Đối thoại mang lại những đổi thay tích cực

30/06/2023 - 06:24

PNO - Quy hoạch treo, ô nhiễm môi trường, sự bất an ở các khu trọ… là những vấn đề được các cán bộ, hội viên phụ nữ nêu ra trong các buổi gặp gỡ, đối thoại với lãnh đạo đảng bộ, chính quyền các cấp. Nhiều phản ánh, hiến kế trong số đó đã được ghi nhận, giải quyết, mang đến những đổi thay tích cực.

 

Điểm đen về rác ở phường Cát Lái đã trở thành khu vườn xanh mướt để các em nhỏ vui chơi, trải nghiệm sau cuộc đối thoại của 100 đại biểu là cán bộ, hội viên phụ nữ quận 2 (nay thuộc TP Thủ Đức) với lãnh đạo địa phương ẢNH: MẪN NHI
Điểm đen về rác ở phường Cát Lái đã trở thành khu vườn xanh mướt để các em nhỏ vui chơi, trải nghiệm sau cuộc đối thoại của 100 đại biểu là cán bộ, hội viên phụ nữ quận 2 (nay thuộc TP Thủ Đức) với lãnh đạo địa phương - Ảnh: Mẫn Nhi

Biến “điểm đen” thành “điểm xanh”

Chiều tháng Sáu, ngồi trong sân chơi cạnh vườn rau xanh mát, bà Nguyễn Thị Chính (khu phố 1, phường Cát Lái, TP Thủ Đức) tủm tỉm cười, tỏ vẻ ưng ý: “Hồi trước, người ta tránh tới chỗ này, nay thì ai cũng tấm tắc khen đẹp. Buổi chiều, người già, trẻ nhỏ ra đây chơi đông lắm”. 

Ngồi cạnh đó, bà Bùi Thị Hai (khu phố 2, phường Cát Lái) góp chuyện: “Tôi hay ghé vườn này mua rau vì thấy chị em không dùng thuốc trừ sâu hay phân hóa học. Với lại, ở đây, hội phụ nữ phường còn lắp đèn năng lượng mặt trời, dụng cụ thể dục, đồ chơi ngoài trời cho trẻ nhỏ, vẽ tranh cổ động bảo vệ môi trường, lắp camera an ninh”. 

Đúng như lời bà Chính, bà Hai, nơi từng là khu đất quy hoạch “treo bền vững” này nay đã trở thành điểm tham quan, trải nghiệm “một ngày làm nông dân” của trẻ mầm non, cán bộ, công nhân viên. Thêm nữa, nguồn tiền thu được từ vườn rau còn giúp hội phụ nữ chăm lo cho các hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, như tặng góc học tập, thẻ bảo hiểm y tế, góc bếp yêu thương.

Sự thay đổi này đến từ cuộc đối thoại giữa lãnh đạo Đảng bộ, UBND quận 2 (nay nhập vào TP Thủ Đức) với hơn 100 đại biểu đại diện 20.701 cán bộ, hội viên phụ nữ vào đầu tháng 10/2019. Khi đó, chị em phản ánh nhiều về vấn đề quy hoạch “treo” và tình trạng xả rác bừa bãi.

Bà Nguyễn Thị Chính (trái) và bà Bùi Thị Hai trong sân chơi cạnh vườn rau 3 đường số 13,  ở phường Cát Lái, TP Thủ Đức, nơi từng là bãi rác lộ thiên do nằm trong quy hoạch “treo” - ẢNH: MẪN NHI
Bà Nguyễn Thị Chính (trái) và bà Bùi Thị Hai trong sân chơi cạnh vườn rau 3 đường số 13, ở phường Cát Lái, TP Thủ Đức, nơi từng là bãi rác lộ thiên do nằm trong quy hoạch “treo” - Ảnh: Mẫn Nhi

Bà Nguyễn Thị Chính từng cùng bà Nguyễn Thị Ngọc Lan, Võ Thị Tâm dọn bớt rác nhưng vừa dọn hôm nay thì hôm sau lại bị xả đầy. “Chị em trong phường rất muốn biến chỗ này thành khu vườn trồng rau trái nhưng phải chờ chủ trương, hướng dẫn từ đảng ủy phường mới dám làm, bởi nơi đây được quy hoạch xây Trường THPT chất lượng cao Cát Lái” - bà Chính nói. 

Trong cuộc đối thoại, Bí thư Quận ủy quận 2 khi đó là ông Trần Văn Thuận đã yêu cầu các phòng, ban chuyên môn, người đứng đầu đảng ủy, chính quyền, các đoàn thể phường khẩn trương rà soát và có hướng giải quyết cụ thể. Trên cơ sở này, cuối năm 2019, Hội LHPN phường Cát Lái đã gửi văn bản đề xuất đảng ủy phường cho phép hội cải tạo bãi đất hoang thành vườn rau, vườn ươm cây giống với kinh phí ban đầu do hội tự vận động. 

Đề xuất này nhanh chóng được chấp thuận. Các cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 125 Hải quân, đoàn viên thanh niên, sinh viên Trường cao đẳng Kỹ thuật Hải quân đã cùng hội viên phụ nữ thu gom gần 1 tấn rác thải, phát quang bụi rậm, cày xới và đổ đất, lên luống trồng rau. Từ 100m2 ban đầu, đến năm 2021, khu vườn đã được mở rộng ra 1.000m2, gồm khu rau trái và khu vườn ươm cây giống. Vào dịp tết Nguyên đán hằng năm, phụ nữ phường còn trồng hoa cúc bảy màu, hướng dương, vạn thọ tặng người dân. Cuối năm 2022, trên mảnh đất này, còn có thêm một vườn thuốc nam.

Tương tự, sau cuộc đối thoại với lãnh đạo đầu tháng 3/2023, đến tháng 6/2023, mô hình “Góc phố xanh” đã được Hội LHPN quận Bình Tân ra mắt và hướng dẫn bà con toàn quận cùng thực hiện, biến những bãi rác thành nơi trồng cây xanh, điểm thu gom rác tái chế. 

Nhiều “điểm nghẽn” được tháo gỡ

Trăn trở về những vướng mắc trong quy trình xử lý các vụ nghi xâm hại, bạo hành, trong cuộc đối thoại với lãnh đạo năm 2020, bà Cao Thị Hiền - Chủ tịch Hội LHPN phường 11, quận Bình Thạnh - đã kiến nghị lãnh đạo quan tâm hơn đến công tác phối hợp giữa các ngành, bởi trên thực tế, các ngành không mặn mà tham gia giải quyết những vấn đề liên quan đến phụ nữ, trẻ em khiến thời gian xử lý các vụ việc bị kéo dài, gây mất niềm tin của phía bị hại.

Một buổi làm việc của đại diện liên ngành của quận Bình Thạnh xử lý các vụ việc liên quan đến phụ nữ và trẻ em. Sau chỉ đạo của lãnh đạo quận ủy từ phản ánh của cán bộ hội LHPN, công tác phối hợp giữa hội LHPN và các ban, ngành nhanh chóng, chặt chẽ hơn - ẢNH: THU LÊ
Một buổi làm việc của đại diện liên ngành của quận Bình Thạnh xử lý các vụ việc liên quan đến phụ nữ và trẻ em. Sau chỉ đạo của lãnh đạo quận ủy từ phản ánh của cán bộ hội LHPN, công tác phối hợp giữa hội LHPN và các ban, ngành nhanh chóng, chặt chẽ hơn - Ảnh: Thu Lê

Chủ trì buổi đối thoại, bà Triệu Lệ Khánh - Phó bí thư Quận ủy quận Bình Thạnh - đã yêu cầu lãnh đạo UBND các phường triển khai đồng bộ các biện pháp bảo vệ trẻ em theo 3 cấp độ (phòng ngừa, hỗ trợ, can thiệp), bảo đảm can thiệp, hỗ trợ trẻ em khi bị bạo lực, xâm hại một cách nhanh chóng, kịp thời. Bà cũng đề nghị giao trách nhiệm tổ chức phối hợp liên ngành về bảo vệ trẻ em cho ban bảo vệ trẻ em từng phường.

Đại diện các ban ngành có mặt trong cuộc đối thoại cũng đưa ra quy trình thống nhất trong việc phối hợp giữa cán bộ tư pháp, công an, hội LHPN, ban chuyên trách bảo vệ trẻ em khi có các vụ việc liên quan đến bạo hành, xâm hại trẻ em tại địa phương.

Bà Cao Thị Hiền cho biết, nhờ có quy trình chung, quy định trách nhiệm rõ ràng, kể từ năm 2020 đến nay, những điểm chồng chéo gây chậm trễ trong việc xử lý các vụ việc liên quan đến trẻ em đã được tháo gỡ: “Hội phụ nữ không còn chạy ngược chạy xuôi xin ý kiến, thông tin từ ban này ngành kia nữa”. 

Bà Nguyễn Thị Loan - Chủ tịch Hội LHPN quận Bình Thạnh - cho biết, từ sau chỉ đạo của lãnh đạo quận ủy, hằng năm, Hội LHPN quận Bình Thạnh đều cùng với Công an, Hội Luật gia, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân quận ký kết chương trình phối hợp, trong đó nhấn mạnh vai trò của từng bên liên quan trong đấu tranh phòng, chống hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến phụ nữ và trẻ em gái.

Trong cuộc đối thoại với lãnh đạo quận 8 vào tháng 11/2022, bà Nguyễn Thị Như Quỳnh - Chủ tịch Hội LHPN phường 8, quận 8 - đã phản ánh những khó khăn trong việc tổ chức hoạt động của hội phụ nữ do nguồn kinh phí hạn hẹp. Căn cứ chỉ đạo của Quận ủy quận 8 trong cuộc đối thoại, ngày 17/3/2023, UBND quận 8 đã có văn bản gửi Phòng Tài chính - Kế hoạch quận 8 và UBND 16 phường về việc sử dụng kinh phí dự toán được giao trong năm 2023. Nhờ đó, kinh phí cấp cho hoạt động hội cấp cơ sở năm 2023 tăng gấp 4 lần, có đơn vị được cấp 55 triệu đồng thay vì chỉ 8-10 triệu đồng/năm. 

Bà Nguyễn Đoàn Phi Phượng - Phó chủ tịch Hội LHPN quận 8 - cho biết, với nguồn kinh phí hạn hẹp như trước đây, hội LHPN cấp phường chỉ tổ chức tuyên truyền miệng hoặc tìm cách phối hợp, lồng ghép các hoạt động. Còn hiện nay, với nguồn kinh phí dồi dào hơn, hội LHPN các phường có thể tổ chức tọa đàm, hội thi, giao lưu văn nghệ, nói chuyện chuyên đề, tuyên truyền bằng hình thức sân khấu hóa… để nâng cao hiệu quả trong từng hoạt động.

Sáng 30/6, Hội LHPN TPHCM tổ chức hội nghị “Lãnh đạo thành phố gặp gỡ, đối thoại với cán bộ Hội LHPN các cấp năm 2023”. Với chủ đề “Đồng hành cùng tổ chức hội triển khai hiệu quả các chương trình, công trình trọng điểm của Nghị quyết Đại hội Đại biểu phụ nữ TPHCM lần thứ XI, nhiệm kỳ 2021-2026”, hội nghị là dịp để lãnh đạo TPHCM lắng nghe phản ánh, nguyện vọng, kiến nghị của 250 đại biểu là cán bộ, hội viên, phụ nữ về các vấn đề liên quan đến việc triển khai thực hiện nghị quyết đại hội đại biểu phụ nữ các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 cũng như các chủ trương, chính sách liên quan đến cán bộ nữ, cán bộ hội và hoạt động hội ở cấp xã, phường, thị trấn.

Một cơ hội để gửi gắm tâm tư, nguyện vọng

Hội nghị “Lãnh đạo thành phố gặp gỡ, đối thoại với cán bộ Hội LHPN các cấp năm 2023” lần này gắn với chủ đề “Đồng hành cùng tổ chức hội triển khai hiệu quả các chương trình, công trình trọng điểm của Nghị quyết Đại hội Đại biểu phụ nữ TPHCM lần thứ XI, nhiệm kỳ 2021-2026”. 

Hơn 1 năm triển khai thực hiện nghị quyết là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong cán bộ, hội viên và các tầng lớp phụ nữ. Các cấp hội đã thực hiện có hiệu quả phong trào thi đua “Xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới” và “Xây dựng người phụ nữ TPHCM đoàn kết, nhân văn, năng động, sáng tạo, khát vọng vươn lên, gia đình hạnh phúc”, đợt thi đua đặc biệt “Mỗi ngày một sáng kiến” giai đoạn 2023-2025; thực hiện nội dung mới trong nhiệm kỳ là lựa chọn những cá nhân có uy tín, có tầm ảnh hưởng trong cộng đồng kết nạp làm hội viên danh dự (hiện đã có 376 người trở thành hội viên danh dự của hội). 

Công trình “Triệu phần quà san sẻ yêu thương” và “Vòng tay yêu thương” được chọn là 1 trong 13 công trình tiêu biểu của cả nước. Theo đó, 100% trẻ mồ côi do COVID-19 ở TPHCM đều đã được hỗ trợ định kỳ, chăm lo đột xuất với tổng kinh phí hơn 38 tỉ đồng; có 1.611 mẹ đỡ đầu cho 2.297 trẻ mồ côi do dịch COVID-19 (100%). Hội tăng cường các hoạt động kết nối, chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp trong nền kinh tế số. Từ các nguồn, hội đã hỗ trợ vốn vay cho hàng ngàn phụ nữ với tổng số tiền hơn 275 tỉ đồng; phối hợp đào tạo nghề cho trên 8.000 học viên, trong đó có 6.029 người được giới thiệu việc làm sau đào tạo. 

Nhằm tăng sức mạnh, nguồn lực hỗ trợ phong trào phụ nữ và hoạt động hội, nâng cao sự phát triển toàn diện cho phụ nữ, Hội LHPN TPHCM chủ động ký kết liên tịch chương trình phối hợp với nhiều tổ chức, đơn vị. Các cấp hội tham mưu, đề xuất chính sách liên quan đến cán bộ nữ, phụ nữ, trẻ em, giám sát độc lập các nội dung liên quan quyền lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ, trẻ em. 

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, phong trào phụ nữ TPHCM cũng có một số khó khăn, nhất là việc thực hiện các chương trình, công trình trọng điểm của nghị quyết. 

Buổi gặp gỡ, đối thoại lần này là cơ hội để hội LHPN các cấp gửi gắm tâm tư, nguyện vọng của phụ nữ các giới, để lãnh đạo thành phố hiểu, cùng chia sẻ. Hội LHPN TPHCM mong nhận được nhiều ý kiến, giải pháp tối ưu từ đại diện của các cơ quan, cá nhân, để cùng góp sức với tổ chức hội triển khai hiệu quả Nghị quyết Đại hội Đại biểu phụ nữ TPHCM lần thứ XI, nhiệm kỳ 2021-2026.

Nguyễn Trần Phượng Trân
Chủ tịch Hội LHPN TPHCM

Tiếp tục quan tâm phụ nữ yếu thế, trẻ em

Tôi nghỉ hưu đã 16 năm nhưng vẫn luôn theo dõi hoạt động hội phụ nữ. Tôi mong đảng bộ, chính quyền thành phố tiếp tục quan tâm để giúp phong trào, hoạt động hội và đời sống phụ nữ có nhiều khởi sắc. 
Tôi mong lãnh đạo thành phố tiếp tục quan tâm giải quyết vấn đề nhà ở cho nhóm phụ nữ yếu thế, đặc biệt là lao động nữ nhập cư. Tôi cũng mong các chương trình chăm lo cho nhóm trẻ mồ côi do dịch COVID-19 có tính dài hơi, nuôi dưỡng cả về vật chất lẫn tinh thần để các cháu lớn lên sẽ là lực lượng kế thừa, tiếp tục phục vụ, đóng góp cho sự phát triển của thành phố. 

Đặc biệt, Quốc hội thông qua Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM, tạo cơ chế rất thuận lợi cho sự phát triển của thành phố. Từ đây, tôi mong lãnh đạo thành phố có nhiều chính sách hỗ trợ để các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của đại dịch duy trì được hoạt động sản xuất, tạo ra của cải vật chất, tạo việc làm cho người lao động và đóng góp vào nguồn thu của thành phố. 

Nguyễn Thị Lập Quốc

nguyên Chủ tịch Hội LHPN TPHCM

Giải quyết kịp thời nhiều khúc mắc

Hằng năm, Hội LHPN quận Tân Phú đều chọn nhóm vấn đề, nhóm đối
tượng để tổ chức đối thoại giữa lãnh đạo quận với cán bộ, hội viên phụ nữ, như nhóm nữ doanh nhân, nhóm phụ nữ khởi nghiệp, nữ tu và phụ nữ có đạo, cán bộ chi tổ hội phụ nữ. Ở cấp phường, đối thoại là hoạt động được thực hiện thường xuyên để lãnh đạo phường lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và nắm bắt những vấn đề tồn đọng.Trong mỗi buổi đối thoại, đều có lãnh đạo các phòng, ban chuyên môn của quận để kịp thời ghi nhận, tư vấn,giải đáp thắc mắc.

Nguyễn Thị Lành

Phó chủ tịch Hội LHPN quận Tân Phú.

Mong hỗ trợ vốn, việc làm cho phụ nữ các dân tộc 

Tôi là phụ nữ dân tộc Chăm. Bản thân luôn nhận được sự quan tâm, giúp đỡ từ hội LHPN phường. Nghe thông tin lãnh đạo thành phố sẽ có buổi gặp mặt cán bộ hội phụ nữ các cấp, tôi thấy phấn khởi. Tôi tin tưởng rằng, các cán bộ hội sẽ đại diện và gửi gắm ý kiến, nguyện vọng của phụ nữ chúng tôi tới lãnh đạo thành phố. Tôi mong lãnh đạo chính quyền các cấp tiếp tục quan tâm, có nhiều chính sách chăm lo, hỗ trợ vốn, việc làm, mở thêm nhiều lớp dạy nghề cho phụ nữ các dân tộc có nhu cầu. 

Chị Amina - hội viên Hội LHPN phường 17, quận Phú Nhuận 
Thiên Ân (ghi) 

 

 Thu Lê - Mẫn Nhi 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI