Đôi vợ chồng quanh năm làm việc thiện

22/02/2025 - 06:22

PNO - Trong 2 năm 2023 và 2024, tại TPHCM, trên lễ đài tuyên dương những tấm gương học và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác luôn có đôi vợ chồng anh Phạm Thanh Tòng và chị Nguyễn Thị Lệ Hằng, ở quận 4.

Trong 3 năm qua, gia đình anh Tòng đã hỗ trợ hơn 65.000 suất cơm chay và hơn 150 xe rau củ quả cho những phiên chợ 0 đồng tại phường 8 và phường 16, quận 4, chưa tính đến những việc thầm lặng khác mà họ đã giúp cho cuộc đời này. Một buổi sáng cuối tuần đầu năm mới, tại quán Ốc Vũ (534Q Vĩnh Khánh, phường 8, quận 4), rộn tiếng nói cười của các thành viên câu lạc bộ dưỡng sinh.

Họ đến phụ chế biến 350 phần cháo chay để trao cho mọi người. Một lát sau, anh Tòng đến, vẫy tay chào mọi người rồi ngó nghiêng từng góc bếp. Sau đó anh lại phóng xe máy qua đường Xóm Chiếu, ghé vào điểm sinh hoạt cộng đồng phường 16 để kiểm tra tiến độ chuẩn bị 350 phần cơm chiên chay. Ở cả 2 nơi, anh Tòng và các nhà hảo tâm còn trao rau củ, thực phẩm miễn phí cho bà con nghèo.

Bếp ăn “Chia sẻ yêu thương” tại 534Q Vĩnh Khánh, phường 8, quận 4
Bếp ăn “Chia sẻ yêu thương” tại 534Q Vĩnh Khánh, phường 8, quận 4

Thấy mọi thứ đã tươm tất, anh Tòng nói: “Không phải không tin tưởng các anh chị em, cô chú. Đã 3 năm hoạt động, ai nấy đều giỏi giang lắm rồi. Nhưng cứ phải nhìn ngó mới yên tâm”.

Về chuyện lập bếp ăn, anh Tòng chia sẻ: “Khu Tôn Đản, quận 4 trước đây là địa danh nhiều người e ngại bởi đủ thứ tệ nạn. Tuổi thơ tôi gắn với con hẻm 242 Tôn Đản này, nên mọi khó khăn, cả mặt trái của cuộc sống, tôi đều nhìn thấy được. Giữa những xô bồ, ồn ã đó, ba má tôi luôn hướng 3 anh em tôi sống khác đi. Tôi là anh lớn, phải làm gương cho các em. Khi còn nhỏ tôi đã muốn thoát cảnh sống đó”.

Mùa dịch COVID-19, khi lập bếp cơm để tiếp sức tuyến đầu chống dịch, anh Tòng không ngại ngần giao cho anh Tý 84 - từng là dân anh chị một thời ở hẻm 84 Tôn Đản - đứng bếp. Thấy vậy, nhiều người ngạc nhiên. Nhưng anh cười xòa: “Ổng sẽ làm tốt!”.

Đến khi những phần cơm chất lượng chuyển đến tay người dùng tại các khu cách ly thì mọi người mới công nhận anh Tòng giao đúng người. Sau mùa dịch, anh Tòng đã hỗ trợ vợ chồng anh Tý mở quán cơm ngay đầu hẻm (sau này là thức ăn nhanh) để làm ăn lương thiện.

Không chỉ với gia đình anh Tý 84, vợ chồng anh Tòng còn âm thầm hỗ trợ nhiều gia đình khó khăn khác. Cụ bà Nguyễn Thị Bé, 90 tuổi, rưng rưng: “Không có cậu Hai Tòng thì tôi chết rồi!”.

Cụ Bé được anh Tòng giúp đỡ hơn 2 năm qua. Biết cụ không gia đình, con cái, anh Tòng đã can thiệp để chủ nhà trọ cho cụ được giảm giá ở trọ, sau đó là miễn phí, với lời hứa: anh sẽ cùng các nhà hảo tâm sát cánh với chủ nhà trọ lo cho bà cụ lúc đau yếu cũng như khi khỏe mạnh.

Anh Trần Thành Đạt - cán bộ Ủy ban MTTQ Việt Nam phường 8 - thông tin: “Ngoài 2 bếp cơm, mỗi tháng nấu 2 lần, mỗi lần mỗi bếp nấu 350 suất, thì ai khó khăn anh Tòng cũng giúp. Ảnh là biểu tượng của lòng nhân ái!”.

Vợ chồng anh Phạm Thanh Tòng và chị Nguyễn Thị Lệ Hằng được tuyên dương gương gia đình làm việc tốt
Vợ chồng anh Phạm Thanh Tòng và chị Nguyễn Thị Lệ Hằng được tuyên dương gương gia đình làm việc tốt

Làm nhiều việc thiện nguyện, niềm vui của vợ chồng anh Tòng chính là những người từng nhận sự giúp đỡ, nhận cơm từ thiện, quay lại góp cho bếp cơm bằng công sức hoặc vài túi hạt nêm, vài chai nước chấm, dầu ăn. Nhiều sinh viên được bếp ăn của anh Tòng cưu mang trong những ngày cơ cực, sau khi ra trường đã quay lại phụ giúp bếp.

Tôi nhẩm tính chi phí cho 2 bếp ăn mỗi tháng khoảng 6 triệu đồng, chưa tính phần rau củ quả và 2 xe rau củ phục vụ cho phiên chợ 0 đồng, tổng chi cho 3 năm qua sẽ là rất lớn. Anh Tòng bật cười: “Nếu tính thì phải tính cả sự chung tay của các cô chú cán bộ hưu trí, cựu chiến binh, các chị em hội viên phụ nữ, đoàn viên thanh niên tình nguyện”.

Chị Nguyễn Thị Lệ Hằng - vợ anh Tòng - là người mà người dân quận 4 hầu như ai cũng biết. Chị là Phó giám đốc Bệnh viện quận 4, là người đứng sau chồng trong các hoạt động thiện nguyện. Chị cũng là người tích cực vận động, tổ chức “Câu lạc bộ bệnh nhân đái tháo đường” tại Bệnh viện quận 4 nhằm hỗ trợ, tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích, thiết thực cho người bệnh.

Nói về vợ, anh Tòng kể, năm 1999, là Trưởng phòng Tổ chức hành chính Công ty Xuất nhập khẩu Khánh Hội, anh đã tuyển nữ bác sĩ mới ra trường Nguyễn Thị Lệ Hằng vào phụ trách trạm y tế của công ty có hơn 4.000 công nhân. Năm 2003 họ thành chồng vợ. Do không có con, anh chị nhận nuôi đứa cháu con người chị ruột của chị Hằng đã qua đời. Lớn lên trong vòng tay yêu thương của anh chị, con gái giờ đây đã là 1 kiến trúc sư, có công việc, thu nhập ổn định và lại cùng sát cánh với ba mẹ trong các hoạt động cộng đồng.

Anh Phạm Thanh Tòng sinh năm 1970, từng làm công tác thanh niên ở phường 8 rồi Quận đoàn 4. Năm 1999, anh chuyển về Công ty Xuất nhập khẩu Khánh Hội và gắn bó với các hoạt động thiện nguyện của địa phương.

Diễm Chi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI