Chồng chị mất khi hai đứa con còn nhỏ, đứa 5 tuổi, đứa lên 2. Thời điểm ấy, chị thì vừa qua tuổi 30.
Xuất thân con nhà nghèo, chị vất vả cơ cực từ nhỏ, những tưởng lấy chồng sẽ được dựa nương sung sướng. Nhưng không, cuộc đời vẫn thích băm chị vài nhát. Mà thật ra, tính cách chồng chị, ngay từ lúc chưa cưới đã lộ rõ bản chất thô thiển, cộc cằn, ưa động tay động chân mỗi khi phật ý.
Ngay từ đầu, cha mẹ chị đã phản đối cuộc hôn nhân vì họ đoán con gái dính vào người ấy sẽ khổ. Nhưng chị hiền lành, thật thà, luôn nghĩ rằng sống với gia đình chồng, chỉ cần chồng yêu thương là chị đủ sức vượt qua mọi áp lực.
Cưới nhau chưa lâu chị sinh hai con gái. Nhà chồng ai cũng bận việc bán buôn ngoài chợ, ba má ruột thì ốm đau suốt, chị không thể gửi con đi làm. Nếu có gửi, thì tiền lương công nhân ít ỏi cũng không đủ để trả.
Chị đành ở nhà, quần quật với hai đứa con, chợ búa cơm nước… Nhưng điều đó không bao giờ làm hài lòng chồng chị. Cuối tuần anh dẫn thợ thầy về nhà nhậu cho đỡ tiền quán xá. Vậy là bao nhiêu đồ ngon dành dụm trong tủ lạnh phải dồn cho bữa nhậu ấy.
Không biết bao lần chị thèm ăn một tô phở ngon, sắm một bộ đầm đẹp, một cây son, một đôi giày "vía"… để đi tiệc tùng cưới hỏi mà không thể. Chị tiết kiệm hết mức mới đủ tiền chi tiêu trong nhà.
|
Chị thèm ăn một tô phở ngon, sắm một bộ đầm đẹp, một cây son, một đôi giày "vía"… để đi tiệc tùng cưới hỏi mà không thể - Ảnh minh họa |
Nỗi thèm những điều bình thường ấy của chị cứ như vậy mà trôi qua trong những năm hôn nhân và tới tận giờ. Tính ra cũng đã chục năm kể từ lúc chồng chị mất, vậy nhưng thế giới của chị hầu như chỉ có con cái, má chồng và chị chồng.
Ngôi nhà má chồng cho hai vợ chồng sát bên nhà bà, nên mọi việc cơm nước, dọn dẹp bên nhà mẹ chồng là nghĩa vụ của chị. Chị xin một chân tạp vụ ở công ty, làm theo giờ. Cuối tuần, chị chồng lấy cớ cần người dọn nhà hay làm bếp, liền gọi chị sang làm tới khi hết việc mới thôi.
Vậy nhưng, mỗi lần thấy chị đi tiệm cắt tóc hay làm móng, má chồng và chị chồng nhìn chị đầy ẩn ý.
Má chồng la cà hết tụ tứ sắc này đến tụ ba lá kia trong xóm, hết chê trách con dâu vụng về việc nhà đến hờn mát con dâu không biết quan tâm, mua đồ bổ cho má chồng uống như "dâu nhà người ta". Bà cứ bài ca đó bà ca mãi, đến mức mấy người bạn già trong xóm thuộc làu.
Trước, chị còn hờn tủi khi nghe những lời trách móc của má chồng hay cái nhìn soi mói của chị chồng. Sau này chị cũng "lờn", không cảm giác gì.
Mới đây, đứa con gái lớn bất ngờ thủ thỉ: ”Sao mẹ không có bạn trai như người ta?”. Con kể: "Mẹ bạn con cũng vậy. Ba mẹ thôi nhau rồi. Mẹ bạn có bạn trai, thấy cô ấy đẹp hẳn ra, lúc nào cũng tươi cười. Con thấy mẹ cứ đi làm rồi về nhà nằm chèo queo, buồn quá!".
|
Nghe mẹ chồng chê trách nói xấu mãi, chị cũng trở nên vô cảm - Ảnh minh họa |
Chị như sực tỉnh. Con lớn thật rồi. Ừ, lớp 11 rồi chứ nhỏ nhít gì. Bé Út cũng lớp 9. Hai con có vẻ hiểu chuyện và biết thương mẹ.
Rồi con "dụ" chị chơi mạng xã hội, dù chỉ kết bạn với vài người trong công ty, ông bảo vệ, chị nấu bếp, bà lao công… vậy mà chị thấy cuộc sống vui vẻ hẳn. Rồi chị mở rộng hơn, tham gia các hội nhóm, danh sách bạn bè ngày một đông vui hơn. "Dĩ nhiên, kết bạn phải có chọn lọc", con gái lớn nhấn mạnh thế.
Chị thay đổi kiểu tóc, nhuộm sáng, tỉa lại chân mày, chăm thoa kem dưỡng da, tập thể dục, ăn uống lành mạnh. Chỉ sau một thời gian ngắn, khuôn mặt đen sạm của chị đã sáng mịn hơn. Chị mạnh dạn tìm việc thêm và được nhận vào phụ bếp nhà hàng lớn. Dù việc nhiều, vất vả, nhưng để cải thiện thu nhập, chị ráng làm, tích cóp từng chút. Hai đứa con cũng lập kế hoạch làm những món đồ handmade bán cho bạn bè, đỡ đần tiền chi tiêu trong nhà.
Rồi chị đưa con đi du lịch. Một chuyến đi tràn ngập niềm vui và không có sự hiện diện của bất kì người nào bên gia đình chồng.
Cũng trong chuyến đi, chị gặp người đó. Vấn đề đáng nói là, người ta rất trẻ, trai tân, nhỏ hơn chị cả con giáp. Cái cách nói chuyện đó, nó khiến tim chị bồi hồi như lúc xưa mới gặp chồng. Nhưng mọi thứ chỉ dừng lại ở mức độ là niềm vui, chứ không lớn hơn được. Ừ thì, tuổi này rồi, tình yêu chỉ là phù phiếm. Chỉ cần một chút tự tin thôi, để có động lực sống nốt quãng còn lại thật yên lành, là đủ.
Không hiểu sao tin chị có “bồ trẻ” đến tai ba mẹ. Ba chị nhắn nhủ: “Tuổi này rồi, đừng gây nên điều tiếng kẻo khó ở với bên chồng”. Chị thở dài. Chồng mất hơn chục năm mà cái bóng nhà chồng vẫn đè vai chị quá nặng.
Rồi thì mọi thứ cũng lọt vào tai má chồng. Bà xỉa xói: “Đồ mê trai”. Tới đây thì chị dứt khoát dẫn hai con ra khỏi căn nhà u ám.
"Thưa má, nếu con mê trai, thì từ chục năm qua má đã phải nuôi hai cháu nội của má rồi đó!", lần đầu tiên chị chịu tiếng hỗn với má chồng, nhưng cũng lần đầu tiên chị thấy mình nhẹ nhõm phơi phới khi chủ động bước ra khỏi cái bóng đè lên cuộc đời mình.
Trung niên rồi, chị còn sống bao lâu trong cuộc đời nữa đâu mà còn lăn tăn chuyện có nên dọn dẹp lại đời mình. Không lúc này thì lúc nào?
Trần Huyền Trang (Q.9, TPHCM)
Bạn đã được "sống như mơ ước", "sống cho ra sống" hay còn chịu những ẩn ức hôn nhân, những góc kẹt vì trách nhiệm và thiên chức?
Diễn đàn "Sống cho mình từ tuổi nào?" mời bạn gửi ý kiến chia sẻ về địa chỉ mail online@baophunu.org.vn. Các bài được chọn đăng sẽ nhận nhuận bút của toà soạn.
|