Đội quân tóc dài ra đời trong phong trào Đồng khởi của tỉnh Bến Tre năm 1960, sau đó lan ra toàn miền Nam. Khi đánh giá về vai trò của phụ nữ miền Nam trong kháng chiến chống Mỹ, cố Tổng bí thư Lê Duẩn từng viết: “Một nét độc đáo của cách mạng miền Nam là đã sản sinh ra đội quân tóc dài, một lực lượng cách mạng mạnh mẽ và hùng hậu, chứng minh khả năng cách mạng vô cùng to lớn của phụ nữ nước ta”.
Ngày 5/12, Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ tổ chức hội thảo khoa học Vai trò của đội quân tóc dài trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước nhân kỷ niệm 75 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam, 60 năm ngày Đồng khởi Bến Tre và 100 năm ngày sinh nữ tướng Nguyễn Thị Định, người lãnh đạo chủ chốt của phong trào Đồng khởi.
Những người mẹ cầm súng
Năm 1965, nhà văn Nguyễn Thi viết tác phẩm Người mẹ cầm súng. Nhân vật chị Út Tịch với câu nói nổi tiếng “Còn cái lai quần cũng đánh” trở thành biểu tượng anh hùng đại diện cho tất cả những người mẹ, phụ nữ miền Nam lúc bấy giờ. Trong Nhật ký Lê Anh Xuân, có đoạn miêu tả về sự kiện đấu tranh của 12.000 đồng bào Bến Tre ngày 20/11/1965: “Tại ngã tư Trúc Giang, lúc 5 giờ sáng, 2.000 đồng bào lặng lẽ chạy băng băng lên chiếm lộ. Những em bé bám chặt vào cổ mẹ, trong lúc mẹ xung phong, xõa khăn xõa tóc. Các mẹ già tay chỏi gậy, tay xách đãy trầu cũng xung phong. Các chị mang thai thận trọng nhưng nhanh nhẹn cố bám chặt đội ngũ…”.
|
Nữ dân công tải đạn ra chiến trường - Ảnh tư liệu, báo Ấp Bắc |
Một cuộc đấu tranh bùng nổ khác tại huyện Cai Lậy diễn ra ngày 10/6/1961, với hơn 10.000 người tham gia. Đoàn quân tóc dài giơ cao băng-rôn, biểu ngữ phản đối khu trù mật, đả đảo quốc sách ấp chiến lược của chính quyền Ngô Đình Diệm. Cuối cùng, kẻ thù phải nhượng bộ. “Khi tiếng súng đồng khởi nổ ra đầu tiên tại Định Thủy, chị em phụ nữ đã chuẩn bị gậy gộc, dao mác, dây, súng bập dừa… và tổ chức thành đoàn biểu tình tiến công vào sở tề xã, áp đảo, phá rã lực lượng ba đại đội của Tổng đoàn dân vệ.
Ngày 14/9/1960, phụ nữ đã cùng quân dân tỉnh Trà Vinh nổi dậy phá rã tề ấp ở xã Trường Long Bình (huyện Duyên Hải), san bằng đồn bốt ở tuyến Ba Động, Nhị Long (huyện Càng Long). Tại Long An, cuộc đấu tranh chính trị của hơn 8.000 phụ nữ kéo dài nhiều ngày, kéo ra lộ 4 và các đồn bốt địch làm tắc nghẽn giao thông. Không những thế, chị em còn đưa tin: “Giải phóng về rất đông, đừng càn quét vào đó, chết uổng mạng” khiến địch hoang mang, lo sợ” - thạc sĩ Nguyễn Thị Kiều Oanh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, nêu những cuộc đấu tranh tiêu biểu.
Từ trong phong trào đấu tranh đã sản sinh hàng vạn nữ chiến sĩ ưu tú, nữ cán bộ xuất sắc. Những “người mẹ cầm súng” không chỉ lan rộng từ miền Tây đến Sài Gòn - Gia Định, miền Đông Nam bộ, mà còn lên các tỉnh Tây Nguyên. Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Vân - nguyên Giám đốc Bảo tàng Gia Lai chia sẻ thông tin: “Cuối năm 1958, địch tàn sát một lúc tám mươi đồng bào người Jrai ở Plei Ngo (huyện 5, tỉnh Gia Lai), đốt sạch nhà cửa, phá nương rẫy và công cụ lao động hòng làm đồng bào ta khiếp sợ.
Song kẻ thù càng tàn bạo thì sự vùng dậy của nhân dân Tây Nguyên càng mãnh liệt, trong đó có lực lượng đông đảo là phụ nữ. Chị em đồng bào dân tộc thiểu số dựa vào phong tục tập quán, dùng lý lẽ sắc bén để đấu tranh với kẻ thù. Khi địch bắt xé cờ, chị em quyết liệt: “Màu cờ đỏ là màu máu, chị em tôi sợ lắm, không dám xé”. Địch bắt đâm hình nộm Việt cộng, chị em viện cớ “sợ Yàng bắt” để không làm”.
