Đặc sản mất giá, khách sạn bỏ không
Những ngày cuối tháng Tám, đảo Lý Sơn không có bóng dáng du khách ghé thăm. Trước đây, lúc bình thường, các bãi tắm đông nghịt người, nay chỉ lác đác vài dân địa phương. Tất cả khách sạn, homestay dừng hoạt động, hàng quán đóng cửa để thực hiện lệnh giãn cách xã hội dù không có ai ở đảo mắc COVID-19.
Chị Nguyễn Thị Phương - chủ một khách sạn - than, gia đình chị lâm vào cảnh khó khăn, không thu nhập mấy tháng ròng trong khi phải trả khoản vay ngân hàng: “Trước dịch, khách sạn 10 phòng này ngày nào cũng có khách đặt, thu nhập hằng tháng của gia đình hơn 20 triệu đồng. Hiện giờ, cả nhà chỉ biết ngồi chơi chờ hết dịch vì không có đất để trồng hành tỏi, cũng không thể đi biển”.
|
Hoạt động du lịch đình trệ do dịch, người dân ở Cù Lao Chàm (TP. Hội An, tỉnh Quảng Nam) quay sang nghề đánh bắt cá |
Năm 2019, bà Trần Thị Cường đầu tư 3 tỷ đồng xây khách sạn chín phòng. Lúc dịch chưa bùng phát, ngày nào, khách sạn cũng có khách đặt phòng, đợt cao điểm nghỉ lễ, doanh thu 10 triệu đồng/ngày. Kể từ đợt dịch COVID-19 thứ tư, khách sạn của bà đóng cửa nhưng phải trả lãi ngân hàng và tiền vay mượn bên ngoài. Gia đình bà chỉ trông chờ vào việc bán hành, tỏi nhưng tỏi cũng rớt giá thê thảm do không có người mua. Cũng như khách sạn, homestay, các quán cà phê, nhà hàng, quán ăn, xe ôm, ca nô đưa đón khách, cửa hàng bán tỏi, đồ lưu niệm cho du khách cũng đành đóng cửa.
Lý Sơn là một huyện đảo của tỉnh Quảng Ngãi, vốn nổi tiếng với nghề trồng tỏi, đánh bắt hải sản. Vài năm trở lại đây, nhờ du lịch, huyện đảo đã thay da đổi thịt. Du lịch, dịch vụ đã trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, số lượng lao động chỉ chiếm 35% nhưng ngành du lịch, dịch vụ đóng góp hơn 50% tổng sản phẩm của địa phương. Toàn đảo có hơn 133 cơ sở lưu trú gồm 14 khách sạn, 57 nhà nghỉ, 62 homestay với hơn 1.000 phòng, có thể phục vụ trên 3.000 khách/ngày. Hiện tại, không thể cầm cự và trả lãi ngân hàng, một số chủ đã phải bán khách sạn, nhà nghỉ để trả nợ và chuyển vào đất liền sinh sống.
Khi du lịch và dịch vụ đóng cửa, bà con quay lại nghề trồng hành tỏi, đi biển nhưng đầu ra của tỏi phụ thuộc vào du khách và thương lái nay cả hai mối tiêu thụ này đều ngưng trệ. Sản lượng tỏi thu hoạch hơn 300kg/sào, giá bán phải đạt 62.000 đồng/kg mới thu hồi vốn và bù công. Hiện nay, giá tỏi rớt mạnh xuống 30.000 đồng/kg nên bà con lỗ gần 10 triệu đồng/sào. Tổng số tỏi hiện đang tồn đọng của Lý Sơn là 1.800 tấn trong tổng số 2.100 tấn thu hoạch được. Đảo đang vào mùa thu hoạch hành, nhưng nắng nóng kéo dài, thiếu nước tưới, chi phí giống, phân bón cao. Hành được mùa, nhưng giá giảm hơn 20.000 đồng/kg.
Tại xã đảo Nhơn Châu, TP. Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, hoạt động du lịch cũng bị đóng băng từ khi dịch COVID-19 bùng phát cho đến nay. Ông Hồ Nhật Lệ - Chủ tịch UBND xã Nhơn Châu - cho biết, ngay khi có thông tin dịch bệnh xuất hiện ở tỉnh, xã đã tuyên truyền cho người dân để bảo vệ an toàn cho xã đảo du lịch này. Xã thành lập sáu tổ COVID-19 cộng đồng, vừa tuyên truyền, vừa hướng dẫn, giám sát hoạt động phòng, chống dịch.
Từ đầu mùa dịch đến nay, tổ COVID-19 phân công trực ở bến đò, kiểm soát người vào xã, vận động người dân không tụ tập ra biển. Trước đây, người dân trên đảo nuôi trồng thủy sản và bán cho thương lái từ tỉnh Phú Yên sang. Nhưng bây giờ, việc mua bán thủy hải sản cũng gặp khó. Do nhà trên đảo không đủ điều kiện để cách ly y tế nên chính quyền xã đã bố trí khu nhà văn hóa để làm cơ sở cách ly.
Trở lại nghề xưa
Nhiều ngày qua, cán bộ Hội LHPN H.Lý Sơn cùng cán bộ các ngành phối hợp thu mua tỏi giúp dân. Hội đã thu mua được vài tấn tỏi với giá 45.000 đồng/kg, cao hơn gấp rưỡi giá thị trường. UBND huyện cũng đã thống kê, làm thủ tục hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 theo Nghị quyết 68 của Chính phủ, trong đó có hơn 15 chủ khách sạn đủ điều kiện đợt đầu, sau đó sẽ làm thủ tục hỗ trợ đợt tiếp theo cho các cơ sở lưu trú.
Ông Lê Văn Ninh - Phó chủ tịch UBND H.Lý Sơn - cho biết, trong đợt bùng phát dịch thứ tư này, đời sống người dân trên đảo gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là những hộ đã cho người khác thuê đất để làm du lịch, dịch vụ. Lối thoát cho họ vượt khó là quay lại nghề biển. Hiện có khoảng 550 tàu cá, thúng, ghe duy trì việc đánh bắt. Ngư dân đi đánh cá theo ngày, chủ yếu để có thực phẩm phục vụ nhu cầu gia đình, giảm chi phí sinh hoạt hằng ngày, nếu bán thì giá cũng không cao.
Gần một năm qua, cư dân xã đảo Tân Hiệp (Cù Lao Chàm), TP.Hội An, tỉnh Quảng Nam đã quen với việc không ngóng khách từ đất liền. Họ quay nhanh sang làm lưới, sửa ghe, đi biển. Gia đình ông Hồ Thương - ở thôn Bãi Làng - từng có thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm nhờ kinh doanh homestay và làm dịch vụ cho khách thăm đảo. Bỏ lại những ngày vàng son, ông nhanh chóng ra biển: “Thời điểm này năm ngoái, làm chi có chuyện ngồi mà đan lưới như ri, làm chi đi biển được, cả nhà bận rộn đón du khách. Nhưng bữa ni dịch bệnh, vắng khách, vợ chồng tôi chuyển qua đánh cá, đan lưới để mưu sinh. Hồi xưa, một ký cá kình bán cho khách phải hơn 100.000 đồng, chừ bán còn một nửa thôi, chủ yếu kiếm thêm thực phẩm cho bữa ăn, hoặc bán cho bà con, tự lo cho gia đình được”.
Vừa luồn tay đan lưới, chị Phạm Thị Bê kể: “Từ ngày xảy ra dịch COVID-19, khách du lịch không có, người dân ở đây thất thu. Hồi xưa có thu nhập tốt thì gia đình tiêu thoải mái một chút, chừ thì tiện tặn lại. Dịch bệnh là tình cảnh chung nên bà con ai cũng cố gắng hết”.
Bà Phạm Thị Mỹ Hương - Chủ tịch UBND xã Tân Hiệp - cho hay: “Không có du khách, bà con quay lại nghề biển nên ít nhiều vẫn có hoạt động sản xuất để kiếm thu nhập. Bà con không lo thực phẩm vì cứ hai ngày một lần, có hai chuyến tàu ra đảo cung cấp lương thực, thực phẩm. Số thủy sản đánh được, dùng không hết, bà con đưa vô đất liền bán nên cũng yên tâm. Hy vọng dịch bệnh mau qua, khách du lịch lại đến với đảo”.
Nhóm phóng viên