Dồn nén việc học, sinh viên nuôi ý định trả thù đời

13/05/2017 - 13:30

PNO - Áp lực học hành, nỗi lo cơm áo gạo tiền, gia đình quá kỳ vọng khiến bệnh tâm lý ngày càng xuất hiện nhiều trong môi trường đại học.

Bị bệnh đến mức phải bỏ học mà gia đình vẫn không biết

Từ bé, em N.T.T. (sinh viên của Trường Đại học K., tại TP.HCM) đã phải sống thui thủi một mình vì mẹ bận lo cho người cha bệnh nặng. Vốn dĩ, cuộc hôn nhân của cha mẹ không được hai bên nội ngoại ủng hộ, nên em cũng bị bà con trong dòng họ bỏ mặc.

Ở độ tuổi dậy thì, tuổi mà T. cần được người thân quan tâm, chăm sóc cả về thể chất lẫn tinh thần thì em phải tự mình làm tất cả. Cuộc sống của em trầm lặng trong bốn bức tường, có ra ngoài em cũng chỉ đi trên con đường từ nhà đến trường. 

Khi học cấp 3, cũng là lúc cha T. qua đời, không bảo bọc đứa cháu mồ côi của mình, bà con hai bên nội, ngoại lại khinh khi ra mẹ con T. ra mặt.

Don nen viec hoc, sinh vien nuoi y dinh tra thu doi
Ý thức được mình mắc bệnh, nhiều sinh viên đã đến khoa Tâm lý lâm sàng của BV Quận 2 cầu cứu, ảnh minh họa

Mẹ của em lầm lũi, ít nói hẳn, bà đặt hết kỳ vọng vào con mình. Mỗi lần gặp, mẹ em chỉ nói duy nhất một câu ráng học để bà nở mày nở mặt. Chưa đủ lớn để hiểu hết câu nói của mẹ, nhưng vốn là cô gái ngoan hiền, em ra sức học để mẹ mình vui lòng.

Ngày T. báo tin đậu vào trường đại học có tiếng tại TP.HCM, mọi dè bỉu quanh hai mẹ con cũng yên lặng hẳn. Nếu như em buồn vì sắp phải xa mẹ bao nhiêu, thì mẹ lại háo hức để em đi bấy nhiêu. Áp lực, mệt mỏi em luôn đè nén trong lòng cho đến khi đi học đại học.

Không như T. nghĩ, bước ra giảng đường đại học không như trường làng, em đối mặt với nhiều thị phi, lo toan khiến T. chao đảo. Áp lực học hành, gánh nặng cơm áo ngày càng phân tâm, nhưng điều em sợ nhất là mỗi khi thấy số điện thoại của mẹ. T. không tìm được chỗ dựa mỗi khi mệt mỏi, thay vào đó chỉ là sự “nở mày nở mặt” của mẹ.

Trầm lắng, mệt mỏi, nỗi lo về học phí, áp lực mà mẹ đặt lên vai, T. mắc bệnh tâm lý lúc nào không hay. Chỉ biết mình luôn mang một nỗi lo âu, chán chường, T. sợ và ám ảnh mỗi khi nghĩ đến việc phải về quê. Căng thẳng tột độ, không tập trung học được, đang học năm 2, T. xin bảo lưu. 

Em lao vào kiếm tiền rồi bỏ mất thời gian học tập. Năm nay, đáng lý ra T. phải lên giảng đường nhận bằng tốt nghiệp thì em lại tìm đến chuyên gia tâm lý để cầu cứu. Nếu không thì… T. ngột ngạt mà chết.

Don nen viec hoc, sinh vien nuoi y dinh tra thu doi
Những ca bệnh nặng, ThS Nguyễn Ngọc Diệp lưu lại cả một xấp giấy dày.

Người muốn tự tử, người muốn trả thù đời

Điều trị tâm lý cho T. được 4 phiên, mỗi phiên kéo dài hơn 60 phút, ThS tâm lý lâm sàng Nguyễn Ngọc Diệp, khoa Tâm lý lâm sàng của Bệnh viện Quận 2, TP.HCM nhận thấy T. bị áp lực nặng nề vì sự kỳ vọng của mẹ.

Em càng đau khổ hơn vì mẹ T. không biết chuyện con mình bảo lưu và tính từng ngày con tốt nghiệp. T. không biết phải đối diện với mẹ mình như thế nào vì cô đã chính thức nghỉ học.

ThS Nguyễn Ngọc Diệp cho biết: “Em rất sợ về quê, mỗi lần nghe đến hai chữ này T. đều khóc nức nở, run rẩy vì T. nói khung cảnh ở quê nhà làm cho vết sẹo về cảm giác bị bỏ mặc, bị khinh rẻ tăng lên.

T. rất đau khổ mỗi lần nhớ lại những ánh mắt, lời nói miệt thị từ bà con họ hàng và sợ luôn người mẹ của mình. Càng gần đến ngày về quê, càng khiến cho T. nghĩ quẩn, bế tắc và có ý định tự tử”.

Don nen viec hoc, sinh vien nuoi y dinh tra thu doi
Tùy vào thể bệnh, sinh viên có thể tự hủy hoại bản thân đến trả thù đời, ảnh internet

Không riêng về trường hợp của T., Q.T.V. (Sinh viên trường Đại học T., TP.HCM) cũng vậy! Cha mẹ bất hòa, ly hôn từ khi V. còn rất bé. Cha V. đi thêm bước nữa khiến mẹ của V. đặt lên vai V. gánh nặng về việc học hành. V. phải học làm sao để hơn hẳn con của “đối thủ”. 

Mẹ V. không biết, trong giai đoạn gia đình đổ vỡ, bà nghĩ rằng chỉ có bà là một phụ nữ bất hạnh. Mãi ôm niềm đau của mình, bà quên đi đưa con gái bé bỏng khiến V. bị ba người đàn ông khác lợi dụng.

V. còn quá nhỏ nên không những không hiểu hết nỗi đau của mình, mà còn có cảm giác an toàn, được chiều chuộng khi ở bên những gã đàn ông. 

Mỗi lần thấy V., ngoài việc kỳ vọng, người mẹ lại như thấy chồng mình, bao nhiêu lời nói cay nghiệt, chửi rủa bà đều trút lên V.,

Ngược lại, em quyết tâm đậu đại học không chỉ vì kỳ vọng của mẹ mà muốn được giải thoát. Trở thành sinh viên, V. xin ra ngoài ở, tưởng rằng mình có một cuộc sống mới thế nhưng ngày càng thấm thía về nỗi đau và sự kỳ vọng của mẹ đặt lên mình.

Don nen viec hoc, sinh vien nuoi y dinh tra thu doi
Áp lực đậu đại học, học đại học mà cha mẹ đặt lên vai con vô tình đẩy con mình vào bệnh tật mà không hay

Em bế tắc, tìm đến những cậu trai mà cô gọi là người yêu mình, nhưng thực chất họ đến với cô chỉ để thỏa mãn nhu cầu về thể xác rồi lần lượt rời bỏ. Gần đây, V. có bạn trai mới, cũng là sinh viên, cũng bị bệnh tâm lý giống như  V.

Cả hai có một xuất phát điểm tương tự nhau nên họ có thể đồng điệu về tâm hồn, nhưng đáng lo ngại là V. và bạn trai đều bị bệnh tâm lý nặng. Hai người thường có ý nghĩ trả thù đời, trả thù người thân.

ThS Nguyễn Ngọc Diệp đã phải làm việc với hai người gần 10 phiên thì thù hận của cả hai mới vơi đi đôi chút. Nhưng theo ThS Diệp, cả hai cần nhiều thời gian hơn nữa để có thể giải quyết tâm lý của mình.

Hầu hết sinh viên đến khoa khi đã mắc bệnh tâm lý trong một thời gian dài, ở các thể trầm cảm, rối loạn lo âu, rối loạn cưỡng chế,…, họ khá khép kín, thường bộc phát hai xu hướng tự tử hoặc trả thù. 

Về việc này, ThS Nguyễn Ngọc Diệp cho biết: “Bệnh tâm lý không phải là một căn bệnh hiếm gặp, nhất là môi trường đại học. Những áp lực về học tập, sự kỳ vọng quá lớn từ gia đình, các mối quan hệ ở trường học,… đều có thể khiến cho sinh viên dễ mắc bệnh tâm lý. Đặc biệt là sinh viên năm 2,  năm 3. 

Gần đây, nhiều bạn sinh viên đã ý thức được bản thân mình đang gặp phải những vấn đề nan giải, suy nghĩ tiêu cực mỗi lúc một nhiều nên đã đến bệnh viện để gỡ rối. Tuy mất nhiều thời gian, nhưng đáng mừng là các bạn vẫn kiên trì điều trị bệnh”.

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI