Đội tàu 'khảo sát đại dương' của Trung Quốc ở Biển Đông có thực sự hoạt động 'nghiên cứu'?

13/08/2019 - 10:00

PNO - Trung Quốc có đội tàu nghiên cứu đại dương 54 chiếc, là nhóm “tiên phong” trong việc mở rộng hoạt động hàng hải của Trung Quốc tại biển Đông.

Sau thời gian căng thẳng với Việt Nam kéo dài một tháng, tàu khảo sát Haiyang Dizhi 8 của Trung Quốc đã rời khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam hôm thứ Tư, ngày 7/8. Vụ việc thu hút sự chú ý của quốc tế về hạm đội 54 tàu “nghiên cứu đại dương” của Trung Quốc và vai trò của chúng trong việc xử lý các tranh chấp trên biển.

Trung Quốc có đội tàu nghiên cứu đại dương 54 chiếc, là nhóm “tiên phong” trong việc mở rộng hoạt động hàng hải của Trung Quốc tại biển Đông. Tiêu biểu trong đội tàu đó là:

Haiyang Dizhi 8 và 9 (Địa chất biển 8 và 9)

Hai tàu nghiên cứu địa chất cùng đi vào hoạt động năm 2017 nên thường được Tân Hoa Xã gọi là “tàu anh em”. Cả hai đều do Trung Quốc tự thiết kế, chế tạo và nằm trong “top” những tàu nghiên cứu tiên tiến nhất của Trung Quốc. Haiyang Dizhi 8 có tổng trọng tải 6.786 tấn, tốc độ tối đa 15 hải lý/giờ, được trang bị thiết bị khảo sát địa chấn ba chiều chính xác cao. Haiyang Dizhi 9 có tổng trọng tải 4.350 tấn, trang bị thiết bị khoan thăm dò biển sâu.

Doi tau 'khao sat dai duong' cua Trung Quoc o Bien Dong co thuc su hoat dong 'nghien cuu'?
 

Haiyang Dizhi 10 (Địa chất biển 10)

Haiyang Dizhi 10 là thành viên mới nhất trong đội tàu, được triển khai vào cuối năm 2017. Tàu nhẹ hơn so với những anh em tiền nhiệm, với lượng giãn nước 3.400 tấn, dù cũng có thiết bị khoan thăm dò biển sâu. Theo Đài Truyền hình quốc gia Trung Quốc - CCTV, tàu vừa hoàn thành cuộc thám hiểm đại dương chung đầu tiên với các nhà khoa học Pakistan tại Ấn Độ Dương tháng 2/2019.

Dayang 1 (Đại dương 1)

Theo Hiệp hội Nghiên cứu và Phát triển tài nguyên khoáng sản đại dương Trung Quốc, Dayang 1 là tàu nghiên cứu đại dương toàn diện hiện đại đầu tiên của Trung Quốc, bắt đầu thực hiện nhiệm vụ năm 1995. Con tàu được tái sử dụng từ một tàu nghiên cứu của Liên Xô, sản xuất năm 1984, trải qua nhiều lần nâng cấp với chi phí hơn 100 triệu nhân dân tệ (14,2 triệu USD).

Dayang 1 chứa 10 phòng thí nghiệm để nghiên cứu đa lĩnh vực, từ hoạt động địa chấn đến sinh học biển. Tính đến năm 2018, tàu đã thực hiện 52 nhiệm vụ nghiên cứu.

Haiyang 6 (Hải Dương 6)

Haiyang 6, trị giá 400 triệu nhân dân tệ (gần 57 triệu USD), triển khai từ năm 2009, đã phá vỡ kỷ lục về chuyến đi dài nhất, với số thủy thủ đoàn nhiều nhất và khu vực hoạt động lớn nhất cho một tàu khảo sát của Trung Quốc năm 2017. Hoạt động nghiên cứu của Haiyang 6 tập trung vào khí tự nhiên.

Zhang Jian

Zhang Jian là tàu khảo sát đầu tiên của Trung Quốc có khả năng thực hiện nghiên cứu dưới biển ở độ sâu hơn 10.000m. Dù là thành viên của đội tàu nghiên cứu quốc gia Trung Quốc, con tàu thuộc sở hữu của một công ty công nghệ hàng hải tại Thượng Hải. Zhang Jian đi vào hoạt động từ năm 2016.

Tàu Zhang Jian thu hút sự chú ý của truyền thông Philippines đầu tháng 8/2019, khi xuất hiện trong phạm vi 80 hải lý từ bờ biển phía Đông Philippines. 

Tuy tất cả đều mang danh là tàu nghiên cứu, hải trình của đội tàu này đều khiến thế giới lo ngại về mộng bá chủ của Trung Quốc và không ai dám chắc liệu những chiếc tàu này thực sự đi nghiên cứu khoa học thuần túy hay còn chở thêm những gì, thu thập các dữ liệu gì ảnh hưởng tới an ninh những khu vực chúng đi qua và cả trên phạm vi thế giới. 

Linh La (theo SCMP, CCTV, Zhejiang News)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI