Đổi tên virus, bệnh để tránh sự kỳ thị, định kiến và phân biệt đối xử

20/08/2022 - 06:10

PNO - Một nhóm chuyên gia đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) triệu tập nhằm đặt tên mới cho các biến thể của virus gây bệnh đậu mùa khỉ. Như vậy, trong tương lai gần, tên căn bệnh này cũng sẽ sớm phải thay đổi nhằm giảm sự kỳ thị, cũng như tính chính xác cần được ưu tiên.


 

Các chủng vi-rút gây đậu mùa khỉ đã được đặt tên mới và như vậy căn bệnh này cũng sẽ được đặt lại tên - ẢNH: AP
Các chủng virus gây đậu mùa khỉ đã được đặt tên mới và như vậy căn bệnh này cũng sẽ được đặt lại tên - Ảnh: AP

Nên và không nên

Cuộc họp trong tháng 8/2022 của WHO với sự tham dự của các nhà virus học và các chuyên gia y tế dự phòng đã quyết định đổi tên cả hai biến thể bệnh đậu mùa khỉ. Biến thể Congo Basin sẽ được gọi là Clade I (nhánh I), biến thể Tây Phi có hai biến thể phụ sẽ lần lượt được đặt lại tên là Clade IIa và Clade IIb. Trong đó, Clade IIb là nhánh biến thể thống trị đợt bùng phát dịch toàn cầu hiện nay. Theo WHO, những thay đổi này sẽ có hiệu lực ngay lập tức.

Từ đây đã dấy lên dư luận về việc xem xét đổi luôn tên cho bệnh đậu mùa khỉ. Chưa thể biết chính xác khi nào điều đó xảy ra bởi WHO đang tổ chức một cuộc tham vấn mở để đưa ra các đề xuất tên mới cho căn bệnh. Vậy tên mới sẽ là gì? Khó mà đoán được, nhưng từ năm 2015, WHO đã ban hành hướng dẫn thực hành đặt tên cho các bệnh ở người.

Theo đó, tên bệnh có thể đặt theo các triệu chứng lâm sàng, quá trình sinh lý tham chiếu; nhóm tuổi; diễn biến thời gian, dịch tễ học, nguồn gốc; mức độ nghiêm trọng; thời tiết; môi trường; tác nhân gây bệnh và các yếu tố mô tả liên quan; năm phát hiện hoặc có thể định danh tùy ý theo Alpha, Beta, I, II, III hay 1, 2, 3.

Và WHO lưu ý tên bệnh nên tránh đặt theo vị trí địa lý; tên người; tên loài động vật hoặc thực phẩm; văn hóa, dân số, ngành hoặc nghề nghiệp và những điều dễ gây kích động sự sợ hãi thái quá.

Căn bệnh được đặt tên đậu mùa khỉ vì được xác định lần đầu tiên trên khỉ trong phòng thí nghiệm ở Đan Mạch năm 1958. Mãi đến năm 1970, trường hợp người mắc đầu tiên được ghi nhận là một cậu bé chín tháng tuổi ở Cộng hòa Dân chủ Congo. Có thể thấy tất cả đã diễn ra từ  rất lâu, trước khi các quy ước về đặt tên bệnh ra đời. Thậm chí, các biến thể chính cũng được đặt theo nơi mà chúng được phát hiện đã lưu hành đầu tiên là Congo Basin và Tây Phi.

Vì thế, việc đổi tên là nhằm để giảm sự kỳ thị và phân biệt đối xử. Trong thư ngỏ trên diễn đàn thảo luận về virus, 29 nhà khoa học đã kêu gọi đổi tên khẩn cấp cho các chủng gây bệnh đậu mùa khỉ  sao cho trung lập hơn.

Thư viết: “Trong bối cảnh bùng phát toàn cầu hiện nay, việc tiếp tục nhắc đến danh tính của loại virus liên quan châu Phi không những không chính xác mà còn mang tính kỳ thị, phân biệt đối xử. Biểu hiện rõ ràng nhất của điều này là việc các phương tiện truyền thông chính thống thường sử dụng ảnh bệnh nhân châu Phi để mô tả các tổn thương thủy đậu”. 

Bệnh tật không phân biệt ai

Từ cuộc khủng hoảng  HIV/AIDS vào những năm 1980 đến bệnh đậu mùa khỉ ngày nay, cộng đồng LGBTQ+ luôn trở thành mục tiêu của kỳ thị và phân biệt đối xử.

Dù Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh Mỹ (CDC) đã khẳng định bệnh đậu mùa khỉ có nhiều đường lây khác nhau. Bao gồm tiếp xúc trực tiếp với nốt ban, vảy, dịch tiết đường hô hấp, bị động vật nhiễm bệnh cào hoặc cắn chứ không riêng gì việc tiếp xúc thân mật như hôn, âu yếm, quan hệ tình dục. Nhưng nhiều người vẫn cho rằng căn bệnh là do quan hệ đồng tính luyến ái mà bùng phát.

Có thể thấy việc sử dụng từ ngữ phù hợp với thực tế và sự thật của một căn bệnh rất quan trọng để giúp vượt qua các khủng hoảng toàn cầu. Phương tiện truyền thông xã hội và thông tin sai lệch về bệnh đậu mùa khỉ đã làm trầm trọng thêm sự kỳ thị đối với người LGBTQ+, điều này còn nguy hiểm hơn cả virus.

“Thuốc giải độc” cho thông tin sai lệch vẫn là giáo dục và trang bị kiến thức dựa trên bằng chứng khoa học. Nếu cho rằng đậu mùa khỉ hay HIV/AIDS trước đây là bệnh do đồng tính, tệ nạn xã hội là sai về mặt đạo đức lẫn khoa học. Ai cũng có thể nhiễm bệnh, bất kể khuynh hướng tình dục hoặc chủng tộc.  

Tương tự, các bệnh nhân mắc hồng cầu hình liềm cũng gặp tình cảnh bị phân biệt đối xử. Nghiên cứu toàn cầu cho hay, gần 50% bệnh nhân mắc chứng rối loạn máu di truyền bị đối xử như những người nghiện ma túy khi họ muốn giảm đau khẩn cấp.

Hơn 38% bệnh nhân tin rằng sắc tộc của họ là yếu tố dẫn đến việc được chăm sóc kém. Bệnh hồng cầu hình liềm phổ biến nhất ở những người xuất thân từ vùng châu Phi cận Sahara. Bên cạnh đó, khoảng 5% dân số toàn cầu mang gen này và khoảng 300.000 trẻ sinh ra mắc bệnh mỗi năm. Đa số bệnh nhân ở các nước thu nhập thấp sẽ chết trước năm tuổi.

Kỳ thị, định kiến và phân biệt đối xử đối với người mắc bệnh tâm thần cũng hết sức trầm trọng. Hơn một nửa bệnh nhân tâm thần không nhận được sự giúp đỡ hoặc bị trì hoãn việc được điều trị. Tình trạng kỳ thị thường xuất phát từ sự thiếu hiểu biết hoặc sợ hãi. 

 Nam Anh (theo ABC, CT Mirror, The Guardian)

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI