Vấn đề được phần lớn HS quan tâm là cách ứng xử giữa thầy và trò, trò với trò, nhà trường và gia đình còn nhiều bất cập, chưa có sự thông hiểu, dẫn đến không ít hệ lụy.
Thầy cô chưa tôn trọng HS
HS Trần Lưu Hữu Bách - Trường THPT Mạc Đĩnh Chi nêu: “Vấn đề giao tiếp của HS với thầy cô giáo còn nhiều bất cập. Cùng một hành động nhưng với giáo viên (GV) trẻ thì được xem là giao tiếp gần gũi, nhưng với GV lớn tuổi thì bị cho là vô lễ. Chúng em cần có cơ sở để dung hòa ứng xử giữa thầy và trò”. Theo nhiều HS, các em ở thế yếu, nên thường không được tôn trọng, thậm chí bị xúc phạm ngay trong trường.
Em Nguyễn Thị Thùy Linh, Trung tâm GDTX Q.Thủ Đức, bức xúc: “Hiện nay việc ứng xử giữa GV với HS chưa đúng mực. Nhiều GV sử dụng ngôn từ xúc phạm nhân phẩm HS, đề nghị có biện pháp khắc phục”. Một số HS than phiền, vấn đề dân chủ trong trường học hiện còn nhiều hạn chế, cá tính và sự khác biệt của HS chưa được tôn trọng. Chẳng hạn, cùng một vấn đề, HS có thể đưa ra nhiều giải pháp khác nhau, nhưng nếu khác với giải pháp của thầy là sẽ bị nhắc nhở hoặc bị điểm kém.
Em Lý Trần An Khương, HS Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong đưa quan điểm: Việc ứng xử trong học đường chủ yếu phụ thuộc vào hai thành tố gia đình và nhà trường. Gia đình có tác động lớn đến cách ứng xử, tâm lý và cá tính của mỗi HS, nhưng với những gia đình không quan tâm đến giáo dục con cái thì áp lực này sẽ đặt lên vai thầy cô và nhà trường. Để giáo dục HS biết cách hành xử đúng, ở trường cũng có nhiều hoạt động, nhưng cách thực hiện và nội dung truyền tải… lại khiến HS ngao ngán.
“Theo em, không chờ đến GV chuyên trách tư vấn tâm lý giải quyết những vấn đề của HS, mà chính GV chủ nhiệm - người tiếp xúc nhiều với HS, là người tư vấn hữu hiệu nhất”. Em Võ Trâm Anh, lớp 11 Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền nhận xét: Bạo lực học đường diễn ra từ rất lâu, biện pháp xử lý thường rất nghiêm khắc nhưng lại thiếu tìm hiểu thấu đáo. Thầy cô cần tìm hiểu rõ nguyên nhân để có biện pháp xử lý thích hợp, giúp HS nhận ra lỗi lầm và giảm thiệt hại.
“Nên có những giờ học về ứng xử học đường cho HS” - Trâm Anh đề xuất. Cùng nỗi lo bạo lực học đường, Ngô Mỹ Uyên, HS Trường THPT Phú Nhuận, nhận xét: Bạo lực học đường ngày nay không chỉ bằng tay chân mà còn dùng sức mạnh đám đông làm tổn thương tinh thần bạn học. Cụ thể gần đây nhất là clip nhạy cảm về nữ sinh 15 tuổi, nhiều bạn bình luận ác ý khiến bạn nữ này phải tìm đến cái chết để giải thoát. “HS ngày nay dường như vô cảm trong môi trường mạng xã hội, thậm chí ngay cả trong trường học. Ngành giáo dục có cách nào để uốn nắn?” - Mỹ Uyên đặt vấn đề.
Lo dạy chữ, quên dạy làm người
HS Trần Đặng Mai Anh, Trường THPT Lam Sơn bức xúc trước thực trạng HS vi phạm pháp luật ngày càng nhiều mà nguyên nhân là do suy giảm đạo đức. Môn Giáo dục công dân đã đưa vào kỳ thi THPT quốc gia, ngành giáo dục quan tâm đến giá trị môn học, nhưng trong môn học này có một số kiến thức chưa phù hợp như bắt HS lớp 10 học những điều quá cao siêu về chủ nghĩa duy vật, duy tâm, trong khi thiếu những kiến thức rất cần thiết như cách ứng xử học đường…
Cùng quan điểm, HS Yến Hòa, Trường THPT Lê Quý Đôn cho rằng, nhà trường đang chỉ chú trọng dạy kiến thức hơn là giáo dục nhân cách cho HS. Trường nào cũng dán khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn”, nhưng thực tế là làm ngược lại. “Cần thay đổi thực tế này, tăng thời gian dạy lễ nghĩa, dạy làm người. Không chỉ lý thuyết mà phải dạy bằng thực tế cho HS” - Yến Hòa mong mỏi.
Nhiều HS cũng phản ánh: trường có tổ chức họp với phụ huynh, nhưng nội dung chủ yếu xoay quanh kết quả học tập, ít khi bàn về tính cách HS, cách ứng xử. Mỗi tuần có một tiết chủ nhiệm, không đủ thời gian để sinh hoạt về một chuyên đề nào đó. Các em còn đang bối rối trước tình yêu tuổi học trò, tâm sinh lý lứa tuổi, trong khi công tác tư vấn học đường có cũng như không, không tạo được sự tin cậy nơi HS.
Ở bộ môn văn - một trong những môn dạy làm người, phương thức truyền đạt cũng không còn phù hợp. Sở nên xây dựng phương thức dạy văn có tính ứng dụng, tránh cạnh tranh không lành mạnh, đấu đá nhau vì điểm số.
Các trường phải tổ chức đối thoại với HS
Giáo dục Việt Nam đang chuyển mình từ “ban phát” sang “phục vụ”. Để phục vụ tốt thì việc đối thoại, lắng nghe HS và PH góp ý để điều chỉnh là cách hoàn thiện môi trường giáo dục tốt nhất. Với nhận thức đó, việc lãnh đạo Sở GD-ĐT TP tổ chức đối thoại với HS hàng năm là rất đáng hoan nghênh. Tuy nhiên, để hoạt động này đạt được mục đích kỳ vọng, việc đối thoại phải thực chất, chân thành.
Thực tế, không ít câu hỏi của HS tại các cuộc đối thoại, vẫn thấy như có bàn tay sắp đặt. Ở lứa tuổi của mình, các em thường quan tâm, bức xúc những câu việc rất cụ thể, xảy ra trong học tập và sinh hoạt hàng ngày, như chuyện quạt hư, có máy lạnh mà không mát, thầy cô dạy khó hiểu, cư xử không đúng mực, tình yêu tuổi học trò, tâm sinh lý lứa tuổi…
Những người có trách nhiệm giải quyết những chuyện cụ thể ấy chính là hiệu trưởng - người cầm chịch thực thi chính sách giáo dục. Vì thế, hoạt động “đối thoại với HS” nên được đưa về các trường. Cấp sở có thể tổ chức đối thoại về những vấn đề vĩ mô và đối tượng cũng phải khác.
Tại buổi đối thoại, sau khi nghe ý kiến HS, cô Bùi Minh Tâm, Hiệu trưởng Trường THCS-THPT Lương Thế Vinh nhấn mạnh: “Từ những trăn trở, suy nghĩ của HS, các vị hiệu trưởng phải suy nghĩ lại, cân nhắc tổ chức lại các hoạt động trong trường để đáp ứng mong muốn của các em”.
Chuyện hiệu trưởng đối thoại với HS là chuyện không lạ ở nhiều trường quốc tế. Với vai trò “trung tâm” của mọi hoạt động giáo dục, HS các trường này thậm chí còn được tham gia xây dựng nội dung chương trình cho những hoạt động liên quan đến mình như chương trình dã ngoại, sơ kết, tổng kết… Tại trường THPT quốc tế Việt Úc, HS còn được làm chủ hoàn toàn buổi sinh hoạt đầu tuần và có thể nêu những góp ý với lãnh đạo trường. Ngoài ra, cứ mỗi hai tháng, hiệu trưởng lại tổ chức đối thoại với HS.
Văn phòng hiệu trưởng cũng luôn mở rộng cửa đón HS và HS được khuyến khích nên tranh thủ gặp hiệu trưởng vào buổi trưa. “Cách thức thì rất nhiều và không hề khó nếu các trường Việt Nam muốn áp dụng”, ông Cao Huy Thảo, nguyên Hiệu trưởng Trường THPT quốc tế Việt Úc, nói. Để tránh các vấn đề bị lặp đi lặp lại, ông Thảo cho rằng, vấn đề nào có thể giải quyết thì phải giải quyết ngay. Những vấn đề chưa thể giải quyết phải đưa ra mốc thời gian giải quyết.
Những vấn đề không thể giải quyết thì phải giải thích để HS hiểu tại sao. “Quan trọng nhất trong các cuộc đối thoại là phải minh bạch, nói thẳng nói thật mọi vấn đề, kể cả những chuyện được xem là xấu, không quanh co né tránh. Sự né tránh, quanh co chỉ làm cho HS có ấn tượng xấu” - ông Thảo khẳng định.
Một nguyên tắc quan trọng giúp các cuộc đối thoại thành công là nguyên tắc bình đẳng giữa những người đối thoại. Đây là chuyện không dễ đối với thói quen trong môi trường giáo dục Việt Nam lâu nay. Từng xảy ra chuyện khi bị HS góp ý rát quá, các vị lãnh đạo trở ngược hỏi bí HS kiểu như: Chuyện xảy ra ở đâu, xảy ra với ai? Xảy ra ở lớp nào, thầy cô nào như thế?
Khi bị “bắt bí”, HS sẽ không nói thật nữa. Để tránh hình thức, hoạt động đối thoại chỉ nên thực hiện đối với HS bậc THCS và THPT; HS tiểu học khả năng đối thoại còn rất hạn chế nên nếu muốn nắm bắt vấn đề gì ở các em chỉ cần thực hiện các cuộc khảo sát.
Tiêu Hà - Minh Nhật
Tại buổi đối thoại, ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM xác định: “Chính các thầy cô, từ hiệu trưởng tới GV, nhân viên cần tác động cá nhân đến ứng xử của HS. Không chỉ quan tâm trong trường học, mà còn phải tìm cách kết nối với các em trên mạng xã hội để kịp thời nhắc nhở, uốn nắn. Các trường khó khăn về nhân sự khi tổ chức tư vấn tâm lý thì GV chủ nhiệm sẽ là người làm việc này hiệu quả nhất”. Ông Sơn nhắc nhở, các trường cần sắp xếp lại thời khóa biểu để dung hòa giữa việc dạy kiến thức với các tiết sinh hoạt ngoại khóa nhằm trang bị kỹ năng cho HS. Vấn đề vẫn là ở sự sáng tạo của hiệu trưởng trong việc tạo ra những giờ giáo dục phù hợp, thu hút HS. Ngoài ra, nhà trường và bản thân mỗi GV cũng cần chủ động tăng cường giao tiếp với gia đình HS để tác động giáo dục các em kịp thời. |