Nhà không có đàn piano, chỉ tập ké đàn của cô giáo dạy nhạc mấy tháng, rồi thi thử vào Nhạc viện TPHCM, chủ yếu để học tập kinh nghiệm… không ngờ thi chơi mà đậu thật và đam mê âm nhạc cộng tình yêu của cha mẹ đã giúp Phạm Ca Dao vượt qua biết bao khó khăn, trở ngại để theo đuổi, gắn bó với bộ môn biểu diễn piano cổ điển.
Lúc Ca Dao 5 tuổi, ba mẹ cho em đi học organ theo lời “dụ dỗ” của nhạc sĩ Lê Quang Hiển, rằng khi nào em 9 tuổi sẽ trực tiếp hướng dẫn để em thi vào Khoa Organ của Nhạc viện TPHCM - nơi ông đang giảng dạy. Mỗi tuần 1 lần, cả gia đình 3 người túc tắc chở nhau trên chiếc xe Honda 78 cũ mèm từ Hóc Môn lên Sài Gòn học nhạc.
Hồi đó, Ca Dao nhỏ như cây kẹo, ngày mưa lạnh, mẹ phải quấn con vào trong cái mền. Vậy mà lên đến nơi, mặt con cũng tím tái. Những ngày đầu con ngồi trong lớp, ba mẹ ngồi ngoài sân trường cho con nhìn ra thấy, con mới chịu học.
|
Ca Dao và ba trong ngày lễ tốt nghiệp |
Năm Ca Dao 9 tuổi, Nhạc viện TPHCM lại thay đổi kế hoạch tuyển sinh, phải 12 tuổi trường mới cho thi vào Khoa Organ. Trong phút ngẫu hứng, nhạc sĩ Lê Quang Hiển đề nghị cho em thi thử vào Khoa Piano tuyển sinh từ 9 tuổi - thi chủ yếu cho có kinh nghiệm, để đến năm 12 tuổi em thi sẽ không bỡ ngỡ.
Còn khoảng 3 tháng nữa là đến ngày thi, cô giáo Phạm Thu Hằng nhiệt tình tập cho em 3 bài (1 etude, 1 bài phức điệu, 1 chương sonate) theo quy định tuyển sinh của Nhạc viện TPHCM. Nhà Ca Dao không có đàn, nên cô thương tình, cho phép em luyện tập trên đàn của cô.
Trước ngày thi, ba chở Ca Dao đi tập đàn lần cuối ở nhà cô giáo. Trên đường về, ba dặn, mai đi thi con cứ bình tĩnh, đậu cũng được mà không đậu cũng chẳng sao. Ca Dao nói, con sợ không đậu ba buồn. Ba bảo, ba không buồn, vì trong suốt quá trình học tập con đã làm hết sức mình rồi, kết quả ra sao không quan trọng.
Nhờ năng khiếu bẩm sinh và một chút may mắn, ngay lần thi đầu tiên, Ca Dao đã đậu vào hệ trung cấp dài hạn 9 năm, Khoa Piano, Nhạc viện TPHCM.
Khi con thi đậu, ba mẹ Ca Dao vẫn ngần ngại không muốn con theo đuổi bộ môn này, vì gia đình rất khó khăn, mua 1 cây đàn piano là cả gia tài. Thêm nữa, nhà ở tận Hóc Môn, cách Nhạc viện TPHCM 20km, việc đưa đón con đi học cả 2 trường (vừa học văn hóa ở trường phổ thông vừa học âm nhạc) rất gian nan, không biết về lâu dài gia đình có theo đuổi nổi không. Đắn đo suy nghĩ mãi, cuối cùng vì tình yêu con, ba mẹ cô chấp nhận cho Ca Dao đi theo con đường âm nhạc.
Ba Ca Dao còn nhớ, ngày 5/9 nhập học mà mãi đến ngày 3/9 gia đình mới chạy vạy đủ tiền để mua cây đàn piano cũ cho con. Dù sao, điều ấy vẫn dễ hơn việc chở con gái đi học suốt 9 năm trời. Ban ngày con học văn hóa ở trường phổ thông, đến chiều ba mẹ đợi sẵn ở cổng trường, chở con đến Nhạc viện TPHCM cho kịp giờ học.
Ca Dao học 9 năm thì có đến 7 năm cả ba và mẹ đưa đón con đi học. Nhà xa trường quá, con thì nhỏ, nên mẹ đi theo để lo cho con ăn, uống dọc đường và giữ cho con chợp mắt ngủ một lúc trên xe. Chỉ có 2 năm cuối mẹ bận rộn quá, mà con cũng đã lớn (xe chở 3 không được), ba mới một mình đưa đón con.
Để tạo điều kiện cho con gái học hành, ba cô đã xin nghỉ việc để lo đưa đón con mỗi ngày. Suốt mười mấy năm, mỗi ngày con vào trường học, ba ngồi ngoài sân trường đợi. Lắm hôm mệt quá, ba leo lên xe nằm ngủ gà ngủ gật dưới bóng cây. Có khi ông đang ngủ, nhiều người tưởng xe ôm (thấy xe treo 2 nón bảo hiểm) lại đánh thức, gọi chở đi. Ngày nắng đã vậy, đến ngày mưa bão, ba cũng chỉ trùm tấm áo mưa rồi nép vào mái hiên trường trú tạm.
18 tuổi, tốt nghiệp trung cấp piano, Ca Dao bắt đầu đi dạy thêm tại các trung tâm âm nhạc hay tư gia, kiếm tiền trang trải học phí, phụ giúp gia đình và cũng để tích lũy thêm kinh nghiệm. Quãng đường chạy xe của ba mỗi ngày, vì vậy lại dài thêm ra… Trong thời gian này, Ca Dao được mời về dạy nhạc cho trường quốc tế Vinschool. Đây cũng là điều kiện tốt để cô trau dồi thêm tiếng Anh, vì học trò của cô có nhiều em là người nước ngoài.
Ở môi trường mới, tình yêu âm nhạc của Ca Dao có điều kiện được phát huy, truyền cảm hứng cho nhiều người yêu thích bộ môn piano. 2 học trò do cô trực tiếp đào tạo đã tham gia Liên hoan âm nhạc châu Á - Thái Bình Dương (Asia Pacific Arts Festival) tổ chức tại TPHCM năm 2019 và xuất sắc đoạt cúp Vàng, cúp Bạc.
|
Ba mẹ tiễn Ca Dao lên đường dự cuộc thi âm nhạc quốc tế |
Một bà cụ đã 80 tuổi cũng đến xin học, để thỏa ước mơ thời trẻ. Thấy bà quá đam mê, Ca Dao đồng ý giúp mà không lấy học phí. Dạy được một thời gian, biết bà không có đàn tập, cô đã xin 1 cây đàn organ, mang đến phòng trọ tặng bà. Bà cảm ơn cô mà nước mắt rưng rưng.
Học chuyên ngành biểu diễn piano cổ điển, nhưng Ca Dao có thể chơi tốt cả đàn organ và trống jazz. Ngoài ra, cô còn thừa hưởng từ người mẹ một giọng hát đẹp, mượt mà, với âm vực rộng. Chính vì vậy, năm 2019, Ca Dao được Nhạc viện TPHCM chọn, cùng với dàn hợp xướng Vietnam Youth Choir dự vòng chung kết cuộc thi âm nhạc quốc tế Chicago International Music Competition tại Mỹ.
Tháng 10/2023, Ca Dao hoàn tất chương trình cao học piano. Đây là bậc học cao nhất của ngành biểu diễn khí nhạc, kết thúc quá trình 16 năm theo đuổi bộ môn nghệ thuật đòi hỏi nhiều nỗ lực, đam mê này ở Nhạc viện TPHCM. Thành công của Ca Dao hôm nay có sự góp sức không nhỏ của ba mẹ - những người đồng hành thầm lặng, luôn đi bên cạnh cô trên suốt hành trình.
Thi Lang