PNO - Những người nhiễm COVID-19 trong cộng đồng lần lượt xuất hiện ở TPHCM trong những ngày qua khiến những tuyến đầu chống dịch phải căng mình ứng phó. Phương án chuẩn bị khi thành phố có 5.000 ca nhiễm cũng đã sẵn sàng.
8 giờ 30 sáng ngày 18/5, chị B.T.D., 35 tuổi, tầng 18, block A1, chung cư Sunview Town (Gò Dưa, P.Hiệp Bình Chánh, TP.Thủ Đức) bị đánh thức bởi cuộc gọi của người quen hỏi tình hình phong tỏa ra sao. Bàng hoàng, chị D. mới hay mình ở ngay tầng của ca nhiễm COVID-19 và kể từ giờ phút đó, cả nhà chị đã ở trong điểm nóng về COVID-19.
Lực lượng y tế lấy mẫu bệnh phẩm tại chung cư Sunview Town ngày 18/5/2021 - Ảnh: T.N.
Điều phối nguồn lực cho điểm nóng
Qua khung cửa sổ, chị D. thấy những nhân viên y tế trong trang phục phòng hộ lần lượt tiến vào, tập trung thành đội hình nghe chỉ đạo sau đó tỏa ra các nơi. Đội lên thẳng tầng 18 để phun hóa chất khử khuẩn, đội tỏa ra lập các bàn lấy mẫu bệnh phẩm. Lực lượng công an, dân quân tự vệ xuất hiện khắp nơi vãn hồi trật tự. Những dây màu đỏ căng ngang qua phong tỏa các lối vào chung cư. Những chiếc xe chống dịch xuất hiện nhiều thêm. Giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TPHCM, và bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC), có mặt tại hiện trường ngay trong sáng 18/5 để lên phương án xử lý điểm nóng xuất hiện bất ngờ này.
Ca nhiễm đã được cách ly một ngày trước đó khi có triệu chứng nghi ngờ của COVID-19 lúc khám ở Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park (Q.Bình Thạnh, TPHCM). Bốn người chung căn hộ với ca bệnh đã được đưa đi cách ly tập trung ngay từ sáng 18/5. Sau khi phân tích các yếu tố lâm sàng, HCDC đưa ra nhận định: có thể đây là trường hợp mới bị nhiễm, phải nhanh chóng truy vết để tìm nguồn lây. Từ nhận định này, HCDC quyết định mở rộng lấy mẫu ở cả ba block chung cư với gần 6.000 người. Lãnh đạo Sở Y tế yêu cầu: việc lấy mẫu và trả kết quả xét nghiệm phải hoàn thành trước 6 giờ sáng hôm sau (ngày 19/5).
Có mặt tại điểm nóng từ sớm, bác sĩ Lê Văn Phương, Phó giám đốc Trung tâm y tế Quận Thủ Đức (khu vực 3 TP.Thủ Đức), lập tức triển khai việc lấy mẫu cho 6.000 người. Mười bàn lấy mẫu trong khuôn viên chung cư nhanh chóng được thiết lập. Người dân xếp thành hàng dài và đảm bảo đủ khoảng cách. Đồng thời, bác sĩ Phương đã gọi điện thoại xin chi viện thêm người lấy mẫu từ Bệnh viện Thành phố Thủ Đức, Bệnh viện đa khoa khu vực Thủ Đức, Bệnh viện Lê Văn Việt, Bệnh viện Lê Văn Thịnh… Để hỗ trợ cho TP.Thủ Đức, Sở Y tế TPHCM đã điều động thêm nguồn nhân lực từ Bệnh viện Quận Gò Vấp, Trung tâm y tế Quận Bình Thạnh…
Con số thống kê là 6.000 người nhưng số người được lấy mẫu ngay trong ngày 18/5 là 4.500 người. 40 đội lấy mẫu đã phải làm việc liên tục từ sáng cho đến 23 giờ khuya mới hoàn thành. Theo bác sĩ Phương, giữa cái nóng gay gắt của TPHCM, nhiều anh em lấy mẫu xét nghiệm trong bộ đồ phòng hộ dù khát khô cổ nhưng không dám uống nhiều nước vì sợ phải đi vệ sinh. Theo nguyên tắc, chỉ cần cởi ra thì coi như phải bỏ luôn bộ quần áo phòng hộ. Những nhân viên y tế biết việc này nên phải ráng nhịn, thay phiên nhau xoay tua làm việc.
