Đổi tiếng cười ảo lấy hậu quả thật

22/01/2021 - 08:06

PNO - Coi bóng cười như một thú chơi để “thư giãn”, đổi lấy những tiếng cười ảo, nhiều bạn trẻ không ngờ phải gánh hậu quả về sức khỏe, thậm chí cả tính mạng.

Học sinh nhập viện sau hai năm hít bóng cười

Đang ở độ tuổi “bẻ gãy sừng trâu” nhưng T.H. - 15 tuổi, ở TP. Hà Nội - phải nằm điều trị tại Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai gần chục ngày nay. Gương mặt mệt mỏi, xung quanh chằng chịt các ống dây chuyền, cậu học sinh lớp 11 trông già hơn độ tuổi của mình. Trước đó, khi vừa kết thúc kỳ thi học kỳ I, H. bắt đầu mệt mỏi và xuất hiện những triệu chứng bủn rủn, yếu ớt tay chân. Cảm giác này ngày càng tăng lên, dẫn tới tình trạng tê bì. Mỗi lần di chuyển, H. phải nhờ sự trợ giúp của người nhà vì không thể đứng vững.

Nhận thấy những triệu chứng bất thường, do đọc thông tin trên báo đài, H. lờ mờ đoán ra mình bị ngộ độc khí cười, mặc dù lần dùng gần nhất của em cách đây nửa năm. “Em bắt đầu hút bóng cười cách đây hai năm để thư giãn cùng bạn bè. Bọn em thường tụ tập chơi bóng mỗi tuần hoặc mỗi tháng một lần. Ban đầu, em hút từ 1-2 quả, rồi dần tăng liều lên 10 quả/lần” - H. kể. 

Nam sinh tại TP.Hà Nội nhập viện sau hai năm hít bóng cười
Nam sinh tại TP.Hà Nội nhập viện sau hai năm hít bóng cười

H. kể, sau mỗi lần dùng, H. có cảm giác vui vẻ, thư giãn và cơn “phê” kéo dài khoảng 5 giây. Do sau vài lần dùng, thấy cơ thể vẫn khỏe mạnh, bình thường nên em cùng bạn bè vẫn coi bóng cười như một trò giải trí bình thường, không nguy hiểm. Thậm chí, ngay cả khi nhập viện, H. vẫn nghĩ rằng, những biến chứng mà mình gặp không phải do bóng cười mà do loại khí bị pha chế, dính tạp chất...

Tuy nhiên, theo tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai - H. có những biểu hiện đặc trưng của người ngộ độc khí N2O. Hình ảnh chụp cắt lớp MRI cho thấy, cột sống cổ tổn thương chất trắng, là nguyên nhân dẫn tới hiện tượng yếu, tê bì chân tay. Giống như heroin, N2O gây tổn thương hệ thần kinh, từ não xuống tủy sống, đặc biệt là tủy sống cổ và ngực. “Tình trạng nhẹ thì có biểu hiện tay chân buồn bực như bị kiến bò, nặng thì mất cảm giác, yếu, thậm chí liệt chi và dẫn tới tử vong. Ngoài ra, còn có những bệnh nhân bị liệt cơ thở gây khó thở hoặc rối loạn, gây thiếu máu nghiêm trọng” - bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên phân tích.

Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên cũng cho biết, dù liên tục thông tin về tác hại của khí N2O trong những năm qua nhưng tới nay, đơn vị này vẫn tiếp nhận mỗi tháng 5-7 trường hợp nhập viện do ngộ độc bóng cười. Hầu hết nạn nhân là những người trên dưới 20 tuổi và xem bóng cười như một thú tiêu khiển vô hại.

Càng tăng liều càng nguy hiểm

Thời gian gần đây, sau khi Bộ trưởng Bộ Y tế có văn bản đồng ý với ý kiến của UBND TP. Hà Nội về việc cấm sử dụng bóng cười trong các hoạt động giải trí, lực lượng chức năng đã kiểm tra và xử lý nhiều cơ sở kinh doanh bóng cười. Tuy nhiên, hoạt động mua bán khí N2O vẫn diễn ra sôi động trên mạng xã hội. 

T.H. cho biết, em và những người bạn không ra quán mà thường đặt mua các bình khí N20 về nhà để chơi: “Trên mạng bán rất nhiều, mỗi bình N2O loại 5kg có giá gần 1,5 triệu đồng, dùng được khoảng 40 quả. Nếu lần đầu mua, phải đặt tiền cọc bình thì mức giá hơn 3 triệu đồng”. Theo H., việc mua khí N2O vô cùng dễ dàng, có hàng ngay chỉ sau một cuộc điện thoại.

Trên Facebook, chỉ cần tìm từ khóa “bóng cười” hay “khí N20”, sẽ hiện nhiều địa chỉ kinh doanh, cam kết ship tận nhà và đảm bảo hàng đã được kiểm nghiệm, an tâm về chất lượng. Trong vai một người chơi, chúng tôi gọi điện cho một chủ tài khoản quảng cáo bán N20 có tên K.V.P. Người này cho biết, chỉ vận chuyển trong tỉnh Hưng Yên và lân cận. Khi chúng tôi nói muốn lấy hàng về Văn Giang (tỉnh Hưng Yên), P. cho hay, mỗi bình 5kg N2O có giá 1,3 triệu đồng, người mua phải đặt thêm tiền cọc bình. 

“Nếu anh lấy cùng lúc 2-3 bình thì em chỉ tính giá 1 triệu đồng/bình và 200.000 đồng tiền ship. Hàng này em đã thử trực tiếp, hoàn toàn an toàn chất lượng” - P. nói.

Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên cho rằng, cần có những biện pháp kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ khí N2O. Ông dẫn chứng, tại Anh, khí N20 được đưa vào danh mục chất cấm như ma túy; tại Mỹ, chất này cũng không được phép sử dụng vào mục đích giải trí. Thực tế, tại Việt Nam, N2O được cấp phép để hỗ trợ gây mê trong phẫu thuật. Tuy nhiên, tại các bệnh viện, việc sử dụng loại khí này hiện còn rất ít. “Việc dùng N2O trong gây mê nếu có, cũng được chỉ đạo chặt chẽ về liều lượng. Mặt khác, việc phẫu thuật cũng không diễn ra thường xuyên như cách lạm dụng bóng cười vì mục đích giải trí. Do đó, việc gây độc hoàn toàn khác nhau” - bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên nhấn mạnh. 

Đặc biệt, theo bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, người sử dụng bóng cười luôn có xu hướng tăng liều và sau đó pha trộn, sử dụng các chất ma túy khác nhau. Tương tự, những người sử dụng ma túy cũng thường sử dụng bóng cười để tăng niềm vui trong các cuộc chơi của mình. Hành vi này sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng, bệnh nhân có thể ngộ độc nhiều loại chất, nguy hiểm tới tính mạng. 

Minh Quang
 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI