Đổi thay nhờ những đồng vốn phục hồi sinh kế

26/06/2024 - 06:40

PNO - Nhóm phụ nữ được hưởng lợi từ dự án là phụ nữ khuyết tật, đơn thân, mang thai hoặc đang có con nhỏ dưới 2 tuổi, phụ nữ trên 60 tuổi, phụ nữ là nạn nhân của bạo lực, bệnh nhân HIV hoặc đang mắc các bệnh mạn tính, phụ nữ thuộc vùng dân tộc thiểu số, lao động nữ di cư, phụ nữ bị ảnh hưởng từ dịch COVID-19.

Là 2 trong số 260 phụ nữ ở quận Bình Tân (TPHCM) được tiếp sức từ dự án “Ứng phó khẩn cấp và hỗ trợ phục hồi cho phụ nữ có nguy cơ bị bạo lực, bị ảnh hưởng nặng nề bởi làn sóng COVID-19 lần thứ tư ở TPHCM”, chị Phạm Thị Hòa Bình và chị Huỳnh Thị Thanh Thiện đang có những cải thiện trong công việc, giúp cuộc sống gia đình bớt đi chật vật.

Chị Phạm Thị Hòa Bình (49 tuổi) đang vừa là mẹ, vừa là cha của 2 cô con gái sau khi chồng chị qua đời vì COVID-19 vào năm 2021. Hiện, 3 mẹ con chị sống tại khu phố 50, phường Bình Hưng Hòa A. Con gái nhỏ của chị bị bệnh beta thalassemia từ nhỏ nên hiện mỗi tháng phải truyền 2 đợt máu, mỗi đợt 2 túi, loại 350ml.

Nhờ vốn phục hồi sinh kế, chị Phạm Thị Hòa Bình đã sắm được máy may mới để ráp quần áo  cho các cửa hàng thời trang
Nhờ vốn phục hồi sinh kế, chị Phạm Thị Hòa Bình đã sắm được máy may mới để ráp quần áo cho các cửa hàng thời trang

Mọi chi tiêu trong gia đình từ chợ búa, học hành, thuốc men đều trông chờ vào đồng tiền chị kiếm được từ công việc sửa quần áo (khoảng 2 triệu đồng mỗi tháng), nên cuộc sống ngày càng chật vật. Hiện tại, chị Bình đang sử dụng chiếc máy may cũ và ao ước có được chiếc máy may điện tử để nhận thêm hàng gia công, nhưng ước mơ nhỏ nhoi ấy nhiều năm rồi vẫn chưa thành hiện thực.

Sinh ra và lớn lên ở huyện Cần Đước, tỉnh Long An, học hết lớp Sáu, chị Bình nghỉ học để theo người lớn làm nghề thêu khăn trải bàn, xi mạ. 20 tuổi, chị lên TPHCM học nghề và làm công nhân may rồi lập gia đình. Năm 2007, chị sinh con thứ hai và cháu được chẩn đoán mắc bệnh beta thalassemia, cần truyền máu suốt đời, vợ chồng chị Bình biết mình và con sẽ phải đối mặt với một cuộc chiến cam go, dai dẳng phía trước.

Để có thời gian chăm sóc con, chị phải nghỉ việc công ty và xin một chân ráp áo khoác cho xưởng may gần nhà. “Trừ những ngày vào bệnh viện, còn lại, hôm nào tôi cũng bồng cháu vô xưởng, cho con nằm trên võng bên cạnh chỗ mình ngồi may” - chị Bình cho biết.

Năm 2021, chồng chị mất khi con gái lớn đang học đại học, còn cháu nhỏ đang cần tăng lượng máu truyền, cuộc sống đã khó lại càng thêm khó…

Cho đến nay, gia đình chị vẫn chưa thoát cảnh khó nhưng đã có những tín hiệu lạc quan. Từ tháng Năm vừa qua, chị treo bảng “Nhận sửa quần áo, vắt sổ, ráp đồ các loại” trước cửa nhà và tự tin tìm mối hàng thời trang về gia công. Chị phấn khởi: “Nhận 5,5 triệu đồng vốn là tôi mua máy may điện tử liền. Cuộc sống quẩn quanh giữa nhà, bệnh viện và trường học, nhiều lúc bế tắc, nhưng được chị em hội phụ nữ quan tâm, mẹ con tôi cũng thêm vững lòng”.