Phong tỏa nơi ở của một ca nghi nhiễm COVID-19
Xét nghiệm mẫu ngay trong đêm
“Trong đêm 18/5, gần như phòng xét nghiệm của các bệnh viện ở TPHCM đều sáng đèn để chia lửa với điểm nóng”, thạc sĩ Mai Lệ Quyên, kỹ thuật viên trưởng Khoa Vi sinh Bệnh viện Thành phố Thủ Đức, cho biết. Đêm đó, chị là một trong hai người đứng thâu đêm chạy kết quả xét nghiệm COVID-19. Yêu cầu đặt ra là trước 6 giờ sáng nhưng nỗ lực không ngừng nghỉ, nhóm của chị Quyên đã kết thúc lúc hơn 4 giờ sáng. Mãi đến 8 giờ sáng hôm sau, chị Quyên mới về nhà nghỉ ngơi vì phải lo những việc hành chính liên quan.
Để kịp thời chặn đứng các đường lây lan, ngày 18/5, Trung tâm y tế TP.Thủ Đức cơ sở 2 (Trung tâm y tế Q.9 cũ) điều phối nguồn lực lấy 1.000 mẫu xét nghiệm tại công ty nơi vợ ca nhiễm làm việc, công ty gần bên. Nơi làm việc của ca bệnh ở Q.3 cũng bị phong tỏa gần như ngay lập tức, lấy mẫu xét nghiệm toàn bộ nhân viên. Chiến thuật truy vết này đã giúp TPHCM chiều cùng ngày phát hiện đồng nghiệp của ca bệnh ở TP.Thủ Đức có thể là nguồn lây đầu tiên. Người này đã từng về Hải Phòng từ ngày 24/4/2021-5/5/2021.
Tốc độ xét nghiệm mẫu bệnh phẩm trong những ngày qua rất nhanh. Chỉ một ngày sau, vào ngày 19/5, nhóm nghiên cứu COVID-19 của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM và Đơn vị Nghiên cứu lâm sàng Đại học Oxford đã giải trình tự gen SARS-CoV-2 từ mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân 4.514 ở TP.Thủ Đức và xác định người này nhiễm biến chủng ở Ấn Độ có tên B.1.617.2. Chủng B.1.617.2 hiện nay lây lan phổ biến ở nhiều quốc gia và đang là nguyên nhân gây dịch trong cộng đồng rất lớn tại Việt Nam. “Có thể nói đây là lần đầu tiên, TPHCM thực hiện lấy mẫu với số lượng lớn và cho ra kết quả nhanh như vậy. Đây là sự phối hợp rất nhịp nhàng. Nếu để từng quận, huyện tự lo, với nguồn lực hạn chế sẽ rất khó dập dịch”, bác sĩ Lê Văn Phương nhận định.
Chỉ trong ba ngày từ 18 đến 20/5, TPHCM xuất hiện năm ca nhiễm COVID-19. Trong đó, chỉ trong ngày 18/5, khi có một ca nhiễm, đã phải lấy 4.500 mẫu và chạy kết quả. Những phòng xét nghiệm, theo chia sẻ từ những nhân viên xét nghiệm, đã chạy hết công suất trong cả đêm mới kịp hoàn thành. Một kỹ thuật viên xét nghiệm tại Bệnh viện Lê Văn Thịnh cho biết, chị làm việc từ 7 giờ sáng ngày 18/5 đến tận 7 giờ sáng ngày 19/5. Nhân viên y tế này buổi sáng thực hiện việc lấy mẫu tầm soát tại cộng đồng.
Khi xuất hiện ca dương tính ở chung cư Sunview Town, chị được huy động thức xuyên đêm để thực hiện tách chiết mẫu, trong khi đồng đội còn lại thực hiện công đoạn khác để kịp ra kết quả của gần 300 mẫu được lấy từ công ty của vợ ca nhiễm COVID-19. Đôi chân phải liên tục di chuyển để lấy mẫu, mắt tập trung cao độ để không có sai sót trong tách chiết mẫu, dán nhãn mẫu bệnh phẩm và nhất là phải đảm bảo không bị lây nhiễm nếu chẳng may mẫu bệnh phẩm nhiễm SARS-CoV-2.
Để giải quyết việc thiếu nhân lực khi dịch lan rộng, Sở Y tế TPHCM đã huy động sinh viên các trường y khoa tham gia việc lấy mẫu
Chuẩn bị phương án khi có 5.000 ca nhiễm
Một cán bộ của phòng xét nghiệm Bệnh viện Lê Văn Thịnh cho biết, công suất chạy mẫu là 500 mẫu/ngày, nếu cần thiết có thể tăng lên 800-1.000 mẫu/ngày. Tuy nhiên, đội ngũ nhân lực phòng xét nghiệm chỉ có 14 người, trong đó, tám người được phân công đi lấy mẫu tại cộng đồng, sáu người còn lại phụ trách công việc tại phòng. Khi không có ca bệnh, lực lượng này đã bị dàn mỏng vì thực hiện nhiều việc từ lấy mẫu, xét nghiệm cho toàn thể người trong bệnh viện, cho cộng đồng. Dù ai cũng sẵn sàng xung trận chống dịch nhưng sẽ không đủ sức nếu dịch bùng phát trên diện rộng.
Vậy làm sao để có đủ người huy động khi xuất hiện những ca nhiễm trong cộng đồng? Theo bác sĩ Phạm Xuân Hải, Phó giám đốc Trung tâm y tế TP.Thủ Đức cơ sở 2, để phòng trường hợp này, trung tâm đã huấn luyện việc lấy mẫu cho tất cả trạm y tế. Khi có “biến”, lực lượng nhân sự của trạm y tế sẽ dễ dàng được huy động để tham gia lấy mẫu.
Để giải quyết vấn đề thiếu hụt nguồn nhân lực phòng khi dịch lan rộng, Sở Y tế TPHCM đã huy động sinh viên các trường y khoa tham gia việc lấy mẫu. Hiện tại, có 60 sinh viên của Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, 150 sinh viên y khoa Trường đại học Nguyễn Tất Thành.
Ngày 19/5, Sở Y tế đã yêu cầu các bệnh viện phải khẩn trương thành lập các đội lấy mẫu tương ứng với quy mô bệnh viện, mỗi đội có ít nhất ba người. Lực lượng này luôn trong trạng thái sẵn sàng để có thể huy động nhanh chóng. Nhằm đảm bảo công suất xét nghiệm lên đến 40.000 mẫu/ngày, Sở Y tế đã yêu cầu các bệnh viện trang bị máy xét nghiệm RT-PCR theo chỉ tiêu quy mô 300 giường có một máy. Hiện tại, ngoài Viện Pasteur TPHCM và các bệnh viện trực thuộc bộ ngành, 12 bệnh viện của Sở Y tế và HCDC có đủ điều kiện xét nghiệm khẳng định SARS-CoV-2.
Hiện nay, với sự xuất hiện nhiều ca nhiễm COVID-19, TPHCM đã dự tính đến bốn khả năng khác nhau như: số ca nhiễm từ 100-200, số ca nhiễm từ 200-500; số ca nhiễm từ 500-1.000 và số ca nhiễm bùng phát rộng trong cộng đồng từ 1.000-5.000 người. Với trường hợp 5.000 người nhiễm, TPHCM chuẩn bị 1.000 máy thở, 66 giường trong phòng áp lực âm, 1.000 giường hồi sức. Trong tình huống này, ngoài hai bệnh viện dã chiến ở H.Cần Giờ và H.Củ Chi, TPHCM sẽ thành lập thêm bệnh viện dã chiến 1.000 giường tại Nhà thi đấu Phú Thọ, bệnh viện dã chiến tại các nhà văn hóa thể thao các quận, huyện 1.000 giường.
Báo Phụ nữ TPHCM, ngân hàng BIDV phối hợp với Đảng ủy - UBND - UB MTTQ Việt Nam phường Nguyễn Thái Bình (quận 1) trao quà tết cho các hoàn cảnh khó khăn.