Đòi tiền cấp dưỡng nuôi con: Khó, nhưng vẫn phải làm!

12/08/2018 - 11:30

PNO - Giấu thu nhập để trốn cấp dưỡng là chuyện “muôn thuở” của những người cha, người mẹ vô trách nhiệm. Tuy nhiên, không phải không có cách "trị".

Chuyện đòi tiền cấp dưỡng cho con sau ly hôn xưa nay vẫn là chủ đề khiến nhiều người cảm thấy “đau đầu”. Thậm chí, nhiều chị em khi ra tòa đã chủ động thông báo không cần tiền trợ cấp nuôi con bởi lẽ họ biết trước việc chờ đợi chồng mình cư xử có trách nhiệm trong trường hợp này là rất khó. Phụ Nữ chia sẻ thêm những câu chuyện đa chiều để độc giả có thêm cái nhìn trực diện về chủ đề này. 

Đủ cách trốn thi hành án của những ông bố vô trách nhiệm

Sau khi tòa đưa ra phán quyết về vấn đề cấp dưỡng, nhiều ông bố hoàn toàn “phớt lờ” phán quyết của tòa cùng những yêu cầu từ phía vợ cũ. Khi ấy, các bà vợ có thể nhờ bộ phận thi hành án trợ giúp. Nhưng không phải lúc nào các nhân viên thi hành án cũng thành công trong việc này. Chị K.T., một cán bộ cơ quan thi hành án dân sự chia sẻ nhiều câu chuyện “dở khóc dở cười” khi chị đi thi hành quyết định thi hành án về nghĩa vụ đóng góp tiền cấp dưỡng từ các ông bố.   

Doi tien cap duong nuoi con: Kho, nhung van phai lam!
Ảnh minh họa

Sau khi ly hôn, vợ anh C. được tòa xử cho nuôi cả hai con theo nguyện vọng của vợ. Dựa theo nhu cầu của hai con cùng mức lương của anh C. tại công ty gạch men mà tòa xác minh được, anh C. có trách nhiệm cấp dưỡng nuôi con là 2 triệu đồng mỗi cháu, tổng là 4 triệu đồng mỗi tháng. Tuy nhiên suốt nửa năm sau khi ly hôn, anh vẫn không gửi cho vợ cũ đồng nào.

Khi đội thi hành án đến nhà, anh bảo do sức khỏe kém, anh đã xin nghỉ việc không lương vô thời hạn, không biết bao giờ mới đi làm lại. Theo vợ cũ của anh C., ngay sau khi tòa ra phán quyết, anh đã “lách luật” bằng cách chuyển sang làm nhân viên đứng xưởng thu gom tại một xưởng phế liệu rất lớn, thu nhập không hề thấp nhưng lại chẳng có giấy tờ gì chứng minh thu nhập để làm cơ sở thi hành án. 

Một trường hợp khác từng được đội thi hành án dân sự huyện L.T. xử lý là K.. Vợ cũ của K. cho biết, trong thời gian chung sống, K. ngoại tình công khai với một cô gái là nhân viên bán hàng tại cửa hàng của K. (K. là chủ một tiệm bán điện thoại). Nhiều lần K. về bắt vợ ký giấy ly hôn nhưng chị không đồng ý vì thương hai con  nhỏ. Lần đó, anh ta về năn nỉ chị và bảo sẽ cho chị nuôi cả hai con để các con không phải sống xa nhau. Anh ta còn hứa sẽ thường xuyên thăm các con và chu cấp cho các con 6 triệu mỗi tháng. Chị đồng ý vì thấy không thể giữ nổi chồng, vả lại cũng yên tâm là các con không phải chịu nhiều thiệt thòi. Khi ra tòa, anh ta vẫn hùng hồn khẳng định về trách nhiệm với con cái. 

Doi tien cap duong nuoi con: Kho, nhung van phai lam!
Nhiều ông bố tìm cách che giấu thu nhập để không có cơ sở thực hiện nghĩa vụ thi hành án (ảnh internet).

Vậy mà sau khi tòa đưa ra phán quyết đúng theo thỏa thuận của hai vợ chồng thì anh ta lại biệt tăm, chẳng những không đến thăm con mà tiền cũng chẳng thấy một đồng. Chị nhắn tin, gọi điện anh ta chặn số. Cực chẳng đã, chị phải nhờ tới bộ phận thi hành án. Nhưng khi tiếp xúc với cán bộ thi hành án, K. lại nhăn nhó kể khổ, bảo buôn bán cả năm nay khó khăn, bù lỗ đã mấy trăm triệu đồng, nếu cần xem giấy tờ thu chi K. sẵn sàng trình ra. Anh ta còn khẳng định ngay khi buôn bán có lãi sẽ chu cấp cho các con ngay. Vợ cũ của K. thì chia sẻ rằng anh ta vẫn lên facebook khoe đi du lịch đó đây với người yêu, nay mua nhẫn kim cương, mai tặng giày hiệu, túi hiệu cho cô nàng chứ chẳng hề khó khăn gì như anh ta nói.

Luật quy định rõ ràng nhưng vẫn còn “lỗ hổng”

Lý giải về những trường hợp gian nan đòi tiền cấp dưỡng cho con sau ly hôn, luật sư Huỳnh Minh Vũ (Đoàn luật sư TP. HCM) cho biết, việc giấu thu nhập để trốn cấp dưỡng là chuyện “muôn thuở” của những người cha, người mẹ vô trách nhiệm. 

Lý do họ có thể tìm ra cách đối phó với phán quyết của tòa là bởi việc thi hành án chỉ có thể diễn ra nếu như người có trách nhiệm cấp dưỡng có lương hoặc nguồn thu nhập cố định, có thể xác minh được, hoặc kinh doanh hay hùn vốn trong những cơ sở có giấy phép kinh doanh rõ ràng. Trường hợp lao động tự do hoặc buôn bán nhỏ lẻ, khó chứng minh thu nhập để làm cơ sở thi hành án thì việc thi hành án là rất khó khăn. 

Đó là lý do nhiều người sẵn sàng xin nghỉ việc hoặc đổi công việc khác nhằm “mập mờ hóa” nguồn thu nhập của mình để trốn việc cấp dưỡng. Khi người có trách nhiệm cấp dưỡng không có đủ điều kiện để thực hiện nghĩa vụ của mình thì việc thi hành án đương nhiên sẽ rơi vào bế tắc. 

Doi tien cap duong nuoi con: Kho, nhung van phai lam!
Việc đòi tiền cấp dưỡng nuôi con sau ly hôn gặp nhiều gian nan là do những người cha vô trách nhiệm với con mình (ảnh minh họa).

Đừng tự ái khi đòi tiền cấp dưỡng cho con 

Một “chiêu bài” khác mà không ít ông chồng dùng để “khích tướng” vợ mình khi ra tòa ly hôn là câu nói: “Cô đòi nuôi con sao còn đòi tôi cấp dưỡng? Có giỏi thì tự nuôi đi, đừng đòi tiền tôi. Không nuôi được thì để đó tôi nuôi!”. Nhiều người mẹ khi rơi vào hoàn cảnh này sẽ vì tự ái mà từ chối đòi tiền cấp dưỡng của chồng. Tuy nhiên, luật sư Huỳnh Minh Vũ phân tích, đây là việc làm không nên, bởi người chịu thiệt thòi chính là những đứa con, và việc cấp dưỡng nuôi con là nghĩa vụ không thể chối bỏ của người cha. 

Cũng theo luật sư Vũ, chị em khi ly hôn cần giúp tòa nắm được các nguồn thu nhập và tài sản của chồng cũng như các hướng để xác minh thu nhập. Đó sẽ là cơ sở để tòa dễ dàng đưa ra phán quyết về nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con đối với người cha. Về những vướng mắc trong khâu thi hành án khi gặp phải những chiêu đối phó kể trên, luật sư Vũ khẳng định, các cơ quan pháp luật sẽ xác minh triệt để về điều kiện thi hành án của người có nghĩa vụ cấp dưỡng. 

Đối với trường hợp có điều kiện nhưng không thực hiện nghĩa vụ sẽ bị cưỡng chế thi hành án như khấu trừ vào thu nhập, tịch thu tài sản… Trường hợp tìm cách “lách” việc thi hành án bằng cách che giấu thu nhập thực tế, khi bị phát hiện sẽ bị xử phạt hành chính hoặc nặng hơn là truy cứu trách nhiệm hình sự. 

Thảo Nguyên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI