Dồn lên tuyến trên khám lại vì tuyến dưới chẩn đoán tưởng bệnh lạ

08/12/2019 - 07:00

PNO - Nhiều phụ huynh hoang mang với chẩn đoán của nhiều bệnh viện tuyến dưới, tưởng con mình mắc bệnh lạ hoặc mắc nhiều bệnh, chỉ vì áp dụng mã định danh bệnh ICD.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh Bệnh viện Nhi Đồng 1, ghi nhận rất nhiều phụ huynh ẵm con từ tuyến dưới lên tuyến trên khám lại vì đọc chẩn đoán theo mã ICD không hiểu, hoặc hiểu lầm là con mình mắc bệnh lạ, mắc nhiều bệnh.

Chị P.T.M., ngụ tại TP.HCM đưa con đi khám ở bệnh viện quận. Con gái chị bị nổi bóng nước ở miệng, bàn tay và bàn chân kèm sốt cao. Khi cầm chẩn đoán của bác sĩ, chị M. cảm thấy trời đất chao đảo: vi-rút đường ruột, bóng nước ở miệng, viêm họng, phát ban. Bị một lúc 4 bệnh nên bất an, chị xin nghỉ làm, đưa con vào Bệnh viện Nhi Đồng 1 khám lại.

Don len tuyen tren kham lai vi tuyen duoi chan doan tuong benh la
 

Sau khi khám, soi đèn vào họng, miệng, xem bóng nước ở bàn tay và chân bé, bác sĩ chẩn đoán: tay chân miệng. Chị M. hỏi lại bác sĩ có bỏ sót không, khám ở bệnh viện quận chẩn đoán ra tới bốn bệnh và chìa toa thuốc có ghi chẩn đoán ra. Lúc này, bác sĩ giải thích vẫn là bệnh tay chân miệng nhưng họ định danh bệnh theo mã chuẩn quốc tế ICD nên có tên dài như vậy. 

Mới đây, bác sĩ Trương Hữu Khanh cũng phải giải thích cho một phụ huynh về vấn đề tương tự. Phụ huynh này cư trú ở ngoại thành TP.HCM, tìm đến bác sĩ với vẻ mặt hớt hải. 

Nghĩ con gái bốn tuổi của mình đang mắc căn bệnh lạ, phụ huynh này miêu tả: “Cháu bị bệnh do vi-rút gây ra nhưng lại không phải sốt vi-rút thông thường mà một loại vi-rút trong ruột, còn biến chứng gây loét họng, phỏng rộp lan cả ra bàn tay, bàn chân. Cháu nguy kịch lắm, sốt cao không hạ, không ăn uống được, lả đi”.

Nghe phụ huynh tả bệnh, bác sĩ Khanh cũng… không hiểu bệnh nhi mắc bệnh gì, yêu cầu xem chẩn đoán bệnh của bệnh viện địa phương. Đọc chẩn đoán, bác sĩ Khanh cười… chảy nước mắt, bé mắc bệnh tay chân miệng chứ không phải bệnh vi-rút lạ gì cả. Tay chân miệng theo mã định danh bệnh ICD dịch ra là: “Viêm họng có phỏng nước do vi-rút đường ruột với sốt phát ban”. 

Hiện tại ở TP.HCM mới chỉ có ba bệnh viện nhi là Nhi Đồng 1, Nhi Đồng 2 và Nhi Đồng Thành phố chỉnh sửa lại định danh bệnh này theo đúng tên gọi tiếng Việt là tay chân miệng, còn các bệnh viện khác vẫn dùng định danh được dịch từ ICD ra nên gây hoang mang.

“Bệnh đã có tên tiếng Việt trong sách vở y khoa thì các bệnh viện nên chỉnh sửa lại cho giống để không gây khó hiểu cho bệnh nhân. Chỉ những bệnh mà ta chưa có tên thì mới dịch lại”, bác sĩ Khanh đề nghị.

Dưới góc nhìn từ một bệnh viện tuyến dưới, bác sĩ Phạm Gia Thế, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Q.2, cho biết bệnh viện cũng ghi nhận rất nhiều phản ánh của bệnh nhân sau khi cầm toa chẩn đoán bệnh theo chuẩn hóa ICD.

Đa số bệnh nhân hỏi: “Bác sĩ khám sao mà tôi ra tùm lum bệnh thế này”. Thực ra, làm theo mã định danh ICD là rất tốt, theo chuẩn quốc tế. Nhưng hiện tại, mã ICD phục vụ hiệu quả hơn cho việc nghiên cứu khoa học. Vì phải dịch lại từ tiếng Anh ra tiếng Việt nên có những tên bệnh không sát nghĩa, gây khó hiểu cho người bệnh và cả bác sĩ đọc cũng thấy rối rắm.  

Bác sĩ Thế đưa ra giải pháp vừa làm đúng quy định chuẩn hóa mà bệnh nhân cũng tránh hoang mang. Đó là vẫn chẩn đoán bệnh theo mã định danh ICD nhưng bác sĩ mở đóng ngoặc tên bệnh thông thường vẫn hay gọi ngay bên cạnh. 

Thanh Huyền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI