác” vẫn sẽ còn mãi, thậm chí còn biến đổi thành nhiều dạng hơn. Vì vậy, muốn trẻ khỏe thì phải đồng thời vừa giảm chất thải, vừa tăng cường khí huyết cho cơ thể. Muốn dọn được “rác” phải đi từ nguyên nhân: ăn uống, tình cảm hay vận động.

Trước tiên, chỉ nên ăn vừa đủ. Ăn chậm, nhai kỹ, khi vừa chớm no thì dừng lại. Ăn đúng bữa, không nên để quá đói mới ăn. Tránh ăn nhiều về chiều tối vì lúc này tỳ vị có xu hướng nghỉ ngơi, thức ăn khó tiêu hóa, dễ bị đình trệ, sinh các chứng tăng huyết áp, mỡ máu, đái tháo đường…

Hạt sen, khiếm thực, ý dĩ giúp tiêu hóa khỏe mạnh
Hạt sen, khiếm thực, ý dĩ giúp tiêu hóa khỏe mạnh

Ăn đầy đủ các nhóm chất, đủ ngũ vị có sự linh hoạt theo mùa theo nguyên tắc thêm rau quả tươi xanh, giảm lượng muối. Hạn chế tối đa các chất kích thích như bia rượu, thuốc lá, cà phê…

Riêng với người lớn tuổi, ngoài những hướng dẫn như trên còn cần thêm lưu ý sau: giảm lượng ăn của mỗi bữa và chia nhỏ bữa ăn thành 4-5 cữ/ngày; thức ăn cần được nấu mềm, nhừ, ăn khi còn nóng ấm; chuyển sang ăn cháo vào bữa chiều tối. 

Nên duy trì vận động thích hợp với cơ địa, độ tuổi, thể chất mỗi tuần ít nhất 5 lần, mỗi lần tối thiểu 30 phút. Cần có sự cân đối giữa vận động và thư giãn. Mặt khác cũng cần chăm sóc cả giấc ngủ bởi nó là yếu tố đầu tiên của sức khỏe. Sắp xếp cuộc sống, tránh bị căng thẳng, lo lắng quá độ. Giảm oán, giận, hờn, buồn đau; tinh thần bình an thì khí huyết mới điều hòa, thông suốt. 

Hà Nguyễn (đông y sĩ, Hội Đông y quận Phú Nhuận)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI