Đớn đau và thức tỉnh

18/07/2016 - 07:09

PNO - Cú gập người xin lỗi của chủ tịch công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh hai tuần trước khiến dư luận vẫn hồ nghi về sự chân thành.

Người đứng đầu công ty tạo ra thảm họa môi trường tồi tệ này cúi đầu xin lỗi chính phủ và nhân dân Việt Nam. Ông ta cũng bày tỏ một số thiện chí để khắc phục lỗi lầm. Nhưng câu chuyện về thảm họa ấy vẫn còn tiếp tục. Vài ngày nay, vấn nạn liên quan đến Formosa lại đang nổi sóng.

Thông tin mới nhất cho biết chất thải của Formosa Hà Tĩnh không chỉ đổ ra biển, mà còn đổ ngay trên bờ. Hàng trăm tấn chất thải đã đổ vào đất trang trại thuộc sở hữu của ông Lê Quang Hòa, Giám đốc Công ty môi trường đô thị thị xã Kỳ Anh. Và hẳn rằng, dư luận sẽ không bất ngờ, nếu rác thải công nghiệp độc hại của Formosa lại bị phát hiện còn đổ bừa ở những nơi khác nữa.

Don dau va thuc tinh
Quá trình xử lý hậu quả do việc xả thải của Formosa sẽ còn dai dẳng trong nhiều thập kỷ

Chắc chắn rằng, quá trình xử lý hậu quả do việc xả thải của Formosa sẽ còn dai dẳng trong nhiều thập kỷ. Diễn ra ngắn hơn, nhưng không kém phần phức tạp, là xử lý trách nhiệm của những cán bộ liên quan đến vụ việc cấp phép và kiểm soát sau cấp phép đối với Formosa Hà Tĩnh. Sẽ chẳng ai tin rằng thẩm quyền nhỏ nhoi của ông giám đốc công ty môi trường của một thị xã lại đóng vai trò lớn trong thảm họa môi trường nghiêm trọng nhất từ trước đến nay. Sẽ có một loạt cán bộ dù đương chức tại Hà Tĩnh hay đã thuyên chuyển đi chỗ khác, dù là ở cấp địa phương hay trung ương phải chịu trách nhiệm. Vậy đó là những ai? Hãy chờ đợi với lòng tin vào lời hứa của người đứng đầu chính phủ: “Xử lý nghiêm dù đó là ai”.

Con voi chui lọt lỗ kim đã là một nghịch lý đáng xấu hổ trong nhiều vụ việc vi phạm pháp luật được bao che, bảo kê. Nhưng Formosa to hơn con voi bao nhiêu lần, thế mà vẫn chui lọt được lỗ kim. Vậy cái gốc của vấn đề phải được nhìn nhận thẳng thắn. Formosa không thể ngang nhiên vi phạm, nếu không có một loạt cơ quan chức năng nhắm mắt làm ngơ. Và đương nhiên, cái giá của sự làm ngơ ấy phải là rất nhiều tiền.

Môi trường sống bị đầu độc, con người và bao nhiêu sinh vật khác bị đầu độc do chất thải của Formosa. Sẽ chẳng quá lời, nếu bảo rằng có thảm họa ấy, vì những con người thiếu chức trách đã bị đầu độc bởi lòng tham và u mê bởi đồng tiền. Lòng tham là nguồn cơn của mọi tai họa.

Lòng tham của người có chức trách bảo vệ xã hội sẽ tạo ra tai họa dây chuyền và lâu dài. Những người dân bình thường, những bà nội trợ là bạn đọc của trang báo này sẽ không vội vã phán xét ai, khi pháp luật chưa kết tội cụ thể. Nhưng những người bình thường ấy luôn có đủ lương tri sáng suốt để quyết liệt phản đối những thứ đe dọ a đến cuộc sống bình yên. Họ cũng sẵn sàng có sức mạnh lớn lao để chỉ rõ những hậu quả khôn xiết được tạo ra bởi lòng tham của kẻ có tiền móc nối với kẻ có quyền, nhằm hủy hoại môi trường sống.

Formosa đã và sẽ tạo nên những vết thương đau đớn cho môi trường, cho đời sống xã hội. Formosa cũng không phải là thủ phạm duy nhất trong chuỗi tội ác phá hoại môi trường. Sẽ là lý tưởng, nếu bất cứ vi phạm mang tính hủ y hoại nào cũng được ngăn chặn hoặc xử lý nghiêm minh. Cuộc sống vốn không hoàn hảo, nên điều được coi là lý tưởng ấy thường không thể được đảm bảo tuyệt đối.

Nhưng ít ra, việc xử lý Formosa sẽ trả lời được phần nào cho câu hỏi lớn: liệu lòng tin vào những điều tốt đẹp có phải là hy vọng hão? Mỗi con người hay xã hội cũng thế, chỉ có thể thức tỉnh sau khi trả giá vì những đớn đau. Trả giá thấm thía chính là ánh sáng để phục thiện, tránh lầm lỗi tiếp theo và thực hiện công bằng. Nếu đã đớn đau mà không thức tỉnh, sẽ không có gì cứu vãn được kết cục tận cùng tồi tệ. Thực thi công lý trong vụ Formosa chính là minh chứng cho sự thức tỉnh được mong chờ ấy.

Vũ Bách

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI