PNO - PNO - Đó là lời phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Lễ đón nhận Bằng của UNESCO vinh danh nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, đã diễn ra trong không khí trang trọng...
edf40wrjww2tblPage:Content
Đến tham dự sự kiện này có Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch Ủy ban MTTQVN Nguyễn Thiện Nhân, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh, Bí thư Thành ủy TP.HCM Lê Thanh Hải, Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân… cùng đại diện các Bộ, ban ngành Trung ương, lãnh đạo 21 tỉnh thành và đông đảo nghệ nhân, nghệ sĩ, soạn giả các tỉnh thành trên cả nước.
Bà Katherine Muller Marin - Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO Việt Nam, đã trao bằng của UNESCO cho Bộ trưởng Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh trong tiếng vỗ tay và tự hào của tất cả những người tham dự buổi lễ.
Bà Katherine Muller Marin trao bằng của UNESCO vinh danh nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại cho Bộ trưởng Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh (ảnh: Nguyễn Á)
Hòa trong không khí hân hoan khi Đờn ca tài tử Nam Bộ (ĐCTTNB) đã trở thành di sản văn hóa phi vật thể thứ 8 của Việt Nam được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa đại diện của nhân loại và được bảo vệ ở cấp độ quốc tế, bà Katherine Muller Marin đã phát biểu: “Tôi ao ước rằng mình có một tuổi thơ ở vùng đất Nam Bộ, như rất nhiều quý vị ở đây, được đắm mình trong những câu hát, tiếng đờn thấm đượm tình cảm như Dạ cổ hoài lang của cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu, hay những cung bậc đầy cảm xúc của những nhạc cụ đa dạng và độc đáo. UNESCO tin rằng di sản văn hóa phi vật thể phải thuộc về cộng đồng, được liên tục trao truyền và tái tạo để đảm bảo rằng những người nắm giữ di sản và con, cháu của họ được tiếp tục giữ gìn và phát huy văn hóa của mình. Chúng tôi mong rằng Nghệ thuật ĐCTTNB sẽ tiếp tục được tái tạo thông qua giao lưu văn hóa giữa các nhóm cộng đồng, trong sự hòa hợp và tôn trọng lẫn nhau, tăng gắn kết cộng đồng và đề cao bản sắc văn hóa thông qua trao đổi âm nhạc, phát huy sự đa dạng của các cộng đồng, nhóm người và cá nhân”.
Theo bà Katherine Muller, UNESCO đã đánh giá cao thành công của Việt Nam trong nỗ lực đưa khái niệm bảo vệ văn hóa phi vật thể vào các chính sách quốc gia trong hơn một thập kỷ qua nhằm nâng cao nhận thức và hành động thực hiện Công ước 2003 của UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa.
Tại buổi lễ, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh đã công bố Chương trình hành động quốc gia nhằm bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể của ĐCTTNB. Bộ trưởng cũng cho biết Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo, hướng dẫn và đồng hành cùng các địa phương có Nghệ thuật ĐCTTNB thực hiện tốt Chương trình hành động quốc gia này, đồng thời đề nghị Sở VH-TT&DL các tỉnh có Nghệ thuật ĐCTTNB căn cứ tình hình cụ thể của địa phương, kịp thời xây dựng đề án chi tiết, cụ thể hóa những nội dung của Chương trình hành động quốc gia, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt và triển khai.
Vidéo clip Lễ Vinh danh nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ - Phần 1
Trong phần phát biểu chỉ đạo, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã khẳng định: “Việc UNESCO vinh danh Nghệ thuật ĐCTTNB là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại thể hiện sự đánh giá cao của cộng đồng quốc tế đối với loại hình nghệ thuật độc đáo này của Việt Nam. Đây không chỉ là niềm tự hào của đồng bào Nam Bộ, của người Việt Nam chúng ta mà còn góp phần thiết thực vào việc giữ gìn sự đa dạng các biểu đạt văn hóa trong kho tàng văn hóa thế giới. Đồng thời là một minh chứng sống động về sức sống, sức lan tỏa của văn hoá truyền thống Việt Nam trong dòng chảy hội nhập của văn hóa thế giới”.
Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các cơ quan liên quan, các Đảng bộ, Chính quyền cùng các nghệ sĩ - nghệ nhân và đồng bào, nhất là các địa phương quê hương của Nghệ thuật ĐCTTNB, với tất cả tình cảm và trách nhiệm hãy hợp tác chặt chẽ, triển khai có hiệu quả Chương trình hành động quốc gia bảo vệ và phát huy giá trị đối với Nghệ thuật ĐCTTNB để Nghệ thuật ĐCTTNB - một loại hình nghệ thuật độc đáo vừa mang tính dân gian vừa mang tính bác học - luôn được bảo tồn và phát triển sáng tạo, luôn có vị trí xứng đáng trong đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào vùng đất phương Nam, của nhân dân Việt Nam và của nhân loại.
Vidéo clip Lễ Vinh danh Nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ - Phần 2
Sau phần Lễ trao Bằng của UNESCO là chương trình biểu diễn nghệ thuật ĐCTTNB khá đặc sắc và ấn tượng với sự tham gia của nhiều nghệ nhân, nghệ sĩ và các tài tử ca, tài tử đờn nổi tiếng của TP.HCM và một số tỉnh đại diện cho 21 tỉnh, thành có Nghệ thuật ĐCTTNB: NSND Bạch Tuyết, NSUT Ba Tu, Nghệ nhân dân gian Út Tỵ, Th.s Huỳnh Khải, NSƯT Văn Môn, NS Hải Phượng, NSƯT Minh Vương, NSƯT Phượng Hằng, tài tử ca Cao Thị Thắng, Thạch Vũ, Ngọc Đặng, Kim Thanh, Lâm Ngọc Hoa…
Một số hình ảnh tại buổi lễ:
Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh tặng hoa cho bà Katherine Muller Marin
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: "Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ là một loại hình nghệ thuật độc đáo vừa mang tính dân gian vừa mang tính bác học"
Bà Katherine Muller Marin trao bằng UNESCO cho đại diện các tỉnh, thành
Chương trình biểu diễn nghệ thuật ĐCTTNB của các nghệ nhân, nghệ sĩ