Đối tượng xâm hại trẻ em chủ yếu là người thân thích, ruột thịt, người quen

06/12/2019 - 17:12

PNO - Đó là nội dung trong báo cáo của Đoàn giám sát Quốc hội về "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em", được Ủy ban thường vụ Quốc hội báo cáo trong phiên họp thứ hai diễn ra ngày 6/12.

Ngày 6/12, đoàn giám sát tối cao của Quốc hội về chuyên đề "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em" đã họp phiên thứ 2, nghe 3 đoàn giám sát thành phần báo cáo kết quả bước đầu.

Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu – Trưởng Đoàn giám sát chủ trì phiên họp. Tham dự phiên họp có Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga – Phó trưởng Đoàn thường trực Đoàn giám sát; Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải – Phó trưởng Đoàn giám sát; Chủ tịch Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà cùng các thành viên Đoàn giám sát, đại diện các cơ quan, ban ngành hữu quan.

Doi tuong xam hai tre em chu yeu la nguoi than thich, ruot thit, nguoi quen
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu chủ trì phiên họp của Đoàn giám sát

 Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, trong thời gian qua, Đoàn giám sát đã thành lập 3 Đoàn công tác đi giám sát tại 17 địa phương, làm việc tại các trung tâm bảo trợ, cơ sở giáo dục, trường học, trường giáo dưỡng và với lãnh đạo các xã phường, quận huyện, tỉnh thành.

Trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thanh Hải - trưởng Đoàn công tác số 1 cho biết, qua giám sát tại các thành phố Hà Nội, Hải Phòng; các tỉnh Hòa Bình, Bắc Giang, Thái Bình, Quảng Ninh nổi lên một số vấn đề như tình hình xâm hại trẻ em có chiều hướng gia tăng và diễn biến phức tạp, nghiêm trọng. 

"Đối tượng xâm hại trẻ em chủ yếu là người thân thích, ruột thịt, người quen, những người có trách nhiệm chăm sóc, giáo dục các em. Trong khi đó, tại hầu hết các địa phương chưa ban hành kế hoạch triển khai thi hành Luật Trẻ em theo quy định, rất ít địa phương ban hành văn bản chuyên biệt về phòng, chống xâm hại trẻ em", bà Hải cho biết.

Qua giám sát cũng cho thấy tình hình xâm hại trẻ em diễn biến phức tạp, nghiêm trọng, có chiều hướng gia tăng so với giai đoạn 2011-2015. Riêng TP.Hà Nội, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2019, số trẻ em bị xâm hại tăng đột biến (272 trẻ, chiếm 41% số trẻ em bị xâm hại trong cả giai đoạn 2015-2019).

Điều đáng nói, tại 6 tỉnh, thành mà Đoàn giám sát số 1 giám sát, có 1.197 trẻ em bị xâm hại, tỉ lệ trẻ em bị xâm hại tình dục chiếm tới 50-70% số trẻ bị xâm hại. Đối tượng xâm hại tình dục trẻ em thuộc đủ thành phần, từ người thân trong gia đình, giáo viên, tổ trưởng dân số, bí thư đoàn, bí thư chi bộ, cán bộ công an…

Doi tuong xam hai tre em chu yeu la nguoi than thich, ruot thit, nguoi quen
Toàn cảnh phiên họp

Đồng tình với đánh giá chung nêu trên, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga - trưởng đoàn giám sát số 2 - cho biết thêm, qua giám sát tại các tỉnh Nghệ An, Lào Cai, Phú Thọ, Lạng Sơn, Đắk Lắk và TP.Đà Nẵng cho thấy giai đoạn 2015-2019 chính quyền địa phương đã quan tâm hơn đến công tác bảo vệ trẻ em, chăm sóc và giáo dục trẻ em trong đó có phòng, chống xâm hại trẻ em.

Tuy nhiên, công tác thống kê số liệu về trẻ em hầu như chưa được thực hiện thường xuyên, chặt chẽ, dẫn tới tình trạng có địa phương không thống kê và đánh giá được tình hình. Qua giám sát cho thấy, tại TP.Đà Nẵng và 5 tỉnh miền núi, nhóm trẻ có nguy cơ bị xâm hại cao gồm: trẻ trong độ tuổi đi học nhưng không được đến trường, trẻ có cha mẹ ly hôn, trẻ có hoàn cảnh đặc biệt. 

Bà Nga khẳng định hậu quả do các hành vi xâm hại gây ra là rất nghiêm trọng, nặng nề cả thể chất và tinh thần, nhiều trường hợp để lại di chứng lâu dài, trong đó có những trẻ em mang thai ngoài ý muốn, phải bỏ học, thậm chí có trường hợp tử vong. Đáng nói, nhiều vụ việc diễn ra trong thời gian dài mới bị phát hiện.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị Đoàn giám sát cần có trao đổi, làm rõ với Chính phủ, các bộ, ngành trước thực tế ở hầu hết các địa phương chưa nhận thức đầy đủ về trách nhiệm phòng, chống xâm hại trẻ em, chưa dành sự quan tâm đúng mức, chưa đầu tư thỏa đáng, tương xứng với tính chất, mức độ nghiêm trọng của tình trạng xâm hại trẻ em.

Ngoài ra cần làm rõ trách nhiệm chỉ đạo của Chính phủ, trách nhiệm hướng dẫn của các bộ, ngành, đoàn thể Trung ương đối với những hạn chế trong công tác ban hành và thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em của UBND và các sở, ban, ngành chức năng tại các địa phương.

An Vũ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI