Cùng là tận dụng công nghệ để lan tỏa chương trình, nhưng YouTuber Color Man đã chọn cách “xuống đường” cùng với những cuộc mưu sinh vỉa hè - trong chương trình mới Tiếng rao 4.0; trong khi nhiều nhà sản xuất khác dùng mạng xã hội như một công cụ “câu view” hoặc cố tình tạo “drama” ăn khách cho những chương trình giải trí phù phiếm.
Từ ngày 4/8, số đầu tiên của chương trình Tiếng rao 4.0 được phát trên kênh YouTube Color Man (chương trình dự kiến 26 tập, sẽ được phát định kỳ lúc 20g thứ Ba hằng tuần). Đúng như tên gọi, chương trình tận dụng ưu thế của mạng xã hội để hỗ trợ người nghèo bán hàng rong trong mùa dịch. Người đứng ra “rao hàng” là YouTuber Color Man - anh Đỗ Văn Bửu Điền.
Tiêu chí của chương trình là chọn những người già neo đơn, người khuyết tật bán hàng rong nhưng có thu nhập không quá 100.000 đồng/ngày. Trong thời gian khoảng 45-90 phút, YouTuber Color Man sẽ giới thiệu, lives tream bán hàng tại địa điểm mưu sinh của các nhân vật. Đó là một cách làm từ thiện hòa mình và dấn thân.
|
Color Man - anh Đỗ Văn Bửu Điền bán hàng rong giúp người nghèo trong chương trình Tiếng rao 4.0 |
Đông đảo khán giả và người dân ủng hộ hoạt động này. Từ chương trình, những phận đời từ góc phố vỉa hè cũng được kể cùng khán giả. Trong các số vừa được phát sóng là câu chuyện của chú Nguyễn Văn Năm (77 tuổi), bán kẹo bông gòn ở Q.8, mỗi ngày lời chỉ 15.000-20.000 đồng; hay trường hợp hai chị em cô Hoa cô Nguyệt (82 tuổi và 74 tuổi) bán xúp cua, há cảo ở Q.5. Mỗi người một hoàn cảnh, số phận nhưng họ đều đã gắn bó với cuộc mưu sinh vỉa hè đến hơn nửa đời người. Không chỉ hỗ trợ người nghèo ở TP.HCM, ê-kíp cũng về Cần Thơ thực hiện số phát sóng tiếp theo.
Tiếng rao 4.0 đến với người nghèo, không trao cho họ “cần câu” hay “con cá”, mà là sự chia sẻ để cùng lan tỏa đến những tấm lòng. Người xem có thể bật cười vì sự hài hước của Color Man, nhưng cũng có lúc rơi nước mắt trước hoàn cảnh của những người già mưu sinh trong thành phố.
Dư âm của chương trình dài hơn thời lượng một giờ đồng hồ phát sóng, như một lời nhắc nhở khán giả rằng, hãy cùng nhau cúi xuống với những gánh hàng rong giữa mùa dịch này. Mua giúp họ một quả trứng, một gói xôi, vài ký ổi... hay đơn giản là giúp người già bán hàng rong đẩy xe hàng, tặng một phần cơm khi thấy họ nhặt hộp thức ăn thừa trên hè phố… Đó cũng đã là một sự san sẻ ấm tình người.
Có thể nói, đây là một trong hai chương trình nhân ái hiếm hoi được thực hiện vì người nghèo trong mùa dịch này. Vài tháng trước, Đài truyền hình TP.HCM cũng thực hiện chương trình Nghệ sĩ thời COVID, thời lượng 15 phút, ghi nhận các hoạt động nấu cơm, làm từ thiện hỗ trợ người nghèo trong mùa dịch.
Color Man không phải là người đầu tiên sử dụng kênh cá nhân hỗ trợ người nghèo. Một số YouTuber khác cũng đã cùng nhau làm điều này, nhưng chỉ mới là những nỗ lực đơn lẻ. Mỗi người một cách, chủ yếu ghi hình chia sẻ về những trường hợp khó khăn/bất hạnh để cộng đồng cùng chung tay. Nhiều Mạnh Thường Quân lặng lẽ tiếp sức, không cần nêu tên tuổi hay logo, nhãn hàng. Nỗ lực kết nối tấm lòng của các cá nhân bước đầu lan tỏa, tạo được quả ngọt. Nhìn lại, những chương trình vì người nghèo phát sóng trên truyền hình bị chìm nghỉm giữa hàng loạt các chương trình giải trí khác. Cần phải xem lại lý do vì sao?
Hàng loạt chương trình từng có sức ảnh hưởng mạnh mẽ đã kết thúc sứ mệnh từ nhiều năm trước: Vượt lên chính mình, Ngôi nhà mơ ước (HTV7), Lục lạc vàng (VTV1, Let’s Viet-VTC9), Nhịp cầu nhân ái (Let’s Viet)... Hiện còn lại một số chương trình: Cùng xây ước mơ (HTV7), Thần tài gõ cửa (THVL), Mảnh ghép cuộc đời (phát sóng trên kênh Today TV)... nhưng cũng không mấy lan tỏa. Nhiều chương trình đuối dần khi thiếu tài trợ. Doanh nghiệp đa phần chạy theo guồng quay lợi nhuận, chấp nhận đầu tư vào cái vô bổ nhưng nhanh “có lời”, hơn là gầy dựng “thương hiệu cảm xúc” từ các chương trình nhân ái.
Một trong những lý do không kém phần quan trọng khiến nhiều chương trình chìm nghỉm rồi thất bại, chính là cách kể rập khuôn, buồn tẻ, không tạo được sức hút. Tiếng rao 4.0 không phải là một kiểu mẫu điển hình, nhưng không thể phủ nhận đó là một cách làm rất mới. “Format thuần Việt” này không quá tốn kém chi phí, lại hiệu quả nhờ tương tác trực tiếp, hài hước, chân thật mà cũng để lại nhiều cảm xúc. Không cố tình lấy nước mắt khán giả, nhưng đủ khiến người xem rưng rưng.
Đời thực muôn ngả, nhất là trong hiện thực dịch bệnh ngổn ngang này. Nhưng những câu chuyện nhân văn, những giá trị lắng đọng lại hiếm khi được các nhà sản xuất chú tâm, hướng về. Màn ảnh nhỏ từ đài truyền hình trung ương đến địa phương nhiều năm qua đua nhau phát sóng gameshow/truyền hình thực tế mua kịch bản từ nước ngoài.
Những cuộc thi ở các lĩnh vực, khai thác đối tượng thí sinh từ trẻ nhỏ đến người lớn; khai thác tối đa yếu tố hài hước mua vui có khi vô bổ, nhảm nhí; sân chơi kết nối “mai mối se duyên” cũng chẳng ý nghĩa bao nhiêu. Chưa kể nhìn đi nhìn lại cũng chỉ có những gương mặt nghệ sĩ quen thuộc xuất hiện hết chương trình này đến chương trình khác. Khách mời không ít lần cãi nhau chan chát, phát ngôn phản cảm, đùa giỡn kém duyên. Nếu không xuất hiện trên truyền hình thì cũng là những “clip cut” tung lên mạng xã hội. Những “drama” được khai thác tối đa, có khi là bịa chuyện, lừa dối khán giả chỉ để câu khách cho chương trình. Những điều nhảm nhí/vô nghĩa/phản cảm như vậy vẫn cứ tồn tại trên sóng truyền hình.
Lục Diệp