Dọn dẹp góc khuất của chính mình

25/11/2015 - 11:41

PNO - Khi chúng ta bắt đầu phát triển bản thân cũng là lúc chúng ta nhận thức được sự liên quan mật thiết giữa bản thân mình với thế giới xung quanh.

Hoàn thiện bản thân chính là cách ta đóng góp cho xã hội. Tôi yêu những điều tốt đẹp, tôi muốn mọi sự tốt đẹp. Cuộc sống của tôi trở nên ý nghĩa hơn khi chia sẻ những gì tôi đã trải nghiệm, đã nhìn thấy. Vì vậy, chúng ta thường song song làm hai việc: gia tăng những điều tốt của bản thân và dọn dẹp những điều chưa tốt xung quanh mình.

Oái ăm thay, ta lại thấy ngoài kia có nhiều khập khiễng quá so với những giá trị mình đang theo đuổi; nhiều cái xấu, nhiều tha hóa, nhiều suy thoái. Làm sao để cuộc sống tốt đẹp hơn?

Don dep goc khuat cua chinh minh
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Ta lao vào công cuộc “dọn dẹp”: nào là chống tham nhũng, chống tội ác, chống bạo lực học đường, bạo lực gia đình, chống chiến tranh… Và khi quay về quan sát bản thân, ta chỉ gặp nỗi mệt mỏi của mình. “Làm người tử tế chẳng được gì!” - có phải kết luận của bạn ta đúng? Nếu thấy mệt chính là chúng ta đang làm ngược, đang lội ngược dòng.

Chiến lược gia tăng những điều tốt của bản thân và cắt bỏ, dọn dẹp những điều xấu của xã hội là chiến lược đúng nhưng ngược dòng. Hãy làm ngược lại. Đối với bản thân, hãy dọn dẹp những góc khuất của mình; đối với xã hội, hãy tập trung vào những điều tốt đẹp mà xã hội đang có.

Đối diện góc khuất của bản thân đòi hỏi can đảm hơn nhiều so với đối diện góc khuất của xã hội, vì khi lên tiếng về góc khuất của xã hội, bạn đồng thời khẳng định mình tốt đẹp hơn. Bạn trở nên mệt mỏi hơn vì bạn tập trung vào cái tôi của mình nhiều hơn.

Dọn dẹp những góc tối của chính mình, bạn sẽ có nhiều không gian để nở hoa hơn. Bạn nhẹ đi, có không gian hơn cho cái tốt bừng nở, ánh sáng sẽ tràn vào từng ngóc ngách… Và khi đó bạn càng trở nên biết chấp nhận hơn.

Ngược lại, nếu chỉ quan tâm cái tốt bản thân, bạn sẽ mang suy nghĩ “tôi đã tốt rồi nè, hãy tốt giống tôi đi”, hoặc “tôi tốt hơn bạn”, “bạn chẳng biết những điều tôi đã biết”… Có người hỏi vì sao tôi nhìn vào những giá trị tốt của bản thân và gia tăng những giá trị đó nhưng những góc tối không bớt đi mà đầy hơn.

Đơn giản, khi bạn chỉ quan tâm cái đẹp của mình, cái tôi xấu xí cũng sẽ cố thủ bám chặt, ngày càng nhiều. Ai hiểu cơ chế của não bộ, đều biết rằng càng cấm, càng chống thì cái bị cấm, cái bị chống càng lớn lên.

Vì vậy, hãy thôi “chống lại” và hãy thôi cắt bỏ. Cắt bỏ có nghĩa giống như tế bào ung thư, hư không xài được, thấy là ghét... Hôm nay tham quá, hôm nay giận dữ quá, phải cắt bỏ cái xấu này mới được… Điều này chẳng khác nào việc từ chối chính mình, phán xét chính mình… Nhưng mình ghét mình thì ai yêu mình đây?

Vì xấu - tốt như vậy mà ghét mình, rồi ghét sang người. Sự chia cắt giữa các tâm hồn chẳng phải bắt đầu bằng xấu tốt, bằng cắt bỏ, bằng thay đổi sao? Chiến tranh chẳng phải bắt đầu từ đó sao?

Ngoài ra còn các biến dạng khác như cực đoan, không thể chấp nhận con đường của người khác… Chính sự cực đoan đã giới hạn bản thân mình. Và vì thế ta không đạt đến sự tự do thật sự. Vì vậy, hãy thôi là người chiến đấu. Hãy làm người bảo vệ.

Nếu bạn nghe một tiếng rủ rỉ bên tai: “hãy là chiến binh” thì cũng đừng chống lại. Bởi nếu nhìn rộng hơn một chút bạn sẽ thấy chiến binh là người chẳng thay đổi gì cả, anh ấy bảo vệ. Anh ấy không chống chiến tranh, anh ấy bảo vệ hòa bình. Anh ấy không chống bạo lực, anh ấy bảo vệ tình yêu. Anh ấy không lên án ai, anh ấy bảo vệ gia đình.

Và anh ấy có quyền năng chuyển hóa. Chuyển hóa bắt đầu bằng nhận biết và chấp nhận. Phát triển bản thân là sự chuyển hóa, phát triển xã hội là sự chuyển hóa. Nhận biết mọi điều tốt đẹp và chưa hoàn thiện, dũng cảm đi sâu vào các tầng lớp, các chiều của bên trong lẫn bên ngoài, chấp nhận, mỉm cười và chuyển hóa… là một quá trình có lúc lên, lúc xuống, lúc vui, lúc buồn… và xây dựng sự hiểu biết bền vững, đầy yêu thương, kiên nhẫn, trong sáng…

Quay lại câu chuyện chúng ta đang làm ngược là khen ngợi bản thân (dù không lên tiếng) và chê bai bên ngoài. Hãy làm đúng. Nghiêm khắc với bản thân và tập trung vào những tốt đẹp của người khác.

Nghiêm khắc với bản thân một cách nhẹ nhàng, đồng thời nhìn vào sự tốt đẹp đang hiện hữu của bên ngoài - đây cũng là lúc quy luật hấp dẫn vận hành, chúng ta hấp dẫn những điều tốt đẹp từ bên ngoài để hỗ trợ quá trình làm sạch bên trong.

Minh Tú

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI