Sáng 3/11, hội trường của Bệnh viện Hùng Vương TP.HCM như một bức tranh đầy màu sắc với nhiều cung bậc cảm xúc trong "Lễ kỷ niệm 15 năm thành lập IVF Hùng Vương".
Những cô bé, cậu bé tung tăng vui đùa, còn các bà mẹ thì "bở hơi tai" tìm con của mình. Bong bóng, thú nhồi bông đầy màu sắc được chuẩn bị để tặng cho hơn 100 em bé được sinh ra từ phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) cho thấy cuộc sống còn quá nhiều điều kỳ diệu.
|
Những em bé được sinh ra từ phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm |
Những cuộc tìm kiếm tưởng chừng vô vọng
Nhìn 2 bé gái song sinh mới hơn 1 tuổi cầm tay nhau chạy chơi, làm quen với các bạn, anh Lê Mạnh Hùng (40 tuổi) và chị Nguyễn Thị Diễm Chi (38 tuổi, ở Phú Yên) luôn mỉm cười. Lau vội mồ hôi, anh lắc đầu “cực lắm, chạy nhảy tối ngày”. Nhưng để có được cảm giác đó, vợ chồng anh đã trải qua 12 năm tìm kiếm.
Nhớ lại hành trình tìm con dài đằng đẵng, chị Chi chia sẻ: “Ban đầu tôi nghĩ có chồng thì sẽ có con, ai cũng vậy. Nhưng một thời gian sau khi cưới, hai vợ chồng bắt đầu chờ đợi, hy vọng.
Đợi mãi không thấy, chúng tôi lo lắng, căng thẳng. Tuy hai bên gia đình không tạo áp lực, nhưng tôi rất khao khát có con. Nhưng 12 năm vẫn… im ru. Đi khám nhiều nơi, bác sĩ nói hiếm muộn không rõ nguyên nhân, tôi chết lặng”.
Anh chị loay hoay mãi cho đến khi biết đến khoa Hiếm muộn của Bệnh viện Hùng Vương, cả hai vào Sài Gòn điều trị. Bác sĩ tư vấn về phương pháp IVF, anh chị đồng ý ngay. Hơn một năm vào ra bệnh viện, khoảnh khắc hạnh phúc vỡ òa khi anh chị đón nhận hai bé gái từ bác sĩ. Nay Gà chị, Gà em đã hơn 1 tuổi, cứ ríu rít suốt khiến không khí gia đình lúc nào cũng vui như Tết.
|
Gà chị, Gà em luôn ríu rít khiến không khí trong nhà lúc nào cũng vui như tết |
Bắt xe từ 22g hôm qua để kịp đến TP.HCM, chị Nguyễn Thị Thu (34 tuổi, ở xã Hòa Bắc, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng) cho biết, chị muốn tham gia lễ kỷ niệm để chia sẻ về trường hợp của mình cho những cặp vợ chồng đang tìm con có được hạnh phúc như mình.
Chị Thu kể, vợ chồng chị cưới nhau 7 năm vẫn chưa được mụn con nào. Năm 2012, chị và chồng đến một bệnh viện tại TP.HCM để tìm hiểu nguyên nhân. Bác sĩ chẩn đoán anh Phạm Văn Tam (45 tuổi, chồng chị Thu) bị tinh trùng yếu, tắc ống dẫn tinh, muốn có con phải thực hiện phương pháp IVF.
“Không đủ tiền để làm IVF, hai vợ chồng tôi trở về nhà. Hai năm sau, khi dành dụm đủ tiền, chúng tôi quay trở lại bệnh viện “tìm con”. Không ngờ, khi khám bệnh, bác sĩ lại phát hiện tôi bị suy giảm buồng trứng nặng, không đáp ứng thuốc điều trị”, chị Thu chia sẻ.
Không tin vào kết quả này, chị Thu tiếp tục đến khoa Hiếm muộn của Bệnh viện Hùng Vương khám lại, kết quả chị không thể có con. Chị bật khóc, cầu xin bác sĩ chữa trị cho mình.
Trong giây phút tuyệt vọng, bác sĩ tư vấn chị xin trứng từ em gái ruột. Bác sĩ sẽ thực hiện IVF với trứng của em gái chị Thu cùng tinh trùng của anh Tam, rồi chuyển phôi để chị Thu mang thai.
|
Chị Thu đặt tên cho con là Phước Lộc với ý nghĩa có phước nên được lộc trời |
Được em gái đồng ý, hy vọng lại nhem nhóm trong lòng người phụ nữ. Chị vui đến mức không làm được việc gì. Hình ảnh con trẻ ám ảnh, đeo đuổi chị vào cả giấc ngủ. Mỗi khi thấy đứa trẻ hàng xóm chị lại mỉm cười, rồi ước cũng có một đứa con lanh lẹ như vậy.
Năm 2014, em gái ruột cùng vợ chồng chị Thu đến Bệnh viện Hùng Vương để thực hiện IVF. Trái với niềm mong mỏi của chị Thu, IVF liên tiếp gặp thất bại.
Chị nhớ lại: “Tuyệt vọng, tôi cứ nghĩ sẽ không bao giờ được làm mẹ, bởi lúc đó tôi chỉ còn 1 phôi cuối cùng, nếu không được, nghĩa là cuộc chiến dừng lại. Tôi đến bệnh viện chuyển phôi theo quán tính cùng nỗi tuyệt vọng”.
Thế rồi, cuộc chiến dừng lại khi bác sĩ nắm chặt tay chị, thông báo đã có tim thai. Nước mắt rơi, chị lẩm bẩm: “Bác sĩ đừng lừa em”, buộc bác sĩ phải nói đi nói lại “Thu ơi, chị có thai rồi, đó là sự thật”.
“Ngày sinh con trai, tôi như sống lại. Bé Phạm Phước Lộc không chỉ là mong mỏi của riêng tôi. Tôi và chồng neo đơn lắm, nên cả xóm làng ai cũng đến chúc mừng. Ai cũng cười nói rộn ràng, đó là thời khắc tôi không thể nào quên”, chị Thu nói thêm.
Chia sẻ về con gái của mình, chị Huỳnh Thị Thanh Tâm (ở TP.HCM) không khỏi xúc động, nước mắt liên tục rơi, chị không nói thành lời về chặng đường tìm con của mình.
|
Bé Quỳnh Hương, 2 tuổi (ở Đồng Nai) kháu khỉnh, hiếu động |
Chị Tâm chia sẻ, do làm biên tập viên, rất nhiều lần chị đến Bệnh viện Hùng Vương thực hiện phóng sự về hiếm muộn với mong muốn những gia đình chưa tìm được con đừng mất hy vọng.
“Tôi không ngờ, một ngày, chính tôi cũng rơi vào trường hợp tương tự. Mấy năm trước tôi bị u nang buồng trứng, nên rất khó có con. Chờ mãi không thấy con đâu, tôi cùng chồng đến bệnh viện khám, kết quả cả hai đều bị hiếm muộn.
May mắn, tôi được tiến sĩ - bác sĩ Hoàng Thị Diễm Tuyết – Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương - khám bệnh và điều trị. Hôm nay, tôi đến cùng con gái của mình và chờ đợi một em bé nữa sắp chào đời. Đó là niềm hạnh phúc không thể nào diễn tả được”.
Đừng bao giờ từ bỏ
15 năm trôi qua, nhưng các bác sĩ tại khoa Hiếm muộn của Bệnh viện Hùng Vương vẫn nhớ như in từng bệnh nhân của mình, bởi mỗi cặp vợ chồng đến đây đều có một hoàn cảnh rất đặc biệt.
Như câu chuyện của vợ chồng chị Nguyễn Thị Mai (sinh năm 1986) và anh Nguyễn Ngọc Bá (sinh năm 1985, ở Tân Uyên, Bình Dương) đã qua 5 năm vẫn thường được các bác sĩ trong khoa Hiếm muộn nhắc đến.
|
Vợ chồng anh Thành hạnh phúc cùng hai con sinh đôi một trai, một gái |
Năm 2011, chị Mai mang thai sau một năm kết hôn. Tuy nhiên chị bị nhau tiền đạo, ca sinh khó nên em bé tử vong sau hai ngày chào đời. Sau đó, hai vợ chồng chị chờ mãi vẫn không có thêm con.
Đi khám nhiều nơi, các bác sĩ đều bất ngờ khi sức khỏe anh chị đều bình thường, nhưng làm mọi cách, kể cả thụ tinh nhân tạo vẫn không thành công khiến anh chị rất buồn khổ.
Quá mệt mỏi và sợ hãi với cảm giác hy vọng rồi đau đớn, chị Mai từ bỏ, không đến bệnh viện thăm khám nữa. Thế nhưng, ánh sáng lại lóe lên cuối đường hầm khi một người bạn của Mai giới thiệu chị đến với khoa Hiếm muộn của Bệnh viện Hùng Vương. Chị lại có niềm tin mãnh liệt, để rồi vỡ òa khi các bác sĩ trao cho anh chị hai bé gái song sinh.
Để hôm nay chứng kiến những niềm hạnh phúc rạng ngời của các gia đình, hơn 10 năm trước, các y, bác sĩ của khoa Hiếm muộn từng chứng kiến có những cặp vợ chồng phải bán đất, bán nhà để làm IVF; có bệnh nhân không đủ tiền để chích thuốc nên tự động bỏ liều, khóc rấm rứt vì nghĩ không còn hy vọng, biết tin, các bác sĩ của khoa đã cùng nhau gom góp tiền cho bệnh nhân mua đủ một liều thuốc để không gián đoạn việc điều trị.
|
Đã có hơn 1.000 em bé được sinh ra tại Bệnh viện Hùng Vương, từ phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm |
Bác sĩ CKII Lý Thái Lộc – Trưởng khoa Hiếm muộn, Bệnh viện Hùng Vương - cho biết từ khi thành lập đến nay, khoa đã thực hiện kỹ thuật IVF cho rất nhiều ca vô sinh, hiếm muộn.
Ngoài bệnh nhân tại TP.HCM và các tỉnh lân cận, khoa Hiếm muộn còn điều trị cho nhiều bệnh nhân là người ngoại quốc, thất bại ở nhiều nơi hoặc có kèm theo bệnh lý. Đến nay đã có hơn 1.000 em bé chào đời tại bệnh viện này bằng phương pháp IVF.
Chia sẻ với hơn 100 cặp vợ chồng hiếm muộn thành công trên con đường tìm con đến dự Lễ kỷ niệm 15 năm thành lập IVF Hùng Vương, TS.BS Hoàng Thị Diễm Tuyết – Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương - gửi gắm thông điệp đến những gia đình hiếm muộn đang chật vật khác rằng: "Tiếng cười trẻ thơ luôn mang lại niềm hạnh phúc, gắn kết của mọi gia đình. Tuy nhiên, có nhiều cặp vợ chồng sẽ gặp gian nan trên con đường tìm con, nhưng xin đừng bao giờ từ bỏ".
Phạm An