PNO - Nhiều doanh nghiệp chưa nhận được sự hỗ trợ về tài chính từ các gói hỗ trợ của Chính phủ, vẫn đang chịu mức lãi suất vay cao, khó tiếp cận nguồn vốn vay mới... và khó khăn lớn nhất là sức mua của thị trường giảm mạnh.
Ông Nguyễn Quốc Anh - Chủ tịch Hội Cao su nhựa TPHCM - cho biết các doanh nghiệp (DN) trong lĩnh vực cao su nhựa được các ngân hàng (NH) giảm lãi suất (LS) 0,5 - 1,5%/năm so với trước khi có dịch COVID-19. Tuy nhiên vấn đề khó khăn lớn nhất là hiện các DN đã trở lại sản xuất nhưng sức mua kém nên thiếu dòng tiền, không thể đáo hạn NH và vay mới, buộc lòng phải giảm quy mô sản xuất hoặc ngưng sản xuất do không có tiền mua nguyên vật liệu, trả lương công nhân. “Các NH biết rõ DN đang khó khăn, dòng tiền về chậm nên cũng rất khó cho vay mới” - ông Nguyễn Quốc Anh nói.
Theo bà Lý Kim Chi - Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Thực phẩm TPHCM (FFA) - từ nay đến tết Nguyên đán, DN còn phải đối mặt với rất nhiều áp lực, trong đó có vấn đề nguồn vốn. NH Nhà nước đã ban hành Thông tư 14/2021, cho phép cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với số dư nợ gốc, lãi của khoản nợ, miễn giảm lãi, phí nhưng tỷ lệ DN tiếp cận được gói hỗ trợ còn thấp, chỉ vài NH lớn có vốn Nhà nước như Agribank, VietinBank, BIDV giảm LS nhưng mức giảm cũng chỉ 1%/năm. Thông tư này cũng chưa sát với thực tế của DN và chưa phủ hết đối tượng thật sự cần hỗ trợ.
Ông Lê Duy Toàn - Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu thực phẩm Duy Anh - cho biết công ty vay tiền NH với LS 9%/năm. Dù phải ngưng hoạt động trong suốt 4-5 tháng qua nhưng công ty vẫn không được cơ cấu lại nợ, giảm lãi. Một số DN khác tiếp cận NH để vay vốn tái sản xuất thì được yêu cầu cung cấp kế hoạch sản xuất, doanh thu để cho vay theo tình trạng doanh thu. Phần lớn DN đang hoạt động cầm chừng, doanh thu thường âm nên khó vay được vốn theo nhu cầu; nếu muốn vay dễ thì phải chịu LS cao 10 - 11%/năm.
Công ty TNHH Thời trang Nón Sơn đang nỗ lực khắc phục nhiều khó khăn, khôi phục sản xuất từng phần
Theo ông Nguyễn Ngọc Tý - Giám đốc điều hành Công ty TNHH Thời trang Nón Sơn - trong thời gian sản xuất theo phương thức “ba tại chỗ”, DN này phải vay NH thêm 20 tỷ đồng để trả chi phí ăn uống, tiền lương cho công nhân. Đó là chưa kể, gần 1.000 công nhân nghỉ việc trong thời gian giãn cách xã hội nhưng DN vẫn hỗ trợ 4,5 triệu đồng/người. Gặp khó khăn về vốn, chi phí tăng cao, mất doanh thu suốt nhiều tháng liền nhưng DN này vẫn chưa tiếp cận được gói hỗ trợ nào do chưa đáp ứng các điều kiện của các gói. Để có chi phí tái sản xuất, vừa qua, công ty đã đàm phán với NH để vay vốn nhưng chỉ dám vay khoản nhỏ để vừa làm, vừa xem xét tình hình, không dám bung hết sức sản xuất.
Một số DN phản ánh dù NH Nhà nước cho phép chậm thu hồi nợ DN, nhưng nếu DN xin giãn nợ thì bị NH xếp vào nợ xấu. Công đoàn có chính sách hỗ trợ cho người lao động 1 triệu đồng/người khi sản xuất “ba tại chỗ”, tuy nhiên có DN do không đủ chỗ để công nhân ở nên phải thuê khách sạn, chi phí nhiều hơn nhưng DN lại không được hỗ trợ vì bị cho rằng đó là “một cung đường, hai điểm đến” chứ không phải “ba tại chỗ”. Nhiều DN cố gắng duy trì hoạt động với 30% người lao động làm việc, 70% tạm nghỉ việc trong thời gian giãn cách nhưng nhân viên không được nhận khoản hỗ trợ cho người lao động ngừng việc 3,5 triệu đồng/người với lý do “công ty không ngưng hoạt động hẳn”.
Doanh nghiệp cần được hỗ trợ những gì?
Ông Nguyễn Viết Hồng - Tổng Giám đốc Công ty Vina CHG - cho biết DN đang cần sự tiếp sức, hỗ trợ từ Nhà nước, NH, như có gói vay ưu đãi, giảm LS, giảm thuế và chính sách kiểm soát giá để đảm bảo chi phí nguyên liệu đầu vào không tăng (sau hai đợt tăng giá xăng, giá hàng loạt mặt hàng, nguyên phụ liệu đều tăng cao). Các gói hỗ trợ của Nhà nước nên dành cho tất cả DN chứ không nên kèm điều kiện hạn chế, chỉ hướng đến một nhóm DN. Thời gian qua, DN rất khó khăn nhưng không tiếp cận được gói hỗ trợ nào. Có những chính sách chỉ mang tính hô hào, còn thực tế không có ý nghĩa gì, như chính sách giảm thuế thu nhập DN trong khi DN không có doanh thu, lợi nhuận do phải ngưng hoạt động để giãn cách xã hội.
Theo bà Lý Kim Chi, FFA kiến nghị NH Nhà nước quy định cụ thể mức LS giảm để các NH áp dụng, đồng thời nâng hạn mức định giá những tài sản thế chấp hiện hữu từ 70% như hiện nay lên 85 - 90% đối với những DN có uy tín nhằm giúp DN tăng giá trị vốn vay lưu động, giảm bớt áp lực phải tìm thêm tài sản thế chấp. Các NH nên cơ cấu lại nguồn vốn vay giữa trung, dài hạn và ngắn hạn đối với DN ngành sản xuất, chế biến lương thực, thực phẩm trong giai đoạn này, trong đó ưu tiên vốn vay dài hạn với LS thấp. FFA cũng kiến nghị UBND TPHCM nghiên cứu, đề xuất Chính phủ cho cơ chế đặc thù hỗ trợ cho DN TPHCM thông qua việc thành lập “Quỹ hỗ trợ phục hồi kinh tế” như một giải pháp kích thích riêng có trọng điểm. “Gói hỗ trợ vay mới và LS vay này do ngân sách TP.HCM hỗ trợ, không như các gói hỗ trợ tín dụng vừa qua, phần lớn đều dựa vào lòng tốt của NH khiến DN rất khó đáp ứng điều kiện” - bà Lý Kim Chi nói.
Ông Nguyễn Ngọc Hưng - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội DN TPHCM - đề xuất nếu Nhà nước không hỗ trợ DN bây giờ thì có thể cho DN báo những khoản chi vào năm sau và được khấu trừ khoản lỗ, đồng thời giảm thuế Giá trị gia tăng (VAT) để kích thích người tiêu dùng mua sản phẩm, giúp DN sản xuất tốt hơn. DN muốn tăng năng suất sản xuất thì phải có đơn hàng, nguồn lực tài chính, lao động... Để tránh thiếu hụt nguồn lao động, Nhà nước cần có thêm chính sách hỗ trợ người lao động thuê nhà trọ.
Ông Nguyễn Quốc Anh cho rằng, cái khó nhất hiện nay là làm cho thị trường được khai thông. Mặc dù các DN đã sản xuất trở lại nhưng sức mua trong xã hội kém dẫn đến tổng cầu kém. Các DN mong muốn UBND TP.HCM đề ra nhiều giải pháp phù hợp để kích thích người dân tiêu thụ hàng hóa. Tổng cầu tăng lên thì DN sẽ có tiền nộp thuế, trả lương công nhân, mua nguyên vật liệu.
TPHCM cần tạo gói hỗ trợ với quy mô 22.292 tỷ đồng
Năm yếu tố làm suy kiệt năng lực tài chính của DN thời gian qua gồm nguyên liệu thiết hụt, tăng giá, gia tăng tiền lương, tăng chi phí sản xuất, ngưng hoạt động và hoạt động với công suất thấp trong thời gian dài. Các tổn thất này sẽ đẩy DN vào tình trạng thiếu hụt dòng tiền, suy giảm khả năng trả lãi vay và nợ vay đúng hạn, tiềm tàng nguy cơ mất thanh khoản.
Kinh nghiệm từ các nước cho thấy, các gói hỗ trợ tập trung vào hai hướng. Thứ nhất, hỗ trợ trực tiếp cho tổng cầu như cắt giảm thuế, tăng chi đầu tư, chi hỗ trợ việc làm, chi hỗ trợ nhu cầu tiêu dùng thiết yếu đảm bảo an sinh xã hội. Thứ hai, hỗ trợ tài chính cho DN, hạn chế đóng cửa phá sản bằng cách chia sẻ chi phí, bảo lãnh và cho vay, cung cấp dòng vốn chi phí thấp. Ngay cả khi Việt Nam hoàn tất giải ngân trọn vẹn các gói hỗ trợ năm 2020 thì quy mô cũng chỉ ở mức 1,9% GDP, rất nhỏ để kỳ vọng các hỗ trợ này đạt mục tiêu phục hồi. Do đó ngoài gói hỗ trợ chung từ Chính phủ, dựa trên nội lực của TPHCM và mức độ tổn thương thì TPHCM cần tạo gói hỗ trợ với quy mô khoảng 22.292 tỷ đồng, tương đương 1,7% GDP năm 2020. Ngân sách TPHCM không trực tiếp chi tiền mặt cho DN mà khi xác định số tiền cần hỗ trợ, tiến hành bù trừ với số tiền DN phải nộp ngân sách nhà nước hoặc số tiền phải nộp bảo hiểm xã hội trong năm 2021.
Về chính sách tiền tệ nên thiết lập gói hỗ trợ tín dụng cho cá nhân, hộ kinh doanh cá thể, tiểu thương, DN siêu nhỏ, DN vừa và nhỏ vì đây là đối tượng chịu tổn thương nghiêm trọng nhưng năng lực tự phục hồi kém. Sự suy kiệt về tài chính của nhóm đối tượng này tạo gánh nặng cho an sinh xã hội, làm chậm sự phục hồi và tăng trưởng trong giai đoạn hồi phục. Các NH không nên điều chỉnh giảm lãi, không phạt lãi trả chậm, lãi quá hạn đối với khoản nợ đến hạn trên cơ sở đánh giá mức độ thiệt hại và triển vọng hồi phục.
Về chính sách tài khóa, nên giảm thuế VAT, giúp giảm giá hàng hóa trên diện rộng. Việc giảm thuế VAT phải được ghi thẳng lên hóa đơn bán hàng. Nên giảm 50% hoặc 30% và không phân biệt lĩnh vực, quy mô kinh doanh. Nên giảm thuế thu nhập cá nhân giúp tăng thu nhập khả dụng của cá nhân, từ đó tăng tiêu dùng kích thích tổng cầu.
Hiện Bộ Tài chính giảm 30% thuế thu nhập DN nhưng miễn thuế này chỉ có tác dụng đối với DN có lãi, không đem lại lợi ích nếu DN thua lỗ. Theo đó cho phép chủ động chuyển lỗ về hai năm trước (2019 và 2020) hoặc ba năm sau, tổng thời hạn chuyển lỗ không quá 5 năm sẽ tốt hơn. Nhóm nghiên cứu Trường đại học Kinh tế Luật TP.HCM và Viện Nghiên cứu phát triển Công nghệ ngân hàng Đại học Quốc gia TPHCM
Hơn 1.500 chuyến bay đêm với gần 300.000 ghế trong giai đoạn cao điểm tết (13/1 - 12/2) vừa được Vietnam Airlines công bố bổ sung trước nhu cầu tăng cao.
Techcombank đã trở thành đại diện duy nhất trong ngành ngân hàng được vinh danh “Đơn vị vững mạnh Việt Nam” tại đêm Gala trao giải WeChoice Awards 2024.
Nhiều người dân cho biết những ngày qua, tình trạng ùn tắc giao thông khiến rất khó có thể đặt được xe qua các ứng dụng, giá cước cũng cao ngất ngưởng.
Giải thưởng Nữ Doanh nhân 2025 (Women Entrepreneur Award 2025) vừa được khởi động tại Việt Nam hôm 7/1/2025 là giải thưởng quốc tế uy tín do Quỹ Bayer khởi xướng...