Chỉ riêng tỉnh Gia Lai, năm 1962 đã có 453 cuộc đấu tranh chính trị, binh vận với địch. Đến năm 1967, lực lượng du kích nữ lên đến 1.225 người. Đồng bào các buôn làng ở Đắk Lắk kiên quyết ra rừng ở, không để bị địch dồn vào ấp. Để đấu tranh ngăn chặn không cho địch phá rẫy, chị em ra nằm chặn bờ rẫy. Còn đội quân tóc dài ở miền Tây tính đến năm 1965 có trên hai triệu người. Đội quân đặc biệt này hợp tan không cố định, không có trường đào tạo, huấn luyện, không được trang bị vũ khí, không có quân trang… nhưng đã vận dụng nhuần nhuyễn phương châm ba mũi giáp công: chính trị, binh vận và vũ trang.
"Xin cám ơn người, người mẹ của tôi..."
Góp phần vào thành công chung của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, những chiến công, những cuộc đấu tranh vang dội được ghi vào sử sách. Nhưng cũng có rất nhiều người đã ngã xuống. Những người già, phụ nữ mang thai, có con nhỏ… khi sa vào tay địch đều chịu những đày đọa, tra tấn nhục hình.
Lời bài hát Người mẹ của tôi của nhạc sĩ Xuân Hồng đã khiến bao người rơi lệ: “Nước mắt mẹ không còn/ Vì khóc những đứa con…”. Nhưng rồi, chính những người mẹ ấy cũng phải nén đau thương, đứng lên. Như các mẹ Trần Thị Oanh, Nguyễn Thị Kiềm, Huỳnh Thị Hai (Chợ Mới, An Giang) đều tiễn đứa con duy nhất lên đường chiến đấu, cùng nhận về tin các con đã hy sinh. Cả ba mẹ phải nén buồn đau mà tiếp tục hoạt động bí mật, che giấu, nuôi chứa cán bộ.
“Mẹ Nguyễn Thị Ảnh làm liên lạc cho cách mạng bị bắt giam hết nhà lao Long Xuyên tới Sài Gòn. Những ngón đòn dã man, tàn độc chúng đều đem ra sử dụng nhưng vẫn không khuất phục được mẹ. Cứ ra tù là mẹ lại bắt liên lạc với tổ chức. Kết hôn chưa được bao lâu, chồng bị bắt, bị đày ra Côn Đảo, rồi hy sinh. Người con nuôi duy nhất của mẹ bị Khmer Đỏ bắt, anh đã mãi mãi nằm lại bên kia biên giới…” - bà Bùi Thị Thúy, Giám đốc Bảo tàng An Giang bùi ngùi.
Rất nhiều người mẹ Việt Nam anh hùng như thế trên dải đất hình chữ S, mà hội thảo Vai trò của đội quân tóc dài trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước cũng chỉ có thể khái quát một phần hy sinh, mất mát. Những mẹ Phan Thị Thao (Vĩnh Long), Nguyễn Thị Sảnh, Nguyễn Thị Hạo (Bến Tre), Trần Thị Ngời, Lê Thị Hỏi, Trần Thị Sen, Nguyễn Thị Phước (Long An)… với những câu chuyện cuộc đời xứng đáng nhận về những cái cúi đầu lặng lẽ của thế hệ sau.
Phụ nữ miền Nam và huyết mạch giao liên “Xuyên suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, có một đường dây lặng lẽ nhưng mang tầm quan trọng của mạch máu kháng chiến được thiết lập. Đó là công tác giao thông - liên lạc từ vùng địch ra vùng giải phóng và ngược lại. Những người mẹ, người chị chân chất nhưng mưu trí, gan dạ, những cô gái trẻ, những nữ sinh, cả phụ nữ có con nhỏ đều tham gia công tác giao liên. Bà Nguyễn Thị Giả (Hóc Môn) dưới danh nghĩa người đi bán trầu đã len lỏi khắp nơi làm liên lạc cho cán bộ Trung ương, Xứ ủy. Bà Võ Thị Chính (Thủ Thừa, Long An) làm nghề mua bán rượu đảm nhận đường dây liên lạc Xứ ủy - Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn, Đặc ủy Vàm Cỏ Đông với Tỉnh ủy Tân An. Bà Lê Thị Kim Chi nhận nhiệm vụ mật mang bức họa đồ của Bí thư Xứ ủy Tạ Uyên từ Trà Vinh về Mỹ Tho, bị địch phát hiện, cố nuốt tài liệu mật, bị bắt và kết án hai mươi năm khổ sai… Rất nhiều nữ chiến sĩ khi sa vào tay giặc bị tra tấn dã man, nhưng đến chết các chị vẫn giữ vẹn lòng kiên trung với cách mạng. Không sao kể hết những tổn thất, hy sinh của những nữ chiến sĩ trên đường làm nhiệm vụ. Nhưng đường dây giao liên bằng nhiều hình thức vẫn luôn tồn tại và hoạt động qua suốt hai cuộc trường chinh giữ nước”. Nhà văn Trầm Hương |