Đón đầu thuế nhập khẩu vào Việt Nam còn 0%, sữa ngoại ồ ạt lấn sân

27/12/2017 - 08:12

PNO - Từ ngày 1/1/2018, thuế nhập khẩu đối với nhiều mặt hàng nhập vào Việt Nam sẽ giảm về 0%; trong đó có sữa và các sản phẩm từ sữa... Khi thị trường “mở cửa” đón sữa ngoại, người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi đến đâu?

Người tiêu dùng thoải mái chọn lựa

Theo Hiệp định thương mại tự do giữa Asean - Australia - New Zealand và theo biểu thuế nhập khẩu (NK) ưu đãi đặc biệt của Việt Nam (VN) thực hiện Hiệp định thành lập khu vực thương mại tự do ASEAN - Australia - New Zealand giai đoạn 2016-2018, thuế NK của VN đối với sữa từ Australia, New Zealand đã giảm mạnh từ đầu năm 2017.

Cụ thể, sữa chưa pha thêm đường hoặc chất làm ngọt khác có hàm lượng chất béo không quá 1% tính theo trọng lượng, có mức thuế NK là 5%; nếu hàm lượng chất béo trên 1% mức thuế là 0%.

Đối với sữa đã pha thêm đường hoặc chất làm ngọt khác, thuế suất NK là 5%. Vì thế, thực tế là sữa nhập từ Australia và New Zealand đã hưởng thuế suất NK ưu đãi tròn một năm.

Mặt khác, theo biểu thuế NK ưu đãi đặc biệt của Hiệp định thương mại hàng hóa Asean (thuế suất ATIGA), mức thuế NK sữa từ các nước Asean vào VN từ năm 2015 đã là 0%.

Riêng với Hiệp định thương mại tự do VN - EU (VN và 28 nước thành viên EU), dự kiến ngày 1/1/2018 sẽ có hiệu lực, thì theo Sở Công thương TP.HCM, phải sau 3-5 năm, lộ trình giảm thuế NK sữa mới hoàn tất.

Ông Phạm Thành Kiên - Phó giám đốc Sở Công thương TP.HCM nhận định: “Xét tổng thể thị trường các nước VN đang NK sữa thì chúng ta đã có lộ trình giảm thuế NK theo từng khu vực, giảm dần qua từng năm”. 

Dón dàu thue nhap khau vao Viet Nam con 0%, sua ngoai o at lan san
 

“Đón đầu” mức thuế ưu đãi đặc biệt chỉ còn 0% của VN áp dụng cho mặt hàng sữa, theo các đại lý sữa, từ vài tháng qua đã có thêm nhiều nhãn hiệu sữa ngoại xuất hiện trên thị trường.

Không chỉ sữa từ Úc, New Zealand (thị trường sắp được miễn thuế) mà còn có nhiều loại sữa bột, sữa nước xuất xứ Mỹ, Pháp, Nga, Nhật, Hàn, Mexico, Thụy Điển... mức giá rất cạnh tranh với sữa nội.

So với một năm trước, hiện gần như đại lý, siêu thị, cửa hàng nào cũng bày bán sữa ngoại nhập; thậm chí có nơi bán đến mười mấy nhãn hiệu sữa ngoại, vượt hẳn số nhãn hiệu sữa nội trong cửa hàng.

Chủ cửa hàng sữa T. (Nguyễn Kiệm, Q. Gò Vấp, TP.HCM) cho biết, trước đây sữa ngoại về ít, có khi các cửa hàng phải tranh nhau từng hộp để có hàng bán, vì sữa về theo đường xách tay nhỏ lẻ. Gần nửa năm nay, thị trường biến chuyển rất nhanh vì có thêm nhiều công ty phân phối lớn tham gia kinh doanh sữa ngoại, các đại lý muốn lấy bao nhiêu cũng có. Các hãng này còn hỗ trợ tiền trưng bày 2-3 triệu đồng/tháng để các cửa hàng đẩy mạnh giới thiệu đến người tiêu dùng (NTD).

Chủ cửa hàng này cho biết thêm: “Dù sữa nội hay sữa ngoại thì mức lời trên mỗi hộp đều như nhau nên khách chuộng nhãn hiệu nào thì tôi cứ vậy mà lấy hàng về bán. Từ khi sữa ngoại về nhiều, các hãng sữa trong nước đã bớt “hăm he” tăng giá. Trước đây, nhà sản xuất muốn tăng giá là tăng, chẳng cần giải thích nguyên nhân. Giờ nếu họ còn làm vậy thì chẳng khác nào tự nhường sân cho sữa ngoại vì giá sữa ngoại khá ổn định, không có chuyện tăng vô tội vạ”. 

Đáng lưu ý là trước đây các chuỗi cửa hàng chuyên doanh sản phẩm (SP) cho mẹ và bé bày bán cả sữa nội lẫn sữa ngoại thì nay chỉ trưng bày toàn sữa ngoại.

Tại cửa hàng Tuticare (Nguyễn Thị Minh Khai, Q.3, TP.HCM), nghe chúng tôi hỏi mua sữa, nhân viên giới thiệu một loạt hơn 20 nhãn sữa ngoại nhập, chẳng đá động đến sữa nội.

Đáng chú ý là nhãn sữa xuất xứ từ Australia Pediasure loại dành cho trẻ 1-10 tuổi, trước đây giá 870.000 đồng/hộp, nay giảm còn 800.000 đồng/hộp. Một loại sữa mới gia nhập thị trường là sữa bột Semper số 3 (Thụy Điển) dành cho trẻ trên 9 tháng tuổi, hộp 800gr giá chỉ 480.000 đồng, được quảng cáo “đặc trị trẻ hay bị táo bón”…

“Sữa nội địa của Nhật” thì xuất hiện thêm gần chục nhãn hiệu, được quảng cáo là “chất lượng hơn hẳn sữa xuất khẩu sang các nước khác”, cụ thể là các SP hiệu Meiji, Glico Icreo, Morinaga, Wakodo… giá từ 260.000 đồng/hộp 320g - 725.000 đồng/hộp 800g. 

