Đổi quần áo cũ lấy cà phê, vé bơi

02/07/2023 - 11:57

PNO - Thành phố Lahti của Phần Lan đang thí điểm một chương trình mang tính đột phá nhằm khuyến khích tái chế hàng dệt may với hy vọng truyền cảm hứng thay đổi hành vi của người tiêu dùng.

 

Là đơn vị tiên phong trong việc bảo vệ môi trường đô thị, thành phố Lahti đã thực hiện một bước quan trọng trong việc chống lại rác thải dệt may và thúc đẩy các hoạt động tái chế bền vững - ẢNH: LAHT
Là đơn vị tiên phong trong việc bảo vệ môi trường đô thị, thành phố Lahti đã thực hiện một bước quan trọng trong việc chống lại rác thải dệt may và thúc đẩy các hoạt động tái chế bền vững - ẢNH: LAHT


Đầu năm nay, Phần Lan đã đưa ra luật mới yêu cầu các thành phố và đô thị phải cung cấp các thùng thu gom riêng đối với chất thải dệt may cho mọi công dân của quốc gia này. Theo chương trình thí điểm, người dân Lahti có thể mang rác thải dệt may đến điểm thu gom tạm thời tại trung tâm mua sắm Trio. Đổi lại, họ nhận được một phiếu mua hàng có thể sử dụng tại một quán cà phê địa phương hoặc để vào cửa tại một hồ bơi ngoài trời.

Sau khi thu gom, rác thải được xử lý thành sợi tái chế tại cơ sở sản xuất hàng dệt may lớn nhất Phần Lan ở Paimio. Loại sợi này được sử dụng để làm ra nhiều sản phẩm như chỉ may, vật liệu cách nhiệt/cách âm…

Là đơn vị tiên phong trong việc bảo vệ môi trường đô thị, Lahti đặt mục tiêu trở thành thành phố không rác thải vào năm 2050. Sự thành công của chương trình thí điểm tại Lahti được kỳ vọng có thể truyền cảm hứng cho các thành phố khác trên thế giới áp dụng các sáng kiến tương tự.

Thành phố Lahti cũng đã phát động một cuộc thi thiết kế quốc gia nhằm tìm ra những cách làm mới và sáng tạo trong việc tái sử dụng rác thải dệt may, thúc đẩy sự đổi mới và tinh thần kinh doanh trong lĩnh vực kinh tế tuần hoàn. Cuộc thi được tổ chức với sự cộng tác của quỹ Lahti bền vững, Đại học Khoa học ứng dụng LAB và Salpakierto; diễn ra đến ngày 13/8/2023.

Kimmo Rinne - Giám đốc phát triển tại Salpakierto, công ty cung cấp các dịch vụ xử lý chất thải ở vùng Lahti - nói: “Tương lai của chúng ta phụ thuộc vào nền kinh tế tuần hoàn. Với chương trình thí điểm này, chúng tôi muốn biết các quốc gia, thành phố và công ty có thể làm gì để giúp việc tái chế trở nên dễ dàng và hấp dẫn hơn đối với mọi người”.

Hà Thụy 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI