Những ngày tết cận kề, hoa đào hoa mai khoe sắc báo hiệu mùa xuân đang về. Chúng ta, mỗi người sẽ trở về nhà, quây quần bên gia đình và cùng nhau trải qua những ngày đầu năm mới. Vậy nhưng, vẫn còn có những người đón tết một mình. Với họ, tết không cần hoa đào, không cần bánh chưng. Họ chỉ cần tình người - hay nói cách khác, đó là sự chia sẻ, là quan tâm.
|
Cụ Khuyến – người đã sống một mình suốt 15 năm qua trong một căn nhà đơn sơ |
Trước khi trở về quê đón tết với gia đình, các bạn sinh viên Đại học Dược Hà Nội đã cùng nhau đón một cái tết “sớm” với bà Khuyến - người đã sống một mình suốt 15 năm qua.
Sinh ra và lớn lên ở vùng quê nghèo Hưng Yên, bà Khuyến lấy chồng rồi cũng sinh được một mụn con. Nhưng bà chỉ được ở bên con 3 tháng rồi người con của bà qua đời. Hai ông bà dựa vào nhau để sống nhưng rồi 15 năm trước, ông cũng qua đời. Bà một mình sống trong căn nhà nhỏ kể từ ngày ấy.
|
Các bạn sinh viên Đại học Dược Hà Nội đã cùng nhau đón một cái tết “sớm” với bà Khuyến |
Tết là phải có bánh chưng! Các bạn trẻ quyết định sẽ tự tay gói những chiếc bánh để ăn tết với bà cũng như gửi tặng những hộ nghèo trong thôn. Dù không giỏi gói bánh nhưng ai cũng tỉ mỉ và nắn nót gói làm sao để chiếc bánh vuông nhất, đẹp nhất.
Ngoài bánh chưng ra, các bạn ấy còn chuẩn bị bánh kẹo, gạo nếp, miến, gia vị và một chút mứt dừa cho bà đón tết. Không chỉ vậy, các bạn ấy còn trang trí nhà cửa, mua hoa, đèn lồng đỏ và nấu cơm để ăn cùng bà một bữa trưa.
Sau một đêm thức trông nồi bánh chưng, ai cũng thấm mệt. Hưng Yên đang vào đợt rét đậm nữa, nhưng khi đến nhà bà Khuyến, các bạn sinh viên đều phấn khởi và vui vẻ trò chuyện với bà, phân công nhau người nấu ăn, người dọn nhà, người trồng cây, người trò chuyện với bà.
Bà Khuyến vui lắm. Bà nói: "Quà các cháu nhiều quá, mấy năm trước bà đón tết một mình, lại già rồi nên bà chẳng sắm sửa gì mấy đâu. Năm nay như này là bà ăn tết to lắm rồi đó".
Bữa trưa hôm nay của mấy bà cháu có cá kho, giò lụa, chả lá lốt, đậu hũ và canh khoai cùng chiếc bánh chưng. Chỉ là vài món đơn giản và cũng không có nhiều món của ngày tết nhưng trong căn nhà nhỏ của bà, bữa cơm có đông người hơn, có nhiều tiếng cười nói hơn.
|
Với bà Khuyến - tết không cần hoa đào, bánh chưng mà chỉ cần tình người |
Bà nói: "Bà không có con cháu nên hôm nay, bà cảm giác như những đứa cháu ở xa của mình về thăm vậy. Bữa cơm này là bữa cơm gia đình ngày cuối năm".
Năm nay đã 75 tuổi nhưng bà Khuyến còn minh mẫn lắm. Lúc ăn cơm, bà vẫn trò chuyện và dặn dò các bạn sinh viên rất nhiều. Bà nói: "Các cháu phải chịu khó học, học đạo đức, học văn hóa thì công danh mới tốt được. Khi nào thành đạt, nhớ về báo cho bà biết nhé". Có lẽ vì sống một mình lâu rồi nên bà thích trò chuyện lắm. Bữa cơm kéo dài hơn một giờ đồng hồ, ngập tràn tiếng cười nói của mấy bà cháu. Bữa cơm đậm vị ngày tết.
|
Năm nay đã 75 tuổi nhưng bà còn minh mẫn lắm |
Chia tay bà, có bạn quay trở lại Hà Nội, có bạn về quê đón tết với gia đình. Trước khi đi, bà dặn dò đủ điều, chúc các bạn năm mới học giỏi, ngoan ngoãn và không quên mời các bạn lại tới chơi với bà.
Còn với các bạn trẻ, đây là một ngày vô cùng ý nghĩa. Các bạn ấy hiểu hơn giá trị thực sự của ngày tết, đó là cảm xúc, là yêu thương mà con người ta trao nhau.
|
Bà nói: "Bà không có con cháu nên hôm nay, bà cảm giác như những đứa cháu ở xa của mình về thăm vậy. Bữa cơm này là bữa cơm gia đình ngày cuối năm". |
|
|
Các bạn ấy chia sẻ rằng “em cứ nghĩ tết là hoa đào, là có bánh chưng, là được lì xì. Nhưng hóa ra không phải anh ạ, tết là cảm xúc hân hoan khi thấy hoa đào nở, là những câu chuyện đêm qua tụi em chia sẻ khi trông nồi bánh chưng, là những lời chúc may mắn trao gửi qua những phong bao lì xì. Tết này về, em sẽ ở bên gia đình nhiều hơn, trò chuyện với ba mẹ nhiều hơn, em sẽ cùng mẹ nấu cơm, sẽ cùng ba dọn nhà cửa. Tết này chắc chắn sẽ là một cái tết ý nghĩa nhất của em”.
Có nhiều người nói tết nay không còn vui như tết xưa. Nhưng có lẽ, do họ bận bịu lo nghĩ nhiều quá mà không chịu tìm kiếm niềm vui thôi. Tết ở trong những điều bình dị nhất mà đôi khi, mọi người lướt qua mà không để ý. Chỉ cần chậm lại, gần nhau hơn và chia sẻ nhiều hơn, là bạn sẽ thấy tết.
Bài và ảnh: Huy Hoàng