edf40wrjww2tblPage:Content
Chiến sĩ Nguyễn Văn Hà (trái) cùng đại đội trưởng trang trí cây cảnh cho ngày Tết, anh khấp khởi hy vọng được đón vợ con lên thăm
XUÂN BIÊN CƯƠNG
Đại đội 1, Huyện đội Tân Châu, tỉnh Tây Ninh thường xuyên phải phối hợp bộ đội biên phòng ở các đồn Kà Tum, Suối Tre, bảo vệ 47,5km đường biên giới giáp ranh với quận Mimot, tỉnh Kampong Cham, Campuchia. Suốt Tết, đơn vị này phải cắm trại 100% nên cứ ngày 23 tháng Chạp âm lịch, đại đội lại tổ chức cho thân nhân cùng “ăn Tết” với chiến sĩ.
Thượng tá Đỗ Thành Việt, Chính trị viên Huyện đội cho biết: “Gọi là ăn Tết, nhưng thật ra đó chỉ là những suất cơm bình thường của bộ đội, tương đương 17.000đ/khẩu phần cho bữa ăn trưa! Sau đó là cùng giao lưu văn nghệ, nói về những thành tích lẫn những khó khăn của đơn vị cho gia đình và đại diện địa phương của chiến sĩ cùng chia sẻ. Bánh trái của thân nhân chiến sĩ mang lên không đếm xuể. Chỉ một bữa gặp đơn sơ vậy mà anh em như được “lên tinh thần”.
Đại úy Trịnh Xuân Huân và vợ trên đảo Trường Sa dịp Tết 2013 - Ảnh: Lương Xuân Giáp
Chị Trần Thị Thơm, vợ chiến sĩ Nguyễn Văn Hà (sinh năm 1990) ở đại đội 1 chia sẻ: “Lên thăm chồng, hiểu những hy sinh gian khó của các anh, tôi không cầm được nước mắt”. Có lẽ vì vậy nên dù nhà cách đơn vị của chồng gần 30km, nhưng bốn ngày mùng Hai, Ba, Năm và Bảy, được đơn vị cho phép là Thơm đạp xe đi thăm chồng. Dù chỉ được gặp nhau vỏn vẹn một tiếng theo quy định, nhưng Thơm vui lắm. Nhà nghèo, có đòn bánh tét hay hũ mứt ngon, chị cũng gói ghém mang theo để chồng chia sớt cùng đồng đội. Anh Hà kể: “Năm rồi là cái Tết lạ và ý nghĩa nhất đời tôi. Năm nay càng đặc biệt hơn nữa”. Hóa ra, anh vừa lên chức bố hơn một tháng. Thơm đang có kế hoạch đưa con lên đơn vị ăn Tết cùng chồng. Hà chưa dám ngỏ lời với ban chỉ huy, nhưng thượng úy Nguyễn Thanh Hậu - đại đội trưởng đại đội 1 đã như “đi guốc trong bụng” Hà. Anh Hậu tủm tỉm: “Cái cảnh này… giống nhau dữ lắm! Không nói cho cậu ta biết là đồng ý cho cả vợ và con vào doanh trại, nhưng mình giao cậu ta trang trí cây cảnh, tỉa hoa… trong những giờ không ra thao trường để “lấy điểm”, chắc cậu ta cũng ngầm hiểu”.
Tính đến nay, đã 12 cái Tết thượng úy Hậu không được ăn Tết với gia đình, dù canh cánh nỗi nhớ nhà ngày Tết. Anh kể: “Hai lần vợ sinh con đều không có chồng bên cạnh chăm sóc, thương lắm. Tết, chiến sĩ có thể gặp thân nhân, thư giãn, chuyện trò, nhưng riêng ban chỉ huy thì không được vậy. Hầu hết anh em sĩ quan đều phải ăn Tết muộn, luân phiên nhau trong những ngày phép năm ngắn ngủi”. Anh trầm giọng: “Từ sáng mùng Một, chúng tôi đi chúc Tết bà con dọc biên giới, đến chiều mới rảnh rang. Chính lúc đó, cảm giác thèm được cùng vợ con mừng tuổi ba má, nghe các con bi bô chúc Tết ông bà… Những ngày giáp Tết, chỉ cần nghe mùi khói là chợt thèm cởi áo, ngồi bửa đống củi phụ vợ nấu bánh tét”. Nhưng, Hậu chợt hào hứng: “Đời lính mà, phải vậy thôi! Mấy chàng trong đơn vị này tinh nghịch lắm, bày đủ trò nên dù xa gia đình nhưng bên đồng đội, chúng tôi vẫn có cái Tết ấm áp”.
Vợ con của đại đội trưởng Nguyễn Thanh Hậu bên giò Câu lan anh trồng trước ngày vào quân ngũ cách đây hơn 10 năm
TẾT Ở TRƯỜNG SA
Ngày 20/12/2013, đại úy Trịnh Xuân Huân, Phó chỉ huy trưởng Cụm chiến đấu 3, đảo Trường Sa lớn lên tàu ra đảo tiếp tục công tác. Đây là lần thứ ba anh Huân đón Tết ở Trường Sa. Anh kể: “Vợ chồng tôi yêu nhau từ lúc Hiền còn là sinh viên, tôi là tân binh Trường Sĩ quan lục quân 1. Hẹn hò 5 năm, chúng tôi mới cưới được nhau. Vừa cưới xong, Hiền theo tôi vào Nha Trang công tác. Cũng may là một ủy ban phường ở Nha Trang nhận Hiền làm kế toán. Năm 2007, con gái chúng tôi ra đời. Hai năm sau, tôi được điều động ra đảo”.
Đó là cái Tết đầu tiên đại úy Huân ăn Tết sớm. Mỗi năm chỉ có một đợt giao chuyển quân dịp cuối năm dương lịch, nên từ lâu, đón người mới ra đảo, người cũ và đơn vị “giao ca” bằng phong tục ngày Tết để chiến sĩ hiểu và gắn bó với nhau hơn. Chuẩn bị cho thời khắc này, từ hai ngày trước, các chiến sĩ Trường Sa cả mới lẫn cũ cùng nhau làm bánh tét, bánh chưng, bày biện bàn thờ Bác Hồ, trang trí hội trường để đêm 31/12 liên hoan văn nghệ, ôn lại truyền thống hào hùng của Trường Sa. Đại úy Huân nói: “Cảm xúc tự hào, yêu thương đất nước và đồng đội ấy chưa bao giờ lắng dịu trong tôi. Những ngày sau đó, khi xong việc quân, tôi mới gọi điện, viết email về cho Hiền và con gái. Tôi muốn kể tất cả chuyện đảo cho vợ con ở bờ nghe…”.
Cái Tết thứ hai, niềm vui đến với đại úy Huân khi anh được tin vợ theo hải trình giao quân ra Trường Sa thăm chồng. Chị Hiền bồi hồi: “Tôi rất bất ngờ là ngày Tết của chồng chẳng thiếu thứ gì ở quê nhà. Không có hoa mai, nhưng với bàn tay khéo léo, các chiến sĩ cũng làm ra cây mai đẹp, bày được mâm cỗ ngày xuân. Sáng mùng Một, mọi người cũng đi lễ chùa, chúc tụng nhau, trẻ con vẫn có phong bao lì xì, người lớn vẫn đi trẩy lộc… Chứng kiến tận mắt, tôi thật yên lòng”. Đồng tình với vợ, đại úy Huân khẳng định: “Chiến sĩ Trường Sa bây giờ được cả nước chăm lo, nên hầu như chúng tôi chẳng thiếu thứ gì. Dù vậy, nhận quà của vợ, có khi chỉ là cái khăn mặt, vẫn thấy ấm áp, yêu thương…”.
Trung tá Lý Hồng Duyên và đại úy Trịnh Xuân Huân đang bày mâm cỗ đón xuân 2014 - Ảnh: Lương Xuân Giáp
Từ năm 1993, khi lá đơn xung phong vào binh chủng Hải quân được duyệt, trung tá Lý Hồng Duyên, Chính trị viên Cụm chiến đấu 1, đảo Trường Sa lớn biết đời mình sẽ gắn liền với đảo. Từ đó đến nay anh đã hơn 10 lần đón xuân trên vùng đất thiêng liêng này. Hai lần anh nhớ nhất, thương nhất là hai lần tin vui từ đất liền ra đảo. Anh kể: “Đó là hai chuyến công tác ngay cận ngày Vân, vợ tôi, lên bàn sinh. Những ngày Tết ở đảo tôi cứ hồi hộp, tưởng tượng ra cảnh vợ mình lâm bồn, thương vô cùng”. Bây giờ, bố Hồng Duyên được con gái Thu Thảo tạo facebook để vào xem hình ảnh gia đình ở đất liền. Ngày ngày Thảo và Dũng tranh nhau kể bố Duyên nghe chuyện học của hai chị em, chuyện mẹ đi dạy ở trường... Hỏi ngày Tết, anh ước ao điều gì nhất, anh Duyên từ tốn: “Ước thì nhiều lắm, đơn giản như giá mình có mặt ở nhà, đi chợ, nấu cơm, chiên cá, xào rau... Sao cứ nhớ cái tiếng xuýt xoa của con gái khi ăn món rau bố xào đến cháy lòng!”.
Năm mới, với mỗi người lính chốn tiền tiêu, tình yêu ở hậu phương vẫn luôn là nguồn động viên to lớn nhất…
NGHI ANH