Đời thương hồ trên sông nước miền Tây

10/04/2025 - 06:00

PNO - Ngày nay, những nghề mưu sinh trên sông như thợ rèn, bán tạp hóa không còn thịnh hành như trước. Tuy nhiên, dọc theo các nhánh sông, con rạch ở miền Tây, vẫn còn những người phụ nữ cùng chồng kiếm sống bằng nghề rày đây mai đó…

Lênh đênh sông nước

Cầm cây sào, chị Trần Thị Thúy Phượng khéo léo đưa ghe vào đúng bãi cỏ ở mé sông. Nơi đó, có người đang ngồi đợi để làm lại 2 cây dao cũ và rèn thêm con dao mới. Ghe vừa cặp bến, chị Phượng nhanh nhẹn hỏi chủ nhà kéo nhờ dây điện để bắt tay vào công việc.

3 tháng rồi, vợ chồng chị Phượng - anh Nhân đã rong ruổi qua hết vùng rừng U Minh Hạ và nhiều cánh đồng lúa chín ở huyện Trần Văn Thời (tỉnh Cà Mau). Bữa nay, anh chị trở lại vùng Khánh Hải, huyện Trần Văn Thời (tỉnh Cà Mau), bởi có tới mười mấy cuộc gọi của cô bác kêu xuống làm nông cụ cho kịp vụ mùa.

Chị Phượng cùng chồng tạo hình con dao
Chị Phượng cùng chồng tạo hình con dao

Sống đời “trôi dạt” từ miệt Hậu Giang xuống tới Cà Mau, mấy chục năm nay, từng khúc sông, từng tánh nết của khách hàng ven các con rạch đều được vợ chồng họ thuộc nằm lòng. Anh Nhân là thợ rèn ở xã Tân Bình, huyện Phụng Hiệp (tỉnh Hậu Giang). Nếu anh Nhân có thâm niên hơn 30 năm sống bằng nghề rèn thì chị Phượng cũng đã có gần 20 năm gắn bó với nghề, cùng chồng giữ lửa cho lò rèn không tắt.

Anh Nhân cho biết, nghề rèn trên ghe khó hơn trên bờ do phải bố trí vật dụng sao cho phù hợp, tiết kiệm diện tích… Nơi treo sản phẩm dao kéo phải tính đến độ xô của sóng nước để đặt trụ búa vào tâm ghe. Trụ búa có chắc thì đường búa nện xuống mới đủ lực, dụng cụ được rèn mới tốt. Nếu công đoạn này làm không kỹ, cột búa lỏng lẻo, sóng nước bấp bênh, ghe chòng chành khiến búa nện không chuẩn thì con dao, lưỡi cuốc làm ra cũng mau hư.

Ban đầu, anh chị đi làm thuê. Sau này, họ mới dành dụm sắm được chiếc ghe. Hồi giao thông còn khó khăn, đường sá chưa mở, người dân chỉ trông vào mấy chiếc ghe rèn để mài, sửa nông cụ cũng là lúc vợ chồng anh chị ăn nên làm ra. “Hồi tôi có con nhỏ, một mình anh Nhân làm đủ nuôi 7 miệng ăn trong nhà. Bây giờ không bằng hồi xưa nhưng sống quen với sông nước rồi, bỏ nghề không được, vợ chồng tôi đi làm cho vui, giữ mối và có thêm chút đỉnh thu nhập” - chị Phượng chia sẻ.

Với tay chụp bịch đường, tay kia lục ống chỉ, chị Lê Trúc Ly (xã Ngọc Chánh, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau) ra hiệu cho chồng ghé lại bờ sông, nơi có người đợi sẵn để mua đồ. Chị Ly có hơn chục năm gắn bó với nghề bán ghe hàng.

“Vợ chồng tôi ít đất nên chọn nghề này để lo cho con ăn học. Tụi nhỏ cũng ngoan, được gửi cho họ hàng trên bờ, đặng ngày ngày đi học, còn vợ chồng tôi lấy ghe làm nhà, chỗ ngủ chật hẹp nhưng được cái vợ chồng có nhau” - chị Ly kể.

Anh Trần Văn Hù - chồng chị - đảm nhận việc chạy máy và lo bốc dỡ các mặt hàng nặng như bình gas, thùng bia, bao gạo còn vợ anh lo đứng mũi ghe, chống sào lèo lái, cập bến, bán hàng. Mỗi ngày trừ chi phí, họ kiếm được vài trăm ngàn đồng. “Còn có người mua là mình còn đi bán” - anh Hù nói.

Mỗi khi có khách đón ghe hàng, vợ chồng chị Ly lại cập bến
Mỗi khi có khách đón ghe hàng, vợ chồng chị Ly lại cập bến

Gắn bó với nghề vì chữ tình

Đời thương hồ vất vả nhưng cũng có niềm vui. Đó là khi họ nhận được những món quà đầy tình cảm của bà con xứ này. “Bà con thương vợ chồng tôi lênh đênh sông nước, nhiều khi cho con gà, con vịt, mớ rau, trái dừa, rồi cho kéo điện nhờ hoặc cho nước tắm rửa… Cái tình ở đây là vậy nên mình cũng đáp lại bằng cách làm giùm nếu yêu cầu không quá phức tạp hoặc lấy giá rẻ để cả hai bên cùng vui, có tình có nghĩa” - anh Nhân cười nói.

Ngồi sát mé sông, bà Nguyễn Thị Điệp cho hay do nhà không có người đi chợ nên mỗi ngày, bà thường đón ghe hàng của chị Ly. Bà nhận xét: “Ghe này bán được lắm, đủ thứ hết trơn, người bán cũng vui vẻ, giá cả phải chăng, có khi còn cho mua thiếu, tới con nước xổ vuông tôm mới trả tiền”. Một lý do nữa khiến bà hay đón ghe hàng là bởi thích có người nói chuyện. “Mình mua đồ, còn được nghe cô chủ ghe kể chuyện. Cổ đi nhiều nơi, biết nhiều chuyện, kể lại cho mình mở mang đầu óc” - bà Điệp giải thích.

Làm nghề ghe hàng, ghe rèn, ngày làm việc của họ thường bắt đầu từ lúc mờ sáng cho tới cỡ 4-5 giờ chiều - khi bà con xứ này ăn bữa cơm chiều. Không còn khách, ghe mới rời bến đi tìm chỗ đậu để ngủ qua đêm.

Là khách “mối” của ghe rèn, anh Trịnh Đình Tửu (huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) xởi lởi nói: “Có khi đồ hư mà ghe chưa qua là tôi phải đợi, điện thoại hẹn ổng bả (anh Nhân, chị Phượng - PV) xuống làm, cỡ nào cũng đợi. Làm xong, chiều tối anh em ngồi uống chén trà, ly rượu”.

Trong khi anh Nhân theo lời mời của bà con lên bờ lai rai vài chung rượu, chị Phượng vừa dọn dẹp đồ đạc trên ghe, vừa tâm sự như trải lòng mình: “Tôi cho 2 đứa con lên bờ đi học, rồi đi làm. Còn mình ở ghe riết quen, lên bờ ngủ không được, cứ nhớ tiếng búa nện, nhớ cái chòng chành của sông nước. Chắc vợ chồng tôi sẽ theo nghề đến khi nào hết khách mới thôi”…

Phương Khánh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI