Đời sống người cao tuổi Việt có được hanh thông?

06/06/2023 - 06:05

PNO - Già là giai đoạn cuối cùng của một đời người, không ai muốn nhưng nó là quy luật. Do vậy, từ quốc gia tới mỗi gia đình, cá nhân người cao tuổi đều phải tính đến việc làm sao cho quãng thời gian đó ít tổn thương nhất và hạ cánh cũng như biến mất nhẹ nhàng nhất có thể.

Việt Nam là một trong các quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Vào năm 2019, số người từ 60 tuổi trở lên chiếm 11,9% tổng dân số, nhưng đến năm 2050, con số này sẽ là hơn 25%, có nghĩa là cứ 4 người thì có 1 người già. 13 năm nữa, đến năm 2036, Việt Nam chính thức trở thành quốc gia già. Người già Việt Nam hiện đang phải đối mặt với rất nhiều vấn đề, tập trung vào chuyện thu nhập, sức khỏe và đời sống tinh thần. 

Hiện nay, mỗi công chức về hưu trung bình lĩnh được 2,5-3 triệu đồng/tháng. Số tiền này tạm đủ sống ở nông thôn, còn ở các thành phố lớn như Hà Nội và TPHCM thì rất chật vật, nhất là khi đau ốm. Một bộ phận rất lớn khi quá 60 tuổi, không có lương hưu, phải tự bươn chải thì rất vất vả. 

Một ưu thế của Việt Nam lâu nay là tinh thần “trẻ cậy cha, già cậy con cháu”, hoặc nhờ cậy dòng họ, xóm giềng, nhưng truyền thống đó đang ngày càng suy giảm khi bước sang xã hội hiện đại. 

Ngoài chuyện già hóa nhanh thì người già Việt Nam có chất lượng sức khỏe thấp. Theo báo cáo của Tổng cục Dân số Kế hoạch hóa gia đình - Bộ Y tế, tuổi thọ trung bình của người Việt đã tăng cao (73,5 tuổi) nhưng số năm sống khỏe mạnh lại thấp hơn so với nhiều quốc gia, chỉ khỏe mạnh đến 64 tuổi, đặc biệt có 67,2% người cao tuổi có tình trạng sức khỏe yếu và rất yếu.

Phụ nữ có trung bình 11 năm sống trong bệnh tật, trong khi ở nam giới là 8 năm. Bình quân mỗi người cao tuổi có 3 bệnh, đối diện với nguy cơ tàn phế. Những bệnh thường mắc là mạch vành, tăng huyết áp, tiểu đường, thoái hóa khớp, ung thư… Ngoài ra còn các hội chứng đặc trưng như suy giảm nhận thức, trí nhớ, lú lẫn, trầm cảm…

TPHCM có hơn 600.000 người cao tuổi, tỉ lệ già hóa dân số tăng nhanh. Một nghiên cứu vào năm 2018 cho thấy hơn 95% người già ở TPHCM chỉ ngồi nhà xem ti vi, vì ra đường thì sợ tai nạn giao thông và cũng không biết đi đâu vì ở thành phố không có nơi dành riêng cho người già. Ở Hà Nội, có lẽ do còn ảnh hưởng văn hóa làng xã nên các cụ còn hay la cà nhà này nhà khác, sáng ra tập dưỡng sinh, thứ Bảy - Chủ nhật thì tụ họp trong các câu lạc bộ thơ, ca múa hát, lễ hội, chùa chiền… nên các cụ còn khỏe chân khỏe tay. 

Trong bối cảnh đó, để chuẩn bị đón nhận và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người già, rất nên:
Có nghiên cứu kỹ lưỡng về mọi khía cạnh để có những chính sách hợp lý, dài hạn và chủ động. 

Quy hoạch đô thị cần dành đất cho các viện dưỡng lão với đầy đủ các khu chức năng như cư trú, ăn ngủ, chăm sóc y tế, vật lý trị liệu phục hồi sức khỏe, thư giãn, công viên cây xanh, và hậu sự… Các viện này phải gần các bệnh viện lớn và không quá xa trung tâm thành phố để con cháu có điều kiện tới thăm. 

Cần xây dựng một hệ thống an sinh xã hội và quỹ hưu trí để người trẻ có thể tích lũy từ khi mới đi làm (21 tuổi) đến khi nghỉ hưu (60-65 tuổi) đủ tài chính để vào sống trong nhà dưỡng lão ở mức trung bình (7-10 triệu đồng/tháng) mà không phụ thuộc vào con cái. 

13 năm chỉ tương đương với 3 nhiệm kỳ lãnh đạo, cho nên rất có thể sẽ trở tay không kịp khi “làn sóng già” ập tới. 

Tiến sĩ Nguyễn Minh Hòa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI