Một người đàn ông nói với con mình: “Ở Sài Gòn mà được sống trong cư xá, coi như cuộc sống văn hóa của gia đình sẽ có được cái nếp thị dân đáng hãnh diện”.
|
Cư xá Đô Thành |
Với nhiều người nhập cư, có căn nhà ở cư xá và được sống đời cư xá là mơ ước đẹp nhất của cả cuộc đời thị dân. Vì sao cuộc sống ở cư xá lại quyến rũ người ta đến vậy? Những con đường nội bộ thông thoáng, hoa giấy rực rỡ cùng đủ loại sắc màu dây leo; những căn nhà lúc nào cũng có dáng thanh lịch; hàng hiên từng nhà đầy bóng cây xanh che mát cho ghế xích đu, ghế đá.
Buổi sáng chim hót vang lừng, buổi trưa khẽ khàng tiếng mận, tiếng ổi rụng, đêm ngọt ngào mùi hương lài, hương ngọc lan… Chính vì môi trường cư xá Sài Gòn trong lành và sống theo nền nếp văn minh, nên người nhập cư luôn nhận thức rõ về một không gian sống tối ưu mà đời mình hướng tới.
Những lúc đời sống gặp bế tắc hoặc khi có chuyện vui, tôi vẫn thường dạo quanh những khu cư xá Lữ Gia, Đô Thành, Bắc Hải, Lê Đại Hành, Chu Mạnh Trinh, Phú Lâm... Tôi có người thầy ở cư xá Lữ Gia. Nhà thầy có bốn chậu mai tứ quý để trước mặt tiền. Tôi cũng có bạn ở cư xá Đô thành. Ông này chuyên đi bộ đến sở làm vì ông tin, với chuyện đi bộ, ông được thảnh thơi hơn với Sài Gòn năng động nhưng không vội vã.
Khu cư xá Lữ Gia
|
Ở cư xá Lê Đại Hành có cây mận to và nguyên căn nhà sơn màu mận chín. Đó là nhà bạn chúng tôi. Mỗi lần vào một khu cư xá nào đó, cảm giác trước tiên người ta có được là thoát khỏi những bức tường cao ốc, biệt thự, thoát khỏi những ngoằn ngoèo hẻm nhỏ, thoát khỏi cái vẻ luộm thuộm của đời sống chung cư.
Phòng khách của nhiều căn nhà cư xá cũ vẫn còn trang trọng cái tủ thờ, những bức tranh tráng thủy, những khung ảnh gia đình, bộ ghế salon gỗ, tủ ly... Khách bước vào nhà lúc nào cũng được người nhà ra chào và mời nước. Khi chiếc quạt trần quay nhè nhẹ xua bớt cái nóng đô thị nhiệt đới thì chủ nhà sẽ hỏi thăm về cảm giác của khách khi đến nhà chơi, sau đó là những câu chuyện về thời tiết, việc làm, giải trí.
Người cư xá tiếp khách dù thân hay sơ cũng không bao giờ khoe của, khoe địa vị. Nếu có điều gì đó họ khoe thì đó là chuyện học hành tiến bộ của con cháu hoặc cây kiểng trong nhà. Cung cách rước chuyện khách của người cư xá không khách sáo, không lơ là, vừa chừng mực và tử tế. Họ luôn lắng nghe và luôn cảm ơn - những phẩm chất được giữ gìn cẩn trọng.
Thầy chúng tôi nói: “Nền nếp lối sống văn minh của cư dân đô thị được thăng hoa và duy trì đều trông cậy vào tầng lớp trung lưu. Và không ở đâu giới trí thức trung lưu quần cư trọn vẹn bằng cư xá”. Với một người đến từ miền quê như tôi, cần định hình nếp sống chuẩn mực thị dân thì lời thầy nói như một chuẩn để noi theo. Không ai đến đô thị này để chinh phục cả. Động lực trước tiên của lưu dân là tìm kiếm một đời sống tốt hơn và tấm gương sống văn minh của người cư xá Sài Gòn là hình mẫu.
Một con đường trong khu Bắc Hải
|
|
Buổi sáng, những bà mẹ, người chị quét sân và quét luôn cả đoạn đường trước cửa nhà; chuyện dắt chó đi vệ sinh cũng tự hốt; con nít phá cây làm ồn sẽ nhận được lời khuyên răn, không ai mắng chửi; tiếng ồn từ sinh hoạt mỗi nhà đều hạn chế tối đa. Những người có điều kiện, sắm được xe hơi cũng cố sao cho mình đừng lố bịch; ngay cả đám ma, đám cưới cũng chừng mực đúng lễ, không rình rang... Nhịp sống hàng ngày của người cư xá là tôn trọng cộng đồng và phẩm chất ấy trở thành một tấm gương.
Tất nhiên ngày nay, giữa thời buổi kim tiền, nhiều nếp sống văn minh của người cư xá Sài Gòn đã thay đổi hoặc bị phá hỏng. Vài ông chủ nào đó không ngần ngại mua mấy căn cư xá một lúc để dồn đất cất lên một biệt thự kệch cỡm, lòe loẹt. Các quán karaoke, quán nhậu, cà phê nhạc cứ từng chút một cắn phá không gian cư xá. Không một lời xin phép, xe hơi đậu choán cửa nhà hàng xóm, tiếng xe gắn máy, tiếng các dàn loa nghe nhạc gia đình bắt đầu tra tấn nhau...
Từ tư thế của một người nhập cư Sài Gòn cũ, tôi mong muốn hỏi những người đến sau: từ nông thôn, tỉnh lẻ anh đến Sài Gòn, anh mang nền nếp sống gì đến đất này? Nếu là đại gia, anh mang nền nếp sống gì đến các khu nhà biệt thự? Chẳng lẽ cứ theo mãi nếp sống thôn quê, tỉnh lẻ với những thói quen không còn phù hợp và thường khi vô tình phá hỏng nền nếp của cộng đồng văn minh thị dân. Trong tất cả những cái mất đi của một đô thị lớn như Sài Gòn thì cái đáng sợ nhất là đánh mất mảng văn hóa của người cư xá - một thời là tấm gương của đô thị này.
Nếu phá hủy không gian sống văn minh của các cư xá Sài Gòn, người đô thị này sẽ còn lại gì?
Trần Tiến Dũng