Chị Huỳnh Thị Thanh Thiện vui mừng khi được hỗ trợ 5,5 triệu đồng để đầu tư vào máy móc và hy vọng từ đây việc làm sẽ khởi sắc
Chị Huỳnh Thị Thanh Thiện vui mừng khi được hỗ trợ 5,5 triệu đồng để đầu tư vào máy móc và hy vọng từ đây việc làm sẽ khởi sắc

Cũng như chị Phạm Thị Hòa Bình, được Hội LHPN TPHCM và UN Women trao vốn phục hồi sinh kế, chị Huỳnh Thị Thanh Thiện (43 tuổi) đã sắm máy may mới. Vợ chồng chị có 3 người con đều đang đi học. Gia đình họ sống tại khu phố 2, phường Tân Tạo A, chồng chạy xe giao hàng, còn vợ đưa đón con học hành và nhận ráp quần áo tại nhà.

Chị Thiện bộc bạch: “Tôi rời quê hương Sa Đéc, Đồng Tháp lên TPHCM kiếm sống đã hơn 20 năm, cũng là chừng đó thời gian cha mẹ phải gửi gạo tiếp sức con cháu. Buồn và xấu hổ lắm nhưng không biết làm sao khác được, nhất là từ hồi dịch COVID-19 tới giờ, công việc của vợ chồng đều bấp bênh”.

Có máy may mới, kinh tế gia đình chị Thiện cũng bắt đầu khởi sắc. Hiện, ngoài ráp quần áo sỉ cho tiểu thương các chợ, chị còn nhận may túi đựng giày. “Trước giờ, chúng tôi ăn bữa nay đã lo bữa mai, nhưng vợ chồng luôn động viên nhau cố gắng để các con được học hành tới nơi tới chốn. Hy vọng những ngày tháng tới sẽ sáng sủa hơn” - chị Thiện tâm tình.

Dự án “Ứng phó khẩn cấp và hỗ trợ phục hồi sinh kế sau COVID-19 cho phụ nữ có nguy cơ bị bạo lực” có tổng trị giá lên đến 1,46 triệu USD (hơn 36,5 tỉ đồng), do Chính phủ Úc tài trợ và được thực hiện từ năm 2022-2024. Sau 2 năm thực hiện, đã có 3.591 phụ nữ nghèo, cận nghèo, thất nghiệp hoặc bị mất thu nhập, phụ nữ đơn thân, phụ nữ khuyết tật… ở TPHCM và Tiền Giang được trợ cấp với mức 5,5 triệu đồng/người và hỗ trợ kiến thức, kỹ thuật để tái xây dựng sinh kế, đem lại những tác động tích cực cho khoảng 14.300 thành viên trong các hộ gia đình.

Bên cạnh đó, gần 250 cơ quan, tổ chức liên quan tại TPHCM và tỉnh Tiền Giang cũng được tập huấn về gói dịch vụ thiết yếu dành cho người bị bạo lực, 2.000 nhà cung cấp dịch vụ được tập huấn tăng cường năng lực và hỗ trợ card thông tin để đảm bảo có thể cung cấp dịch vụ 24/7 hỗ trợ phụ nữ và trẻ em bị bạo lực.

Riêng tại TPHCM, đến nay đã có hơn 2.000 phụ nữ được hưởng lợi từ dự án với tổng kinh phí hỗ trợ hơn 13,5 tỉ đồng. Nhóm phụ nữ được hưởng lợi từ dự án là phụ nữ khuyết tật, đơn thân, mang thai hoặc đang có con nhỏ dưới 2 tuổi, phụ nữ trên 60 tuổi, phụ nữ là nạn nhân của bạo lực, bệnh nhân HIV hoặc đang mắc các bệnh mạn tính, phụ nữ thuộc vùng dân tộc thiểu số, lao động nữ di cư, phụ nữ bị ảnh hưởng từ dịch COVID-19.

Ngoài việc hỗ trợ phục hồi sinh kế, dự án còn tổ chức các lớp tập huấn kỹ năng quản lý nguồn vốn, kỹ năng bán hàng, chăm sóc khách hàng, phát huy nguồn vốn hỗ trợ trong phục hồi sinh kế gắn với các hoạt động truyền thông thúc đẩy bình đẳng giới, xây dựng gia đình hạnh phúc và phòng ngừa, ứng phó mọi hình thức phân biệt đối xử và bạo lực trên cơ sở giới…

Mẫn Nhi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI