Đối thoại như 'thọi' nhau dẫn tới đâu?

15/05/2019 - 11:48

PNO - Trong nhà không có tiếng cãi nhau của vợ chồng, nhưng trong mỗi người đều “ồn ào” tiếng nói nội tâm. Càng mệt mỏi, họ càng phát sinh “độc thọi”.

Đối thoại giữa vợ chồng là hoạt động cần thiết và nên diễn ra thường xuyên, để nắm bắt thông tin và hiểu nhau. Tuy nhiên, nhiều cặp vợ chồng lại dùng lời lẽ, thái độ theo kiểu “đối thọi” với nhau, sau đó thường là phần “độc thọi” của các đương sự.

“Thọi” kiểu nào cũng đau

Ông Lâm Hải mua bó lan vũ nữ mang về nhà, đang loay hoay tìm cái bình hoa thì bà vợ bóng gió: “Lại thấy em bán hoa xinh chứ gì!”, “ngày gì mà anh mua hoa đó?”, “hay là mua tặng cho cô nào, mà hẹn cổ không tới, nên phải xách về nhà?”. Nghe những câu hỏi “tào lao” của vợ, ông Hải chỉ im lặng, cắm vội bó hoa vào bình, rồi đi nằm. Vợ ông nhìn bình hoa, thẫn thờ, rồi bắt đầu “độc thọi”: “Sao lão này lại có cái kiểu điên thế, kệch cỡm thế? Mình phải ngọt ngào á, không đâu, thà cứ nói thế, lầm còn hơn bỏ sót. Các lão có dấu hiệu lạ là phải chặn ngay từ đầu”.

Doi thoai nhu 'thoi' nhau dan toi dau?
 

Một gia đình khác, ông chồng cuống lên hỏi vợ: “Cô có thấy cái giấy chứng minh của tôi trong máy giặt không? Nó chắc rơi từ túi áo ra”. “Cô có thấy…” - bà vợ nhại lại giọng ông, rồi đanh đá: “Anh thôi cái giọng bề trên đó đi. Anh coi tôi là đầy tớ phải không?”. “Nếu cô là đầy tớ thì đã không dám ăn nói như thế với tôi. Đúng hơn, cô là bà chủ  lười biếng, chỉ thích mua sắm, coi phim thôi”. “Con này mà là bà chủ à? Đi làm về, tôi còn nấu cơm, giữ nhà, nuôi dạy con. Tôi định mướn người giúp việc thì ông bảo mẹ ông ngày xưa một mình nuôi bảy đứa con, đâu cần ai giúp. Việc nhà ngập tràn, nhưng ông bảo đàn ông vào bếp, rửa chén thì hèn. Tối nào ông cũng về trễ, vui thì cho vợ biết lý do, còn thường xuyên lầm lỳ không nói.

Hôm qua, tôi về nhà mẹ, thăm bà bị ốm, ông gọi điện tới, chẳng hỏi thăm sức khỏe mẹ, cứ hỏi chừng nào tôi về. Về nhà không có ai, ông bực mình. Ông thương vợ con hay chỉ muốn có người thức dậy nấu đồ ăn sáng cho ông? Ông thương con, sao không đưa đón con đi học, không tắm cho con, không chơi với con… Lúc tôi về nhà, ông hầm hầm la tôi. Ông bảo, nhà này không phải nhà trọ, ai muốn đi đâu thì đi, muốn về thì về. Ông nhiều lý lẽ, sao không ra ngoài mà đấu với thiên hạ, chỉ yên phận làm anh nhân viên quèn, bị la mắng không dám mở miệng. Ông tưởng tôi không dám ly hôn sao? Để xem, khi ông già, đau ốm, ai lo cho ông”.

Nguyên một đoạn dài bên trên là phần “độc thọi” của bà vợ, vì ông chồng đã dắt xe ra khỏi nhà, đi đâu không rõ. Bà vợ ấm ức, nên vẫn tiếp tục tuôn ra trong đầu thêm một núi câu chữ nữa, cho đỡ tức. Chồng bà chẳng ngoại tình, cũng chẳng ham bia bọt, chỉ phải cái tính bất cẩn: đồ dùng, giấy tờ không nhớ để đâu, lúc nào cần đến, ông chỉ đạo vợ con nháo nhác đi tìm, khiến bà vợ hay “nóng trong người”. Lần này, ông bỏ quên giấy chứng minh nhân dân tại ngân hàng khi đi rút tiền, chứ không quên trong túi áo nào cả. “Lần sau, có làm mất cái gì, ông cứ ra đường mà tìm, đừng có theo hỏi tôi nhé”. Trong phần “đối thọi”, bà vợ còn tập trung phân tích cho ông chồng biết, bà không phải là kẻ… nói nhiều.

Ông chồng không có nhu cầu nhận lỗi hay xin lỗi. Ông nhận ra, bà vợ đang lợi dụng tình huống, chộp lấy sơ hở của chồng để chứng tỏ “anh là thứ không ra gì” và bà mới là người có giá trị. Để đối phó với bà vợ đang trên đà “thắng lớn”, ông dùng chiêu “phớt lờ” và khiến bà vợ trở thành diễn viên “độc thọi”.

Hồi tết, ông Khánh Hùng nhận thấy vài món đồ đạc quý giá của nhà mình như cái ghế mát-xa, cái nồi tự động… xuất hiện ở nhà mẹ vợ. Trước thắc mắc của chồng, bà xã ông lúc thì lấp lửng “cho mẹ mượn vài ngày”, lúc thì thẳng thừng: “Sao ông nhỏ nhặt như đàn bà vậy? Cứ để ý từng chút một…”. Mất tin tưởng vào vợ nên ông cũng từ từ không công khai thu nhập, chỉ đưa cho vợ số tiền cần thiết để chi tiêu cho gia đình. Trong nhà không có tiếng cãi nhau của vợ chồng, nhưng trong mỗi người đều “ồn ào” tiếng nói nội tâm. Bà vợ hay lầm bầm một mình về ông chồng không quan tâm đến gia đình vợ, chỉ giỏi dòm ngó, quá coi trọng của cải vật chất. Ông chồng cũng bắt đầu suy nghĩ: “Lấy chồng rồi mà cô ta cứ chăm chăm lo cho gia đình mình, vậy sao không sống độc thân cho rồi. Vợ chồng ông Hùng đều có cùng sở thích “nói một mình”, nhưng lại nhìn nhau bằng ánh mắt khó chịu. Càng mệt mỏi, họ càng phát sinh “độc thọi”, mà ở đó hình ảnh của người bạn đời ngày càng tệ.

Giải nhiệt

Các chuyên gia của Viện Nghiên cứu tâm lý Mỹ đã mời các ông chồng, bà vợ xem nhiều đoạn phim câm và căn cứ trên nét mặt, ánh mắt, điệu bộ… của nhân vật trong phim, mọi người đều dễ dàng nhận ra cặp vợ chồng nào đang “ngọt ngào” hay đang “cay đắng” với nhau. Trong phim, đặc trưng cho thái độ khinh miệt là co cơ mặt ở hai hốc má, môi trề, mắt nhướng lên trời… Khi ông chồng hay bà vợ “diễn” như thế thì người vợ (chồng) bị khinh lại cảm thấy tim của mình đập thêm ba nhịp mỗi phút. Nhà tâm lý người Mỹ John Gottman đưa ra nhận xét: “Phụ nữ thường xuyên bị chồng đánh giá, khinh bỉ dễ bị cảm cúm, nhiễm trùng, rối loạn tiêu hóa. Khi bà vợ bộc lộ sự khinh miệt trong cuộc trò chuyện với ông chồng với tần suất ba lần trong 15 phút thì đó là dấu hiệu báo trước cặp vợ chồng này sẽ ly hôn”.

Doi thoai nhu 'thoi' nhau dan toi dau?
Ảnh minh họa

“Đối thọi” thường dẫn đến “độc thọi”. Có bà vợ không muốn nói ra lời, vì ông chồng bịt tai bỏ đi hay cứ “im như thóc”. Cũng có bà cảm thấy bị lép vế trước ông chồng “ào ào, áp chế”. Theo các nhà tâm lý, ngay lúc “độc thọi”, người ta dễ chìm ngập vào biển cảm xúc tiêu cực. Đó là lúc những người chồng, người vợ đang bực tức người bạn đời, để mặc cơn giận dữ tung hoành, không thể kiểm soát được và có xu hướng phản ứng thô bạo. Họ không thể bình tĩnh lắng nghe và phản ứng sáng suốt. Tất nhiên, họ cũng khó tổ chức được những suy nghĩ của mình một cách lô-gíc, tích cực.

Theo các chuyên gia y tế, về mặt sinh học, trong trạng thái chìm ngập tức giận, nhịp tim sẽ tăng lên trên 100 nhịp/phút (bình thường là khoảng 82 nhịp/phút ở phụ nữ và 72 nhịp/phút ở nam giới, còn tùy vào tầm vóc mỗi cá nhân). Vào thời điểm các xúc cảm hoàn toàn chiếm ưu thế, lấn át lý trí, cái nhìn của bà vợ/ông chồng lại càng như mũi khoan xoáy vào những điều tệ hại của bạn đời. Vợ chồng không đối mặt trò chuyện hoặc chỉ tung những màn “đối thọi” gay gắt mà không tìm được giải pháp giải quyết mâu thuẫn, sẽ dẫn đường cho những màn “độc thọi” kéo dài. Đó là lúc ông chồng, bà vợ miên man nói xấu người bạn đời với chính mình. Kiểu nói về nhau, trong đầu, bằng suy nghĩ, nguy hiểm hơn những lúc hai người nói thẳng với nhau, bởi nó sẽ tiết ra “chất độc”, khắc sâu thêm nỗi chán chường, hủy hoại quan hệ vợ chồng. Nhiều bà vợ chọn cách giải nhiệt bằng thể dục, luyện yoga, đi mua sắm… nhưng vẫn không thể hoàn toàn tắt được cái “đài tiếng nói” từ nội tâm của mình về ông xã - người đã làm mình tổn thương.

Theo các nhà tâm lý, lý tưởng nhất là vợ chồng cùng trao đổi, bàn bạc, thậm chí có thể tranh luận với nhau. Khi đã nhận ra mỗi người cần phải điều chỉnh bản thân như thế nào, các bên sẽ giảm chương trình “độc thọi”. Thế nhưng, các bà vợ cũng đừng quá mong đợi chồng sẽ ngoan ngoãn, chăm chú nghe các bà góp ý, mà các bà hãy pha chế sẵn cho mình loại “nước giải nhiệt” nhằm “làm mát” suy nghĩ, từ đó mới thoát khỏi chứng “độc thọi”.

Doi thoai nhu 'thoi' nhau dan toi dau?
Có những cặp vợ chồng cứ đối thoại là đôi bên thất bại

Loại giải khát này, gồm nhiều “chất liệu”. Trước nhất là ý thức bảo vệ sức khỏe và nhan sắc. Không bà vợ nào “độc thọi” trong đau khổ mà giữ được vẻ mặt tươi trẻ. Lúc “độc thọi” cũng chính là lúc sa sút lòng tự trọng. Giữ sự bình an bên trong là một thử thách trước các tình huống ngoài ý muốn xảy ra trong gia đình, nhưng rất có hiệu quả. Việc dễ dàng hơn là chuyển dòng suy nghĩ tiêu cực sang tập trung tìm giải pháp, tìm kiếm sự hỗ trợ. Tiếp theo là các bà phải biết bày tỏ ý kiến cùng với cảm xúc của mình. Song, điều này rất quan trọng: đừng tranh thủ lúc ăn cơm hay khi chồng đang xem bóng đá, mà phải biết chờ đợi và tận dụng thời cơ. 

Trường Sơn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI