edf40wrjww2tblPage:Content
Trong chiến tranh, nhiều tấm gương nữ đảng viên, cán bộ phụ vận hy sinh vì Tổ quốc, hoặc âm thầm làm hậu phương, tiếp sức cho cuộc chiến, tô điểm thêm trang sử vàng của Đảng; và suốt gần 40 năm kể từ ngày đất nước thống nhất, sự hy sinh, dấn thân của đội quân tóc dài ấy không lúc nào ngừng nghỉ…
“KHẮC TINH” CỦA TỘI PHẠM
11g đêm một ngày tháng 10/2014, đang chạy xe trên đại lộ Võ Văn Kiệt, chị K.T. (18 tuổi) bị một thanh niên chặn đầu xe. Chưa kịp hiểu chuyện gì, chị T. đã lãnh ngay một cú đánh như trời giáng vào đầu. May có mũ bảo hiểm nên không bị thương, nhưng chị T. ngã nhào xuống đường.
Thanh niên đó vội leo lên xe chị T. rồ ga chạy. Tới góc ngã ba đại lộ Võ Văn Kiệt - Vạn Tượng (Q.5), do chạy với tốc độ cao, đối tượng mất lái, xe cày một đoạn dài ngay mé kênh Hàng Bàng. Lúc này chị T. đang cố chạy theo và kêu cứu, người như lả đi vì mệt, sợ hãi. Những ngôi nhà gần đó đã tắt đèn đi ngủ.
Bỗng, một cánh cửa bật tung, một phụ nữ lao nhanh ra, nhìn qua, bà hiểu chuyện gì đang xảy ra liền điện thoại gọi báo cho công an phường. Đồng thời, bà cùng vài người dân vừa chạy tới vây quanh đối tượng, “cắt” đường thoát của tên này. Chị T. được nhận lại xe, đối tượng tên N.T.S. (29 tuổi) bị bắt. Người phụ nữ âm thầm trở vào nhà.
Bà Liên (bìa trái) - khắc tinh của tội phạm
Người phụ nữ ấy dong dỏng cao, hay cười và trò chuyện cởi mở. Bà có thói quen tập thể dục vào buổi sáng, tối và tham gia câu lạc bộ dưỡng sinh, để rèn sức khỏe và rèn… cái đầu.
Có lần, đang đi bộ thì bà phát hiện một nhóm thanh niên tụ tập, thậm thò thậm thụt. Thấy nghi, bà giả vờ quơ tay, chân đi tới đi lui quan sát. Được một lúc thì bà bước lại, thẳng thắn hỏi: “Các cháu ở đâu mà tới đây chích ma túy?”. Cả nhóm trợn tròn mắt, lí nhí nói: “Tụi con bên Q.8 qua” rồi rồ ga chạy đi.
Lần khác, có nhóm đối tượng túm tụm trên đường Vạn Tượng. Họ ngó trước nhìn sau, liếc dọc liếc ngang. Từ trên tầng gác mái của ngôi nhà nhỏ, bà nhìn xuống, chăm chú quan sát cử chỉ của từng người. Khi phát hiện cảnh “mua bán”, không chần chừ một giây, bà nhấc điện thoại báo công an. Kết quả là nhóm đối tượng trên bị bắt quả tang đang mua, bán ma túy.
Trên đây chỉ là ba trong số những vụ việc mà bà Lê Thị Liên (SN 1955), tổ trưởng Tổ phụ nữ (PN) 13, KP.2, P.13, Q.5, TP.HCM cung cấp thông tin cho lực lượng công an phường và cảnh sát khu vực kịp thời truy bắt, trấn áp đối tượng cướp giật, mua bán ma túy trên địa bàn.
Bà Liên tâm sự: “Sự thẳng thắn của tôi đôi khi khiến người ta phật ý, thậm chí tôi có thể nguy hiểm tính mạng. Nhưng nếu mình biết điều sai quấy mà không làm, liệu mình có còn là một đảng viên?”. Mọi người dần quen hình ảnh bà Liên xung trận mang bình an cho khu phố (KP). Dọc từ ngõ đại lộ Võ Văn Kiệt, quẹo vô Vạn Tượng qua Phùng Hưng, Trịnh Hoài Đức, Nguyễn An Khương…, nơi nào cũng nghe người dân nhắc đến bà Liên với sự trìu mến.
CHỖ DỰA CHO NGƯỜI NGHÈO
Có những người phải sống trong căn nhà dột nát, nay có mái ấm khang trang; có những thanh niên quậy phá, nay đã “quay đầu”; những chị em nghèo khó vươn lên làm chủ cuộc đời… Người thầm lặng góp sức vào những thay đổi đó là bà Hồ Thị Hoa (KP.1, P.6, Q.Bình Thạnh, TP.HCM), một đảng viên đã nghỉ hưu từ năm 1997, về tham gia sinh hoạt tại địa phương.
Nhờ sự nhanh nhạy, uy tín, bà Hoa được bầu làm phó bí thư, rồi bí thư chi bộ KP. Trong các đoàn thể tại KP bà Hoa sinh sống, Hội PN lúc bấy giờ danh sách có đến cả trăm hội viên (HV), mà mỗi kỳ sinh hoạt chi hội chỉ tập hợp được vài người.
Bà Hoa kể: “Khi thấy tôi cứ trăn trở về Hội PN, nhiều đảng viên trong chi bộ đã “bàn ra”, ý muốn có sao chịu vậy. Có người còn nói xa gần, đại ý “có giỏi thì xắn tay vô làm”… Không phải vì lời “thách thức” này mà chính vì thấy việc để một tổ chức quần chúng xìu xìu như thế tôi không chịu được, nên đã xung phong tham gia vào Hội để vực dậy phong trào”.
Dù không còn đảm nhận chức vụ tại địa phương, nhưng bà Hoa luôn gắn bó và giúp đỡ những ai cần
Từ ngày ấy, bất kể thời tiết nắng mưa, hàng ngày bà Hoa đều đạp xe đến từng nhà tìm hiểu hoàn cảnh, chuyện trò với các chị em. Thấy gia đình chị Trần Thị Kim Dung rơi vào ngõ cụt từ khi chồng chị bị tai biến mạch máu não qua đời, ba trong bốn đứa con của chị nghe theo lời bạn bè hút, chích ma túy, một đứa thì bán ma túy và bị bắt, bà Hoa liên hệ với phường giúp hai người đi cai nghiện. Đứa đi tù về cũng được bà hỗ trợ tìm việc làm, lập gia đình, sinh con. Bà Hoa còn vận động chị Dung tham gia sinh hoạt Hội PN tại địa phương, giờ chị đã là một tổ trưởng PN tổ 9, KP.1 kiêm tổ trưởng tổ dân phố, tổ trưởng Chữ thập đỏ.
Để thu hút HV, bà Hoa cũng có lắm “chiêu” riêng. Thoạt đầu, mỗi lần đi họp, bà Hoa bỏ tiền túi ra và phát tiền cho mỗi tổ trưởng để giúp các chị mua bút viết, làm sổ sách quản lý HV, mua bánh kẹo phát cho con em HV để trẻ vui, mẹ yên tâm đi họp. “Số tiền mang tính động viên, chia sẻ nên các chị vui lắm. Lần nọ, tôi đề nghị, lần sau mỗi chị tổ trưởng nên dẫn theo một người đi họp”.
Ngoài việc cậy các tổ trưởng làm chân rết, bà Hoa còn tranh thủ những lúc rảnh rỗi, đạp xe gõ cửa từng nhà chị em khó khăn để nắm hoàn cảnh, nhu cầu vay vốn, học nghề…, đồng thời “quảng bá” về Hội. Bà phân tích những lợi ích mà Hội đem đến, không chỉ là hỗ trợ về nguồn vốn cho HV khó khăn làm kinh tế, mà còn giúp các chị có thêm kiến thức và kỹ năng sống khi tham gia những buổi tuyên truyền, tập huấn về hôn nhân, gia đình, pháp luật...
Năm nay, bước qua tuổi 75, bà Hoa giao công việc lại cho lớp trẻ. Nhưng bà vẫn gắn bó với sinh hoạt tại địa phương, giúp đỡ những ai cần giúp. Lý giải cho “tính tiên phong” của mình trong rất nhiều công tác tại địa phương, bà Hoa dí dỏm: “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau mà”.
NHIỆT HUYẾT TỪ LỚP TRẺ
Nếu bà Liên, bà Hoa tiêu biểu cho thế hệ đảng viên - cán bộ Hội đã nghỉ hưu nhưng vẫn xông xáo vì quần chúng, thì Trương Thị Kim Chung, Chi hội trưởng Chi hội KP.5, P.Tân Sơn Nhì, Q.Tân Phú lại là một chân dung đảng viên - cán bộ Hội trẻ trung, năng động và đầy nhiệt huyết.
Là con gái của đại tá Trương Bá Kiệt - nguyên Sư đoàn phó Sư 317, Quân khu 7, trưởng thành từ phong trào đoàn của KP rồi cấp phường, cấp quận, nên năm thứ hai đại học, Chung được vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đảng.
Lấy chồng, sinh con, Chung bắt đầu tham gia sinh hoạt Hội PN KP. Sau khi mở trường mầm non tư thục Đan Vy, cô được tín nhiệm bầu làm Chi hội trưởng Chi hội PN KP.5 đến nay.
Khi vào BCH chi hội, Chung phát hiện con số trên giấy tờ KP cô quản lý hơn 400 HV, nhưng thực tế tham gia sinh hoạt chỉ vài chục người.
Chung nhớ lại: “Mấy đêm liền tôi mất ngủ. Đau đầu lắm. Con số ấy không chỉ là “thành tích” riêng của KP mà còn ảnh hưởng dây chuyền đến số lượng HV của phường, quận và TP. Nếu tôi để yên mọi chuyện, rồi im lặng củng cố sổ sách theo người tiền nhiệm, có lẽ cũng "ổn". Thế nhưng tự soi lại mình với tư cách một người quản lý giáo dục, một đảng viên… tôi thấy làm việc sai trái, ắt sẽ vô cùng hổ thẹn. Tôi lập tức báo cáo với cấp ủy, và Hội LHPN P.Tân Sơn Nhì, đồng thời lập phương án củng cố hoạt động Hội”.
Kim Chung (áo sọc) đang hướng dẫn đoàn khảo sát nhóm trẻ
Kiên quyết không để hoạt động Hội giẫm chân tại chỗ, Chung chọn cái riêng của địa phương để làm “đặc sản” thu hút HV, PN. Chung kể: “Công trình hỗ trợ phát triển các nhóm trẻ tư thục, mầm non ngoài công lập dựa vào cộng đồng của Đại hội Hội LHPN TP.HCM và đề án giáo dục 5 triệu bà mẹ nuôi dạy con tốt của Trung ương Hội như một chiếc phao cứu phong trào KP”. Dựa vào những tiêu chí chung của đề án và công trình, Chung tổ chức nhiều chuyên đề cho các ông bố, bà mẹ có con dưới 36 tháng tuổi tham gia. Ban đầu cô “gói” trong số phụ huynh của trường Đan Vy, sau đó, sinh hoạt này lan tỏa dần ra cả KP…
Là cụm trưởng của các nhóm trẻ gia đình trên địa bàn P.Tân Sơn Nhì, đồng thời là chủ một trường mầm non tư thục, nên với Chung, trách nhiệm giúp sức, hỗ trợ để hoạt động các nhóm trẻ chất lượng, chăm sóc tốt nhất cho các bé thơ để cha mẹ yên tâm công tác, mưu sinh là nhiệm vụ chính yếu nhất của mình. Cô say sưa với việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhóm trẻ gia đình; đồng thời giúp các cô giáo, bảo mẫu học tập nâng cao trình độ; giúp các chủ nhóm trẻ nắm bắt thông tin, tham gia tập huấn kiến thức chăm sóc trẻ, an toàn vệ sinh…
Khi nhiều nơi than khó với cuộc vận động xây dựng “Gia đình 5 không, 3 sạch”, KP5 của Chung lại tỏ ra tâm đắc. Vấn đề thách thức của Hội LHPN KP5 bây giờ là lan tỏa cuộc vận động đến toàn bộ khu dân cư. Chung chia sẻ: “Việc góp sức giúp PN học tập, lao động để tiến bộ, xây dựng gia đình hạnh phúc là một chủ trương đúng đắn của Hội, nhưng càng làm, tôi càng thấy sức mình có hạn. Mỗi lần phát hiện một cảnh đời khó khăn, hay nghe chuyện một PN bế tắc chuyện hôn nhân, gia đình ở KP tôi lại thấy như mình còn nhiều trách nhiệm…”.
Nhưng không phải khó là buông xuôi, với cô đảng viên trẻ trung, sôi nổi này, càng khó khăn, cô càng dấn thân, đeo bám. Nhờ sự kiên trì của Chung và các chị trong BCH, Chi hội KP5 đã kiện toàn các tổ Hội và củng cố sinh hoạt thường xuyên. Số lượng HV hiện tại chỉ 120 người nhưng, “đó là con số chất lượng!” - Chung tự tin khẳng định.
Bên cạnh lớp đảng viên dày dạn kinh nghiệm như bà Liên, bà Hoa… những đảng viên trẻ xông xáo như Trương Thị Kim Chung sẽ kề vai sát cánh góp phần giúp các tổ chức Hội LHPN tại TP.HCM ngày càng thêm vững mạnh qua nhiều hoạt động thiết thực, bổ ích.
NGHI ANH - MẪN NHI - HOA LÀI