Độn đinh, trét đất, lấy tâm thất mạo danh sâm quý bán giá cao

16/11/2024 - 14:23

PNO - Do cây sâm Ngọc Linh, Lai Châu, Lang Biang là loại quý hiếm, có giá trị kinh tế cao, nên nhiều nơi đã độn định, trét đất vào cây sâm để thêm cân nặng, hoặc lấy tâm thất mạo danh cây sâm.

Chia sẻ tại hội thảo “Chung tay vì sự phát triển sâm quốc bảo” do Báo Thanh Niên phối hợp với Ngân hàng Quân Đội (MB Bank) tổ chức vào ngày 15/11, tiến sĩ Lê Thị Hồng Vân - Giảng viên khoa Dược, Trường đại học Y Dược TPHCM – cho biết, hợp chất saponin là đặc trưng để phân biệt sâm Ngọc Linh quý hiếm của Việt Nam với các loại sâm khác trên thế giới.

Hợp chất này có nhiều đặc tính dược lý như khả năng chống oxy hoá, tăng cường hệ miễn dịch, kháng viêm, hỗ trợ thần kinh, tốt cho sức khỏe.

Mới đây, các nghiên cứu cho thấy thành phần hóa học của sâm Lai Châu khá tương đồng với sâm Ngọc Linh, là cơ sở cho thấy tiềm năng của sâm Lai Châu. Sâm Lang Biang có nhiều điểm tương đồng với sâm Ngọc Linh, đặc biệt là về thành phần saponin, nên đây cũng là loại sâm tiềm năng.

Quang cảnh buổi hội thảo. Ảnh: Nhật Thịnh
Quang cảnh buổi hội thảo. Ảnh: Nhật Thịnh

Giáo sư, tiến sĩ Trần Công Luận – Nguyên giám đốc Trung tâm sâm và dược liệu TPHCM – cho biết, trước đây, theo nghiên cứu thì sâm Ngọc Linh chỉ có 52 hợp chất saponin, thì nay nghiên cứu mới phát hiện số lượng saponin tới 107 hợp chất, cho thấy tiềm năng dược liệu phong phú của loại sâm này.

Cũng do cây sâm Ngọc Linh và Lai Châu có giá trị kinh tế cao, nên có thực trạng nguỵ tạo như độn đinh, trét đất vào cây sâm để tăng cân nặng, thậm chí lấy cây tâm thất mạo danh thành sâm.

Giáo sư Luận cho rằng, cần có chính sách để tập trung phát triển 2 cây sâm là Ngọc Linh và Lai Châu để nó trở thành sản phẩm hàng hóa. Cần sớm có hành lang minh bạch, an toàn về tính pháp lý, khoa học, người tiêu dùng sử dụng sản phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng để ủng hộ cây sâm Việt Nam.

Sâm Ngọc Linh được bày bán. Ảnh: T.N
Sâm Ngọc Linh được bày bán. Ảnh: T.N

Tiến sĩ Phạm Hà Thanh Tùng - Viện Nghiên cứu sâm và dược liệu Việt Nam – chia sẻ, bài học phát triển ngành trồng sâm của Hàn Quốc là họ không nói vùng này vùng kia, mà nói về giống sâm vượt trội. Tổng giá trị thị trường sâm của Hàn Quốc đạt 1,7 tỉ USD, trong đó hồng sâm đóng góp 89%.

Trong khi đó tại nước ta, vẫn xoay quanh sản phẩm sâm khô, ngâm rượu. Học hỏi cách tiếp cận thị trường của Hàn Quốc, nhóm nghiên cứu của tiến sĩ Tùng kết hợp với doanh nghiệp tìm cá thể ưu việt, đặc trưng để nhân giống lai tạo giống sâm tốt nhất, tập trung phát triển sâm Lai Châu, tạo ra sản phẩm luôn đạt hiệu quả như nhau, tạo chuỗi giá trị đồng nhất.

Ông Nguyễn Đức Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Sâm Sâm (Chủ tịch Hội sâm Ngọc Linh Quảng Nam) chia sẻ một thực trạng, là đến bây giờ, không hiểu sâm Lai Châu, sâm Việt Nam giống nhau, khác nhau thế nào để người tiêu dùng hiểu và phân biệt, đánh giá xác thực. Chỉ khi minh bạch, rõ ràng, thì mới tạo nền tảng phát triển tốt hơn.

Ông Lực cho biết, ở Quảng Nam có 6.000 người và hơn 3.000 hộ dân tham gia trồng sâm Ngọc Linh, nhưng đến nay chưa có viện nghiên cứu hướng dẫn cách trồng sâm. Để phát triển sâm bền vững, thì cần có viện nghiên cứu chuyên về sâm, và tạo ra giống sâm để bà con đủ niềm tin trồng và phát triển.

Về cơ chế, chính sách, ông Lực cho biết việc phát triển sâm dưới tán rừng gặp nhiều vướng mắc liên quan đến nhiều luật. Muốn phát triển quy mô công nghiệp thì các bộ ngành cần triển khai tháo gỡ sớm để người dân có niềm tin. Mặt khác, các tổ chức tài chính chưa mạnh dạn cho vay để đầu tư sâm. Ông Lực đề xuất Ngân hàng Nhà nước có chính sách riêng thì ngành sâm mới phát triển bền vững.

Về sản xuất sản phẩm từ sâm, ông Lực nêu thực tế đến bây giờ chưa có doanh nghiệp lớn tham gia, hầu hết là nhỏ lẻ. Muốn tạo ngành sâm thì không thể thiếu doanh nghiệp đầu tàu, nên cần chính sách để doanh nghiệp lớn vào đầu tư, phát triển thương hiệu.

Chủ tịch Hội Sâm Ngọc Linh Quảng Nam tâm sự, một khi đã coi sâm Ngọc Linh là sản phẩm quốc gia, thì mọi người dân phải được dùng. Tuy nhiên, giá thành sâm đắt đỏ như vậy, thì không thể tất cả mọi người đều sử dụng.

Nhìn sang Hàn Quốc, mỗi năm cung cấp khoảng 23.000 tấn nhân sâm với giá thành dao động khoảng 30 - 150 USD/kg (tùy loại) mang về hàng tỉ USD, trong khi sâm Việt Nam mỗi năm có khoảng vài tấn, giá bán khoảng 3.000 - 4.000 USD/kg. Sản lượng sâm Việt Nam quá thấp, giá quá cao thì khó trở thành hàng hóa thật sự.

Ông Lực đề xuất Bộ Y tế xem xét, đánh giá sản phẩm tốt đưa vào danh mục thuốc, sản phẩm thuộc danh mục bảo hiểm y tế để người dân được dùng. "Sản phẩm không có đầu ra thì khó mà phát triển bền vững được", ông Lực nói thêm.

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI