Những tia sáng đầu tiên
Thành phố đang có hai địa chỉ thực hiện việc kết hợp đờn ca tài tử với các hoạt động khác, nhằm đưa đờn ca tài tử trở thành một trong những sản phẩm du lịch đặc trưng. Vào ngày rằm hằng tháng, Bảo tàng Áo dài TP.HCM tổ chức chương trình ngắm trăng, nghe đờn ca tài tử, kết hợp thưởng thức bánh quê, cháo đậu… Qua hai lần thử nghiệm, số lượng khách tham dự đã tăng lên đáng kể. Sắp tới, bảo tàng sẽ đưa đờn ca tài tử kết hợp vào các phiên chợ quê được tổ chức vào dịp cuối tuần. Ngoài việc xem biểu diễn, khách còn có thể hát chung, hoặc học hát. Khu du lịch Bình Quới cũng đưa đờn ca tài tử kết hợp với chương trình thưởng thức ẩm thực vào cuối tuần.
|
Liên hoan đờn ca tài tử tại TP.HCM - giải Hoa sen vàng tổ chức năm 2019 |
Những năm qua, đờn ca tài tử chủ yếu xuất hiện ở các chương trình nghệ thuật quảng bá văn hóa, phục vụ các sự kiện văn hóa, chính trị, xã hội, tham gia liên hoan đờn ca tài tử… Hầu như, đờn ca tài tử chưa thể tạo ra giá trị kinh tế. Một số nhà hàng có sử dụng chất liệu này để khai thác, nhưng cũng chỉ dừng ở mức nhỏ, lẻ.
Đờn ca tài tử phát triển ở nhiều tỉnh, thành phía nam. Trong đó, TP.HCM có lợi thế là nơi giao thoa, hội tụ và lan tỏa văn hóa dễ dàng nhất. Đây cũng là một trong những địa phương thu hút khách du lịch quốc tế nhiều nhất cả nước. Tuy nhiên việc khai thác, phát huy giá trị của đờn ca tài tử tại TP.HCM vẫn đang bị bỏ ngỏ.
Vấn đề nan giải
Theo thống kê năm 2020, TP.HCM có 292 câu lạc bộ, đội nhóm đờn ca tài tử với tổng số thành viên là 3.017 người, trong đó có bốn nghệ nhân ưu tú, hai nghệ nhân nhân dân. Nhân lực, về số lượng - là điều không thiếu để phát triển đờn ca tài tử tại TP.HCM. Nhưng việc tập hợp được những người có đủ năng lực, đam mê, nhiệt huyết để cùng phát triển là một vấn đề khá nan giải.
|
Mô hình ngắm trăng thưởng thức đờn ca tài tử tại Bảo tàng Áo dài TPHCM |
Với đa số các nghệ nhân, đờn ca tài tử chỉ là đam mê hoặc nghề tay trái. Nghệ nhân Út Châu, hiện đang cộng tác với Bảo tàng Áo dài TP.HCM cho biết, do đờn ca tài tử không mang lại thu nhập, nên anh chỉ có thể tham gia vào buổi tối, hoặc những khi có thời gian. Trong khi đó, nếu muốn phát triển dự án, đòi hỏi nhân lực phải tập trung hoàn toàn.
Có hai hướng để xây dựng các mô hình đờn ca tài tử. Thứ nhất, giữ đúng bản chất của đờn ca tài tử, đi kèm với việc thưởng thức ẩm thực, ngắm cảnh. Các địa phương vùng ven TP.HCM có không gian, bối cảnh khá phù hợp. Tuy nhiên, du lịch sông nước, vùng ven thành phố vẫn chưa phải là điểm đến thú vị, nằm trong danh sách ưu tiên của du khách khi đến với TP.HCM.
“Các địa điểm du lịch sinh thái cuối tuần quen thuộc của người dân thành phố tại Củ Chi, Nhà Bè hay Cần Giờ đều có nhiều tiềm năng, lợi thế sẵn có để phát triển du lịch gắn với loại hình nghệ thuật đờn ca tài tử. Chất xúc tác cần có là làm thế nào để gắn kết, khai thác giá trị văn hóa của đờn ca tài tử trong từng sản phẩm du lịch. Hiểu văn hóa của vùng đất, con người Nam bộ thông qua đờn ca tài tử, là một hình thức xây dựng thương hiệu du lịch độc đáo của du lịch thành phố, cũng như vùng sông nước Nam bộ”. Ông Trương Minh Hậu - Phó Giám đốc Làng du lịch Bình Quới |
Theo tiến sĩ Lê Hồng Phước (Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM, người từng mang cải lương, đờn ca tài tử biểu diễn tại trụ sở UNESCO ở Pháp, phục vụ kiều bào nước ngoài), chỉ cần không gian phù hợp để đặt đờn ca tài tử vào, nhất là những khu du lịch có cảnh quan thiên nhiên đẹp. Cần tạo thói quen nhận diện cho công chúng, du khách về hoạt động đờn ca tài tử tại TP.HCM. Ở trung tâm thành phố như đường sách Nguyễn Văn Bình, nên dành một không gian cho đờn ca tài tử, để các câu lạc bộ hoạt động luân phiên, cũng là cách làm tăng sự nhận diện.
Hướng thứ hai, có thể xây dựng một chương trình biểu diễn nghệ thuật, lấy đờn ca tài tử làm chất liệu chính, để phục vụ ở các không gian trung tâm. Thực tế, trong một số chương trình nghệ thuật phục vụ các nhiệm vụ chính trị, xã hội, đã từng có những tiết mục đờn ca tài tử được dàn dựng rất công phu, hoành tráng, có thể là nguồn chất liệu tốt để tiếp tục khai thác. Tiếc rằng giá trị của chúng cũng chỉ dừng ở phạm vi một chương trình. Tuy nhiên, cũng có ý kiến lo ngại cách làm này sẽ làm mất đi bản chất vốn có của đờn ca tài tử là sự dân dã, mộc mạc.
Muốn có lợi nhuận, thì phải đầu tư. Nhưng hiện tại không nhiều đơn vị mặn mà với loại hình này. Như trường hợp tại Bảo tàng Áo dài TP.HCM, bà Huỳnh Ngọc Vân nói bước đầu xác định phát triển mô hình này với mục tiêu gìn giữ di sản, chứ chưa thể nghĩ đến lợi nhuận. Bà nhấn mạnh nếu đơn vị tư nhân thực hiện thì phải kiên trì, bình tĩnh và phải thực sự có tâm huyết. Vì thế, cũng không khó hiểu nếu các đơn vị khai thác du lịch không dám mạnh tay với loại hình này.
|
Biểu diễn đờn ca tài tử trong chương trình Báu vật đất phương nam trước Nhà hát TPHCM vào tháng 3/2021 |
Việc phát triển đờn ca tài tử tại TP.HCM vẫn còn thiếu chiến lược, thiếu sự liên kết, khiến các hoạt động rời rạc. Theo ông Trương Minh Hậu, ngoài công tác xây dựng, không gian thì việc tuyên truyền, quảng bá cũng là vấn đề cần được xem trọng. Nhưng để quảng bá, thì trước tiên phải có sản phẩm tốt.
Thạc sĩ Phạm Thái Bình (Trung tâm Văn hóa TP.HCM) chia sẻ: “Muốn phát triển đờn ca tài tử cần có đơn vị đầu tư, có kế hoạch, huy động các nguồn lực. Nhưng hiện tại, mọi thứ vẫn chỉ là ước mong, và chưa có quá nhiều tín hiệu để có thể hy vọng điều gì đó”.
Năm 2018, UBND TP.HCM phê duyệt đề án bảo tồn giá trị di sản văn hóa phi vật thể đờn ca tài tử, trong đó có đề cập nội dung thử nghiệm, tìm tòi xây dựng những hình thức trình diễn mới, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - văn hóa và du lịch của thành phố.
Sau bốn năm, việc khai thác, phát huy giá trị của đờn ca tài tử trong du lịch vẫn chưa khả quan hơn. Không loại trừ ảnh hưởng vì dịch COVID-19, nhưng tiến trình phát triển dường như vẫn còn chậm? Hiện, ngành du lịch đang phục hồi. Đã đến lúc cần có những hành động cụ thể, để đờn ca tài tử thực sự “sống” được giữa đô thị.
Trung Sơn