Khi một nhãn sữa ngoại nhập đưa ra mức giá rất cạnh tranh thì lập tức tạo sức ép khiến các nhãn sữa khác, cả ngoại lẫn nội, đều giảm giá. Tại khu vực chuyên doanh sữa trên đường Nguyễn Thông (Q.3, TP.HCM), một người bán cho biết: “Sữa Physiolac của Pháp có giá chỉ 380.000 đồng/hộp 900g, rẻ hơn nhiều loại sữa nội nên hàng về đến đâu là hết đến đó”, nhiều người còn tranh thủ mua luôn hai hộp để được giảm thêm 10.000 đồng/hộp.

Chín tháng đầu năm 2017, kim ngạch nhập khẩu sữa và sản phẩm từ sữa có tốc độ tăng trưởng  đến 68,75% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong dòng sản phẩm nhập khẩu này, New Zealand chiếm đến 25,4% tổng kim ngạch, đạt 165,8 triệu USD, tăng 19,3%. 
(theo Tổng cục Thống kê)

Ông Đỗ Quốc Huy - Giám đốc Marketing Saigon Co.op, nhận xét: “Thuế NK sữa nguyên liệu giảm từ 5% xuống còn 0% nên NTD có quyền kỳ vọng giá sữa sẽ giảm. Dự kiến, giá sữa bột công thức sẽ giảm nhiều nhất, giá sữa tiệt trùng chỉ giảm nhẹ, các loại còn lại giảm không đáng kể.

Nhìn chung, tỷ suất lợi nhuận của ngành sữa không cao nên rất khó giảm sâu. Giá sữa nếu có giảm, thì chủ yếu là do nguồn hàng nhiều nên phải giảm giá để cạnh tranh. Australia và New Zealand có thế mạnh về nhóm SP này nên chắc chắn áp lực cạnh tranh đối với các đơn vị sản xuất sữa trong nước sẽ rất lớn”. 

Siêu thị chờ các hãng

Theo ông Huy, thông thường, khi thuế NK giảm, các nhà cung cấp cũng sẽ điều chỉnh giảm giá bán SP theo cam kết với Saigon Co.op. Giá bán các loại sữa và các sản phẩm chế biến từ sữa bắt buộc phải điều chỉnh theo cơ chế thị trường để đảm bảo quyền lợi cho NTD.

Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có nhà cung cấp sữa nào gửi thông báo điều chỉnh giá. Ông Đoàn Diệp Bình - quản lý truyền thông và sự kiện - Lotte Mart Vietnam, cho biết: “Hiện chúng tôi chưa nhận được thông tin giảm giá sữa cũng như động thái nào từ các nhãn hàng của New Zealand. Đến ngày 1/1/2018, nếu vẫn không nhận được thông tin chính thức, chúng tôi sẽ có buổi họp trực tiếp cùng các nhãn về vấn đề này; mục tiêu chính vẫn là đảm bảo quyền lợi tối đa cho NTD”. 

Tuy sữa ngoại đang “ồ ạt” vào thị trường VN nhưng các siêu thị vẫn “sẽ cân nhắc về giá bán và tìm kiếm các thương hiệu sao cho phù hợp nhất với thị hiếu tiêu dùng của KH. Thực tế, không phải thương hiệu nào vào VN cũng thành công. Điều này phụ thuộc vào giá cả, chất lượng, thành phần và các kế hoạch hậu mãi...”.

Từ đầu năm đến nay, Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM thu giữ, tiêu hủy 11.410 hộp, chai, lon sữa các loại, các hiệu không có hóa đơn, chứng từ; 168 chai sữa Pediasure loại 237 ml/chai không rõ nguồn gốc; 9.448 hộp, lon sữa các loại, các hiệu hết hạn sử dụng; 1.572 chai, hộp sữa các loại, các hiệu không có nhãn phụ, hàng hóa có nhãn ghi không đủ nội dung quy định... 

(theo Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM)

Đáng lưu ý là cùng với sự đa dạng SP, NTD có nhiều lựa chọn hơn, được mua SP với giá cạnh tranh hơn thì nguy cơ sữa trôi nổi, hàng nhái, giả cũng tăng lên. Từ đầu năm đến nay, Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM đã kiểm tra, phát hiện, tiêu hủy một số lượng lớn sữa giả, lậu, hết hạn sử dụng…

Ông Nguyễn Văn Bách - Phó Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM, nhìn nhận: sau mỗi đợt ưu đãi thuế suất NK, hàng hóa ngoại nhập vào thị trường trong nước sẽ tăng, đa dạng thêm về mẫu mã, chất lượng; nhưng đồng thời tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng cũng sẽ diễn biến phức tạp hơn. “Để ổn định thị trường, chúng tôi đã chỉ đạo các Đội Quản lý thị trường tăng cường kiểm tra nhằm kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật”, ông Bách xác định.

Như vậy, với ưu đãi thuế suất NK chỉ còn vài ngày nữa là có hiệu lực, NTD sẽ có cơ hội mua nhiều SP sữa với chất lượng, giá cả cạnh tranh; tuy nhiên nên mua hàng chính hãng ở những cửa hàng uy tín để tránh mua nhầm hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng… 

Nguyễn Cẩm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI