Đối thoại Shangri-La 2018: Trung Quốc vấp phải 'rào cản văn hóa'

04/06/2018 - 13:56

PNO - Đoàn đại biểu Trung Quốc tham dự sự kiện Đối thoại Shangri-La 2018 (SLD) cho biết họ cảm thấy không thoải mái khi nhận quá nhiều chỉ trích.

Đối thoại Shangri-La diễn ra ở Singapore năm nay thu hút sự tham gia của đại diện hơn 50 quốc gia, là diễn đàn thường niên ở khu vực châu Á. Phần lớn các quốc gia cử đại diện cấp cao là Bộ trưởng Quốc phòng cùng các quan chức đến dự.

Đoàn đại biểu Trung Quốc tham dự sự kiện lần này do Trung tướng Hà Lôi, Phó Chủ tịch Viện Khoa học Quân sự Trung Quốc dẫn đầu, cùng Đại tá Chu Ba, Giám đốc Trung tâm Hợp tác an ninh quốc tế thuộc Bộ Quốc phòng Trung Quốc. Truyền thông đánh giá đây không phải là phái đoàn cấp cao từ phía Trung Quốc.

Doi thoai Shangri-La 2018: Trung Quoc vap phai 'rao can van hoa'
Trung Quốc không cử đoàn đại diện cấp cao đến Đối thoại Shangri-La 2018.

Cuối tuần qua, sự kiện có những diễn tiến thu hút sự quan tâm của cả thế giới. Màn “khẩu chiến” của Trung Quốc và Mỹ một lần nữa làm bật lên những trở ngại mà Trung Quốc phải đối mặt khi quốc gia này đang cố gắng đưa ra những luận điểm của mình.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis tố cáo việc Trung Quốc quân sự hóa biển Đông, triển khai các hệ thống vũ khí công nghệ cao ở vùng biển tranh chấp này là hành động đe dọa và cưỡng ép các nước láng giềng.

Đáp lại, Trung tướng Hà Lôi của Trung Quốc tuyên bố chính Mỹ mới là nguồn gốc thật sự của xung đột trong khu vực.

Bên cạnh đó, các đại biểu Trung Quốc cho biết họ không có được điều kiệ nthuận lợi tại diễn đàn năm nay và hầu như tiếng nói của họ bị "ngó lơ". Họ cho rằng nguyên nhân là vì các quốc gia phương Tây đã chi phối và kiểm soát diễn đàn này dựa trên hệ tư tưởng khác biệt của họ. Đây được cho là cách mà phía Trung Quốc chống chế sau những tuyên bố sai trái về phi lý liên quan đến Biển Đông.

Thiếu tướng về hưu Yao Yunzhu, chuyên gia quân sự tại Học viện Khoa học Quân sự Trung Quốc (AMS), có mặt trong phái đoàn tham dự Đối thoại Shangri-La 2018 cho rằng: “Mỹ đã đưa ra những thuật ngữ dựa trên hệ tư tưởng của họ như “thứ tự dựa trên nguyên tắc”, “tự do hàng hải và vùng trời”, “quân sự hóa”, và khi họ nhắc đến những từ này thì hầu như đều là chỉ trích nhằm vào Trung Quốc”.

Ông Yao Yunzhu cho rằng các quan chức quân đội Trung Quốc cảm thấy khó chịu khi cố gắng trao đổi vì rào cản ngôn ngữ, và những khác biệt trong cách họ tiếp cận về khái niệm xung đột.

Trong nhiều sự kiện đa phương như thế, ông Yao Yunzhu cho rằng đại diện phương Tây giao tiếp với phong thái khác vơi cách người Trung Quốc quen thuộc. Ông cho rằng việc họ thường xuyên dùng tiếng Anh gây khó khăn cho đại diện Trung Quốc.

Đại tá Cấp cao Zhao XiaoZhuo, từ Học viện Khoa học Quân sự Trung Quốc cho rằng xung đột giữa Mỹ và Trung Quốc đổ dồn về ngay ngay khai mạc sự kiện. Tuy nhiên, ông Zhao XiaoZhuo cho rằng việc đẩy đến một cuộc chiến không thể giải quyết vấn đề.

Một nhân vật ẩn danh, thuộc Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS) - nhà tổ chức Đối thoại Shangri-La cho rằng vấn đề Trung Quốc nêu ra có thể hợp lý, nhưng sẽ chẳng có cách thức nào thay thế được bởi những thuật ngữ, khái niệm đều được nghiên cứu công khai, quy chiếu theo hệ thống pháp luật quốc tế.

Người này cho rằng, Trung Quốc không thể nhận được ưu ái để giải quyết những cản trở, khó chịu của họ trong chính họ đã không đưa đến sự kiện những nhân vật có tiếng nói mang tính đại diện hơn như cách mà các quốc gia đang làm. Các quốc gia khác đã cử Bộ trưởng Quốc phòng hoặc những người đứng đầu trong các lực lượng quốc phòng của họ.

Tiến sĩ William Choong, chuyên gia về châu Á - Thái Bình Dương của IISS cho biết, viện này từng hai lần cử đại diện đến Trung Quốc thuyết phục Bắc Kinh cử đoàn đại diện cấp cao đến tham dự sự kiện nhưng đã không nhận được sự hợp tác tương xứng. Lần duy nhất Trung Quốc cử Bộ trưởng Quốc phòng đến Đối thoại Shangri-La là năm 2011.

Ông William Choong cho biết IISS hoàn toàn không kiểm soát những câu hỏi mà các quốc gia cho là vấn đề cần quan tâm. Vì thế, việc Trung Quốc không cử đại diện thích hợp đến sẽ gây cản trở khi các nước khác đặt câu hỏi liên quan đến hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông và Biển Hoa Đông.

Giới quan sát cho rằng Trung Quốc có thái độ không xem trọng Đối thoại Shangri-La là vì họ muốn lập nên diễn đàn đối thoại khác mà họ có thể giữ lợi thế từ ban đầu.

Anh Thông (Theo SCMP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI