Cuối năm, mỗi người dù có hối hả đến mấy cũng háo hức sống trong không khí lễ hội với những ngày lễ lớn như Giáng sinh, tết dương lịch, tết cổ truyền… Năm nay, xen lẫn trong những cảm xúc chờ mong còn có cả những âu lo vì một năm kinh tế khó khăn. Nhiều gia đình phải cân nhắc kỹ hơn, lên kế hoạch mùa lễ hội sao cho vừa vui vừa tiết kiệm.
Đơn giản hóa việc trang trí
|
Thay vì đòi đến trung tâm thương mại, bé Bút Chì và Đậu Phộng được ba mẹ khuyến khích cùng chơi cờ vua vào ngày nghỉ - Ảnh: Linh Nguyễn |
Một trong những hoạt động hưởng ứng ngày lễ, tết đầu tiên luôn là trang trí không gian sống. Nhưng thay vì mua sẵn những món đồ đắt tiền, chỉ việc mang về nhà chưng, nhiều chị em đã chọn giảm bớt việc mua sắm, tận dụng những thứ có sẵn để trang trí nhà cửa.
Chị Nguyễn Thị Linh (35 tuổi, quận Hà Đông, TP Hà Nội) chia sẻ: “Năm nay khó khăn và bận rộn hơn, định thôi không làm gì, nhưng con trai hỏi: “Mẹ ơi, năm nay mẹ có trang trí Noel không?”. Thấy con trông chờ, tôi phải nghĩ cách làm sao cho con vui”.
Để tiết kiệm, chị Linh tận dụng cây lựu trồng ngoài ban công, mang vào góc nhà, “hóa trang” cây lựu thành cây Giáng sinh bằng cách thắt ruy băng đỏ, xanh treo lên cành cây, chưng thêm dây đèn giọt nước cho góc nhà sáng lung linh.
Mấy mẹ con chị lại cùng nhau cắt những tấm bìa cứng thành nhiều hình dạng như ngôi nhà, cây thông Noel; sau đó dùng màu vẽ tô lên cho sặc sỡ rồi bày ở góc tường, bàn học. “Những khi bí ý tưởng không biết làm gì, tôi thường lên mạng tìm. Tôi sẽ tìm theo từ khóa, ví dụ “góc nhà Giáng sinh đẹp”, “vẽ tranh ngày tết từ… rau củ”, “trang trí cây với bao lì xì”, “làm cây từ dây thép”…
Nhiều cái có sẵn, còn những cái không có sẵn thì mình tùy cơ ứng biến, sao cho phù hợp với điều kiện và khả năng. Và thành quả lúc nào cũng là những “tác phẩm độc nhất vô nhị”.
Chị Lê Ngọc Thanh (42 tuổi, ở TPHCM) cũng thích tự tay trang trí nhà cửa. Chị chia sẻ bản thân không có hoa tay, cũng không khéo léo, nhưng cứ bắt chước người ta làm rồi cũng thành hình. Ngày thường, chị tận dụng hoa lá quanh nhà, có khi là cả hoa… rau dền đưa vào cắm cũng đã thêm màu sắc tươi mới cho ngôi nhà.
Đến dịp đặc biệt như lễ hội cuối năm, chị cùng các con làm đèn trang trí bằng hoa giấy, dùng áo quần cũ may thành hình cây thông, dùng giấy màu xếp hoa mai, tràng pháo, bánh chưng, quạt giấy… Có những món tận dụng được qua nhiều năm, chị sẽ luôn cất lại như kho nguyên liệu riêng của mình, mỗi năm sẽ tùy hứng mà làm thêm những món mới. Chị tranh thủ rảnh là túc tắc làm, vừa làm vừa tận hưởng niềm vui.
Ưu tiên chất lượng các hoạt động
Không chỉ tiết kiệm trong việc trang trí, sắp xếp nhà cửa, nhiều gia đình cũng đưa ra tiêu chí “chất lượng hơn số lượng” trong các hoạt động vui chơi, giải trí. Những chuyến đi được tính toán kỹ hơn. Những trải nghiệm miễn phí hoặc tiết kiệm nhưng gia tăng sự kết nối, hiểu biết được tìm kiếm nhiều hơn.
Anh Nguyễn Tuấn Anh (39 tuổi, ở Nghệ An) cho biết: “Tôi có 3 con: 11 tuổi, 9 tuổi và 7 tuổi, thường xuyên có những chuyến đi chơi cùng nhau. Tôi rút ra một điều rằng, việc đi chơi cũng là dịp để con tăng hiểu biết, thêm trưởng thành. Vậy nên, thay vì cho các con đến những trung tâm thương mại mua sắm, đi du lịch xa như trước, vợ chồng tôi tìm hiểu các triển lãm nghệ thuật, các hội chợ, không gian vui chơi sáng tạo, ưu tiên yếu tố văn hóa, các bảo tàng, di tích, làng nghề, chợ truyền thống…
Nhờ thế, cả nhà tiết kiệm được không ít mà các con càng học được nhiều hơn, thêm yêu về đất nước, con người Việt Nam”.
|
Bé Na và ông ngoại chơi cờ cá ngựa tại Nabe House (quận Hà Đông, TP Hà Nội) |
Bên cạnh đó, không ít gia đình cũng ưu tiên dành thời gian cho những hoạt động trong nhà như tổ chức chiếu phim tại nhà, chơi cờ, làm bánh, trò chuyện, nghe nhạc, chuẩn bị quà cho những người thân yêu, làm bao lì xì, đồ handmade, khâu vá, học nấu ăn… Những bữa ăn, thay vì đến nhà hàng sang trọng, có thể tự làm, bày biện ở nhà. Những trang phục mua theo mùa để chụp ảnh “sống ảo” được thay bằng việc học cách phối hợp từ tủ đồ có sẵn.
Chị Nguyễn Linh Chi (40 tuổi, ngụ Vũng Tàu) tâm sự: “Mấy tháng nay, chúng tôi cứ háo hức đợi đến cuối tuần để cùng nhau xem phim, học nấu món mới. Khi nấu ăn với con gái 12 tuổi, tôi phát hiện ra con rất thích nấu ăn. Tôi để con gái thoải mái tìm hiểu các công thức rồi hướng dẫn mẹ, mẹ con cùng giúp nhau tiến bộ. Tôi nghĩ, sau này con lớn lên, có lẽ sẽ mang theo những ký ức từ căn bếp”.
Không chỉ trong các hoạt động trang trí, vui chơi, chuyện tặng quà ngày tết cũng được cân nhắc kỹ hơn. Những giỏ quà là nông sản, sản vật đặc trưng các vùng miền được lựa chọn nhiều hơn. Mọi người trao nhau những bó hoa cúc, những trái cam đựng trong chiếc giỏ tre, những chậu cây nhỏ được thắt nơ, những quyển sách, quyển sổ được gói thật đẹp…
“Tặng quà đặc sản từ quê, tôi có thể kể thêm những câu chuyện về tuổi thơ, giới thiệu đến bạn bè về quê hương mình. Mọi người nghe xong thì thích lắm, vui lắm” - anh Nguyễn Văn Minh (50 tuổi, quê Hà Tĩnh) cho biết.
Mùa lễ hội, đơn giản hóa về vật chất, bớt đi những câu nệ giá trị lễ nghi, chăm chút hơn cho các giá trị tinh thần và đời sống bên trong là cách để mỗi người chúng ta tận hưởng và trân quý từng khoảnh khắc của cuộc sống. Những ngày lễ, tết trở nên nhẹ nhàng, không tạo áp lực mà còn tạo nên những kỷ niệm, ký ức đáng nhớ trong mỗi gia đình.
Tết đọc sách cùng con Chị Nguyễn Minh Anh (ở quận 7, TPHCM) cho biết: ngay từ năm trước, vợ chồng chị đã dự định tết năm nay sẽ đưa các con đi du lịch nước ngoài theo mong muốn của con. Thế nhưng công việc làm ăn của công ty gia đình gặp khá nhiều khó khăn. Hơn nữa, gần cuối năm, sức khỏe ba mẹ chị lại không tốt nên chị quyết định đổi kế hoạch, không đi chơi xa nữa. Tranh thủ những ngày cuối tuần, chị dẫn con đi đường sách. Mấy mẹ con chọn được rất nhiều sách dành “tích trữ” đọc dần trong dịp nghỉ lễ, nghỉ tết năm nay. Chị chia sẻ: “Bình thường con cũng hay đòi ba mẹ đọc sách cho nghe, nhưng vợ chồng tôi bận quá, cứ khất lần mãi. Năm nay không đi chơi xa, cả nhà sẽ nghỉ lễ nhẹ nhàng, ăn uống đơn giản, dành thời gian sang thăm ông bà, ở nhà xem phim, đọc sách cùng nhau. Tôi nghĩ đó cũng sẽ là một trải nghiệm ý nghĩa và đáng nhớ cho các con". M.Chi |
Cát Tường