Đơn hàng tăng, doanh nghiệp xuất khẩu vẫn chưa thể mừng

12/06/2024 - 05:50

PNO - Hiện tại, đơn hàng xuất khẩu dệt may, gỗ và nông sản tăng gấp đôi so với năm ngoái, nhưng các doanh nghiệp lại phải đối mặt với nỗi lo do chi phí tăng.

Cước phí tàu biển tăng

Đều đặn mỗi tháng, Tổng công ty Rau quả, Nông sản xuất khẩu 16 container trái cây, hạt điều đi các nước châu Âu, Nhật Bản. Ông Triệu Thanh Tùng - Giám đốc kinh doanh - cho hay, so với năm ngoái, đơn hàng xuất khẩu tăng khoảng 200% và hiện đã kín đến hết năm.

Ông Trần Quốc Mạnh - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Phát triển sản xuất thương mại Sài Gòn (SADACO), Phó chủ tịch Hiệp hội Hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam - cho biết, so với thời điểm này năm ngoái, đơn hàng của SADACO tăng khoảng 20% và công ty đã ký kết nhiều đơn hàng xuất khẩu cho quý III/2024.

Các doanh nghiệp xuất khẩu gặp khó khăn do cước vận tải biển tăng cao. Trong ảnh: Hoạt động sản xuất, chế biến hạt điều xuất khẩu tại Công ty Điều Long Sơn
Các doanh nghiệp xuất khẩu gặp khó khăn do cước vận tải biển tăng cao. Trong ảnh: Hoạt động sản xuất, chế biến hạt điều xuất khẩu tại Công ty Điều Long Sơn

Theo Tổng cục Thống kê, xuất khẩu hàng hóa của cả nước trong 5 tháng đầu năm nay đạt doanh thu 156,77 tỉ USD, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm 2023.

Tuy đơn hàng và doanh thu xuất khẩu tăng, các doanh nghiệp xuất khẩu cũng đang phải đối diện với nhiều thách thức về chuỗi cung ứng và giá cước vận tải do xung đột giữa các quốc gia, khu vực Biển Đỏ. Tính đến đầu tháng 6/2024, cước tàu biển ở nhiều tuyến quốc tế đã tăng gấp đôi so với tháng 3/2024, riêng cước tàu đi Mỹ tăng gần 2,5 lần (từ mức 2.950 USD tăng lên tới 7.350 USD/container 40 feet). Ở trong nước, nguyên liệu đầu vào khan hiếm, lãi suất vay và tỉ giá biến động.

Bà Tô Tường Lan - Phó tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) - nói: “Doanh nghiệp mong muốn được vay USD với lãi suất từ 2 - 4%/năm nhưng hiện đang phải vay với lãi suất 5%/năm. Riêng các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang vay với mức lãi suất phổ biến là 6 - 7%, thậm chí 8 - 8,5%/năm nếu không có tài sản thế chấp. Đây là trở ngại lớn đối với các doanh nghiệp xuất khẩu lúc này”.

Doanh nghiệp thích nghi với khó khăn

Theo đại diện một số doanh nghiệp, từ khi xảy ra dịch COVID-19, lĩnh vực xuất khẩu hàng hóa luôn gặp những khó khăn mới và buộc phải thích nghi. Ông Phạm Quang Anh - Giám đốc điều hành Công ty Dệt may Dony - cho hay, để duy trì hoạt động, công ty chủ động đưa sản phẩm sang thị trường Campuchia để dễ giao nhận, tiết kiệm cước vận chuyển.

Ông Điền Quang Hiệp - Tổng giám đốc Công ty TNHH Minh Phát 2 - cho biết, ngoài chọn xuất khẩu tuyến ngắn, công ty còn tinh giản bộ máy và tìm mọi cách tiết giảm chi phí sản xuất. Công ty dành ngân sách nhất định để đầu tư máy móc nhằm giảm chi phí nhân công, tăng cường truyền thông cho người lao động để tạo sự đồng lòng, quyết tâm tiết giảm chi phí sản xuất.

Năm 2024, Bộ Công Thương đặt mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 377 tỉ USD, tăng khoảng 6% so với năm 2023, thương mại thặng dư khoảng 15 tỉ USD. Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội vào đầu tháng 6/2024, ông Nguyễn Hồng Diên - Bộ trưởng Bộ Công Thương - khẳng định, sẽ đa dạng hóa chính sách và hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp khai thác các hiệp định thương mại tự do (FTA); hỗ trợ xuất khẩu qua thương mại điện tử; hỗ trợ thông tin, hướng dẫn, cảnh báo doanh nghiệp ứng phó hiệu quả với những chính sách phòng vệ thương mại của nước ngoài. Trong thời gian tới, bộ sẽ tiếp tục chỉ đạo hệ thống thương vụ Việt Nam ở nước ngoài thúc đẩy công tác nghiên cứu thị trường, phối hợp với các đơn vị trực thuộc bộ tổ chức các hội nghị, hội thảo trực tuyến nhằm phổ biến thông tin thị trường và kết nối cung cầu, xúc tiến thương mại, thúc đẩy xuất khẩu.

Về vốn và lãi suất, mới đây, Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản yêu cầu các tổ chức tín dụng, các chi nhánh ngân hàng tiếp tục thực hiện các giải pháp tiết giảm chi phí, đơn giản hóa thủ tục cho vay, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số để phấn đấu giảm lãi suất cho vay, đặc biệt là với các ngành mới nổi, các dự án chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn. Tiếp tục đẩy mạnh các chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của khách hàng một cách thực chất, qua đó mở rộng khả năng tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp, người dân.

Cước tàu biển tăng làm giảm lợi nhuận

Đa số doanh nghiệp xuất khẩu theo hình thức FOB (bên nhập khẩu trả cước tàu) nhưng khi cước vận tải tăng cao, chi phí đầu vào của sản phẩm cũng tăng lên, các đối tác chuyển sang giao dịch với các nhà cung cấp có mức giá rẻ hơn hoặc giảm lượng hàng đặt mua và yêu cầu doanh nghiệp phải hạ giá bán. Khi giá cước vận tải biển tăng gấp đôi, doanh nghiệp buộc phải chịu giảm lợi nhuận để giữ khách hàng.

Ông Phạm Quang Anh - Giám đốc điều hành Công ty Dệt may Dony

Mai Ca

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI