Đôi vợ chồng đạp xe vượt 17.000km, từ Na Uy đến Việt Nam

24/12/2020 - 19:06

PNO - 17.000km, 13 quốc gia là tất cả hành trình của đôi vợ chồng người Argentina khi đạp xe xuyên châu lục từ Na Uy đến Việt Nam.

Không thay chiếc lốp nào suốt 17.000km

Sau nhiều năm mơ ước về một chuyến đi vòng quanh thế giới bằng xe đạp, Lucia (31 tuổi) và Alfi  (29 tuổi), người Argentina đã quyết định thực hiện ý tưởng đó vào tháng 5/2019. Kế hoạch của đôi vợ chồng này là đạp xe từ Na Uy, xuyên châu Âu và tiến về châu Á.

Hành trang cho chuyến đi của hai vợ chồng Lucia và Alfi là hai chiếc xe đạp cùng 105kg hành lý
Hành trang cho chuyến đi của vợ chồng Lucia và Alfi là hai chiếc xe đạp cùng 105kg hành lý

“Chúng tôi quyết định từ bỏ những tiện nghi của cuộc sống để thực hiện ước mơ của mình. Không có điểm cuối hay mục tiêu nhất định cho chuyến đi này, chúng tôi chỉ đạp xe để khám phá, trải nghiệm các nền văn hóa và học hỏi nhiều hơn mỗi ngày”, Lucia chia sẻ.

Theo cô, xe đạp ngoài nhỏ gọn, nó còn mang lại cảm giác độc lập khi di chuyển. Bên cạnh đó, tốc độ khi đi xe đạp là vừa đủ để thưởng thức cảnh đẹp xung quanh. Hay nói cách khác, ở trạng thái di chuyển vừa đủ ấy, con người ta đủ chậm để nhận ra sự chảy trôi của không gian nhưng cũng hiểu rõ đôi chân đang tiến về phía trước, chạy đua với thời gian.

Trước khi hành trình Âu - Á bắt đầu, họ từng đạp xe vòng quanh Argentina và một vài quốc gia ở Nam Mỹ. Tuy chỉ là những chuyến đi ngắn nhưng mỗi hành trình lên đến vài trăm, thậm chí vài ngàn kilomet.

Vì hành trình dài và di chuyển bằng xe đạp nên hành lý của đôi vợ chồng luôn ít nhất có thể. 105kg hành lý cho chuyến đi ấy là những vật dụng thiết yếu như lều trại, dụng cụ nấu ăn, quần áo, thuốc men và một vài thiết bị điện.

Trong suốt hành trình 17.000km từ Na Uy đến Việt Nam, xe đạp của Lucia không thay chiếc lốp nào. Với cô, chiếc xe đạp ấy mạnh mẽ đến kinh ngạc. Để trang trải cho chuyến đi, Lucia và chồng đã sử dụng số tiền tiết kiệm của cả hai trong những năm tháng làm việc vất vả. Bên cạnh đó, dù đạp xe liên lục địa, cô vẫn làm việc online để duy trì nguồn thu nhập.

Nỗi khổ COVID-19

Từ Argentina, vợ chồng Lucia bay đến Oslo (Na Uy) để bắt đầu chuyến du ngoạn của mình. Hành trình đi qua 13 nước, bắt đầu từ Na Uy, Đan Mạch đến Đức, Ba Lan, Litva, Belarus.

“Đạp xe ở châu Âu thực sự thoải mái và dễ dàng. Người đi xe đạp được tạo nhiều điều kiện như: đường riêng dành cho xe đạp, nhà vệ sinh và các địa điểm cắm trại. Chẳng có bất kỳ sự nguy hiểm nào ở đây”, Lucia chia sẻ.

Hành trình tại đảo Olkhon, Siberia
Hành trình tại đảo Olkhon, Siberia

Cô cho rằng, đó là những điều kiện hoàn hảo cho một chuyến đi. Việc bắt đầu một cách thuận lợi như vậy khiến cả hai vô cùng phấn khích.

Đạp xe xuyên châu Âu, Lucia cho biết, con người nơi đây rất dễ mến. Họ ôm và trao cho đôi vợ chồng những cái hôn nồng nhiệt. Chỉ có những khu vực hẻo lánh mới khiến họ cảm thấy xa lạ.

Rời châu Âu, cả hai đạp xe xuyên vùng Siberia rộng lớn của Nga, xuống Mông Cổ, Trung Quốc rồi sang Hàn Quốc, Nhật Bản. Kế hoạch ban đầu của cặp vợ chồng là sau khi trở lại Trung Quốc từ Nhật Bản, cả hai sẽ tiến về Việt Nam. Tuy nhiên, vì sự bùng phát của dịch COVID-19 nên cả hai đã quyết định thay đổi kế hoạch.

“Chúng tôi cảm thấy được chào đón ở châu Á cho đến khi dịch bệnh xảy ra. Đầu tháng Một năm nay, khi đang ở phía nam Trung Quốc, dịch bệnh bùng phát, chúng tôi vô cùng sợ hãi. Chúng tôi không tìm được khách sạn, nhà hàng hoặc chợ. Thậm chí có một vài ngày chúng tôi không có gì để ăn. Thật khủng khiếp. Tuy nhiên, cả hai đều hiểu và tôn trọng điều đó. Vì vậy, một chuyến bay đến Thái Lan trong thời điểm ấy là lựa chọn thích hợp hơn”, cô chia sẻ.

Đạp xe ở Vạn lý trường thành, Trung Quốc
Đạp xe ở Vạn Lý Trường Thành, Trung Quốc

Dù bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, đôi vợ chồng trẻ vẫn cuồng nhiệt với hành trình của mình. Mỗi vùng đất là những trải nghiệm vô cùng thú vị. Mông Cổ, Trung Quốc, Hàn Quốc hay Nhật Bản đều có thể dễ dàng nhận biết qua trang phục truyền thống của họ. Bên cạnh đó, người Trung Quốc được họ đánh giá là thân thiện, trong khi người Nhật Bản lại rất thận trọng và khá nghiêm khắc.

Kể về kỷ niệm đáng nhớ nhất của chuyến đi, Lucia cho rằng đó là lần hư xe ở Nhật Bản. “Bánh xe của chồng tôi bị nứt và không còn cơ hội để sửa. Lang thang khắp các con phố, chồng tôi không thể tìm ra chiếc lốp phù hợp với xe của mình. Có một cửa hàng nọ có loại lốp ấy nhưng quá đắt so với túi tiền nên chúng tôi tiếp tục tìm kiếm.

May mắn, đang dạo quanh Tokyo, chúng tôi phát hiện một chiếc xe hư có bánh sau rất phù hợp. Thế là chúng tôi xin và lắp nó. Hành trình cứ thế mà tiếp tục”, cô kể.

Phải lòng Việt Nam

Sau chuyến bay đến Thái Lan và đạp xe trên xứ sở chùa vàng, cả Lucia và Alfi quyết định sang Việt Nam. Lucia bảo họ đã vô cùng may mắn khi đến được Việt Nam trước khi chính phủ tạm dừng cấp thị thực cho người nước ngoài nhập cảnh, vì mục tiêu phòng dịch.

“Ở Việt Nam, vì dịch bệnh nên mọi người hạn chế đi lại, biên giới thì đóng cửa nên chẳng vội vàng, chúng tôi quyết định tìm về những vùng vắng vẻ, không có nhiều người sinh sống. Và quả thật, đất nước của các bạn thật tuyệt vời”, cô chia sẻ.

Dừng chân tại Hà Giang, Việt Nam
Dừng chân tại Hà Giang, Việt Nam

Trừ quốc lộ bắt buộc phải đi qua, cả hai đều chọn những cung đường ít dân cư nhất có thể. Với Lucia và Alfi, những con đường đèo hùng vĩ của vùng núi phía bắc khiến họ vô cùng ấn tượng. Khi đến những bản làng của đồng bào thiểu số, với cả hai, đó là trải nghiệm tuyệt vời.

Dấu mốc 15.000km của vợ chồng Lucia và Alfi gần Tuy Hòa (Phú Yên)
Dấu mốc 15.000km của vợ chồng Lucia và Alfi gần Tuy Hòa (Phú Yên)

“Ban đầu, chúng tôi bị một số người tránh né vì... COVID-19, nhưng chúng tôi hiểu và cố gắng cởi mở nhất có thể. Dần dần tôi và Alfi đã tạo được thiện cảm với mọi người và quen dần nhịp sống nơi đây”, cô kể.

Mắc kẹt ở Việt Nam từ tháng Ba và sau đó là hành trình đạp xe ba tháng xuyên Việt, cả Lucia và Alfi đều cho rằng, dải đất hình chữ S này đã và đang níu giữ họ.

Hiện tại, cả hai sống và dạy tiếng Anh cho trẻ em tại một ngôi làng nhỏ ở Chơn Thành (Bình Phước). Chính sự hồn nhiên và ham học hỏi của các em đã giúp họ thoải mái hơn sau những tháng ngày bấp bênh với COVID-19.

“Cuộc sống ở đây chậm rãi nhưng nếu cần, chúng tôi có thể đạp xe về TPHCM. Tôi thích một giấc ngủ trưa ngắn, một bữa tối sớm ở vùng quê này. Tôi vui vì mình đã trở thành một phần của thị trấn”.

Như bao người nước ngoài khác, Lucia và chồng đều mê phở, bánh mì và cơm tấm của Việt Nam. Đặc biệt, Lucia thích uống bạc xỉu nhiều sữa, ít cà phê.

Nhìn lại hành trình 17.000km từ Na Uy đến Việt Nam của mình, Lucia cho rằng đó là một trong những dấu ấn đẹp nhất trong cuộc đời của cô. Ngoài việc được truyền cảm hứng từ những người đi trước, Lucia và Alfi cho rằng hành trình của họ tiếp "lửa" cho nhiều người, đặc biệt là cộng đồng yêu xe đạp và thích đi du lịch.

Đến hiện tại, hành trình đạp xe xuyên lục địa là một trong những dấu mốc cuộc đời của hai vợ chồng đến từ Argentina
Đến hiện tại, hành trình đạp xe xuyên lục địa là một trong những dấu mốc cuộc đời của hai vợ chồng đến từ Argentina

Sắp tới, kế hoạch của vợ chồng Lucia là đạp xe đến Ấn Độ. Họ hy vọng tình hình khả quan để tiếp tục đạp xe và khám phá những chân trời mới vì ngay từ lúc bắt đầu, hành trình này không có điểm dừng.

Và một lần nữa, Lucia cảm thấy biết ơn vì đã đến được Việt Nam trong thời điểm này. Cảm ơn Việt Nam vì phong cảnh và con người quá tuyệt vời!

“Tôi rất ngưỡng mộ các bạn, đặc biệt là ý thức cộng đồng khi xảy ra dịch bệnh. Tôi muốn cảm ơn các bạn vì đã cho tôi và chồng của tôi được trở thành một phần đất nước các bạn trong thời gian qua”, cô bộc bạch.

Tấn Đồng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI