Đối phó với thời tiết cực đoan cần tâm thế chủ động

17/10/2023 - 15:17

PNO - An toàn trước thiên tai không phải là điều để gói trong hai từ hy vọng, cũng không chờ đợi vào kinh nghiệm và quyết tâm của chỉ một đôi người.

Từ 14-16/10, khu vực từ  Hà Tĩnh đến Bình Định đều có mưa to và rất to, từ 300 - 500mm, cá biệt có vùng tại Thừa Thiên - Huế, lượng mưa nhảy vọt lên trên 700mm.

Đến sáng 17/10, tình trạng ngập lụt của đợt mưa trước chưa kịp rút, miền Trung lại sắp phải đối mặt với đợt mưa lớn đang trút xuống, do ảnh hưởng của đợt áp thấp nhiệt đới đang hình thành ở ngoài khơi biển Đông, nhiều khả năng sẽ mạnh lên thành bão.

Theo dự báo, từ Hà Tĩnh đến Bình Định, từ 16-18/10, lượng mưa trên khu vực này sẽ dao động từ 150-300 mm, có nơi trên 400mm. Mưa to nhất sẽ diễn ra tiếp tục từ đêm 18/10 đến chiều ngày 19/10, trung bình trên 100mm, có nơi trên 150mm. Như vậy, tổng lượng mưa của toàn đợt trong vòng gần một tuần sẽ xấp xỉ với đợt mưa gây lũ kinh hoàng 2 đợt năm 1999, với lượng mưa trung bình trên dưới 1400mm. Riêng Thừa Thiên - Huế có nơi trong 2 ngày 2 đêm của đợt lũ đầu, lượng mưa lên đến 2.228mm.

Hình ảnh minh họa về biến đối khí hậu và thời tiết cực đoan - Ảnh: Nasa.
Hình ảnh minh họa về biến đối khí hậu và thời tiết cực đoan - Ảnh: NASA

Người dân đang phấp phỏng lo một cơn lũ lịch sử sẽ tái diễn, kèm theo đó là những thảm họa kép như lũ quét, lở đất, sụt núi… Về nguyên nhân, các báo cáo đều nhấn mạnh đến tình trạng thời tiết cực đoan do ảnh hưởng biến đổi khí hậu. Khả năng phòng, chống, đối phó sẽ trở nên khó khăn hơn, thảm họa khó lường. Tuy nhiên, tổng lượng mưa tương đương nhưng năm nay mưa trải dài khắp nơi 6 -7 ngày, còn có thời gian rút bớt trước khi  “nhận” nước của đợt mưa mới, trong khi thời điểm 1999, mưa cấp tập trút cùng lượng trong chỉ 2 ngày.

So sánh như thế không phải là để tự trấn an và sinh chủ quan. Đối mặt với thiên tai, thiệt hại đau xót nhất vẫn là thiệt hại về con người. Thực tế, những nơi gánh chịu mất mát lớn nhất – về nhân mạng - lại không hẳn đã là nơi thiên tai hoành hành dữ dội nhất, nếu con người có sự đề phòng, chuẩn bị ứng phó sớm và kỹ lưỡng.

Trong cả hai đợt lũ lịch sử năm 1999, thị xã, nay là TP Hội An (Quảng Nam), do có Cửa Đại nhận nước từ nguồn Vu Gia, Thu Bồn đổ ra biển, đã thành nơi bị thủy phá sa bồi nặng nề nhất. Thế nhưng, đây lại là địa phương hiếm hoi không có thiệt hại về người. Trước lũ chỉ 1 ngày rưỡi, khi nhận thấy có nguy cơ, chính quyền Hội An đã ra lệnh cưỡng chế, đưa toàn bộ người dân ven sông và giữa sông của các xả Cẩm Phô, Cẩm Kim… vào nơi an toàn.

Công sở từ thị xã đến xã đều lập tức ngừng hoạt động, lấy chỗ cho đồng bào ở tạm. Trâu, bò, heo… của người dân đều được đưa lên chỗ cao, đưa lên cả tầng lầu của ủy ban và trường học. Khi tiến hành cưỡng chế tạm dời, đã có ý kiến chất vấn ông Nguyễn Sự, Chủ tịch Hội An: “Nếu lũ không về thì sao? Đưa heo gà, trâu bò lên tận tầng, đạp nát, phóng uế hết, ai chịu trách nhiệm”. Người đứng đầu địa phương đã trả lời: “Tôi chịu. Nếu lũ không về, cùng lắm quyết định sai, tôi bị kỷ luật. Nhưng không quyết định thế, lũ về, người sẽ chết, tài sản sẽ mất, hậu quả càng thảm khốc, đau xót hơn, khi đó hỏi ai gánh nổi?”.

Nay, dù thời tiết ngày càng trở nên cực đoan, nhưng công tác dự báo cũng đã chính xác hơn nhiều và rất kịp thời. Ít nhất, lãnh đạo các địa phương cũng không còn phải nát óc tinh toán và dựa vào kinh nghiệm như xưa nữa. Đồng nghĩa, thời gian chuẩn bị ứng phó với thiên tai, dù lớn, cũng đã được loại bớt yếu tố bất ngờ.

Thực tế, các địa phương miền Trung cũng đã chủ động xây dựng nhiều phương án đề phòng bão lũ. Từ năm 2019, nhiều địa phương ở rốn lũ Quảng Nam đã đồng loạt huy động kinh phí xây dựng nhà tránh lũ cho người dân. Huyện Duy Xuyên đã xây 200 nhà chống lũ sẵn sàng làm nơi tá túc cho 1000 hộ dân nghèo có nguy cơ cao trong lũ khu vực ven sông. Mỗi căn, nhà nước hỗ trợ 53 triệu đồng, phần còn lại do bà con đóng góp tự nguyện. Không ai từ chối cả.

Tại Tam Kỳ, trong năm 2023, riêng xã Tam Thanh đã xây dựng 75 phòng, gác tránh lũ cho hộ nghèo, khó khăn và vùng ven biển. Đến trước mùa mưa, 45 hộ đã hoàn thành. Tỉnh Quảng Nam đã có chủ trương hỗ trợ xây dựng nhà tránh lũ cho 12.300 hộ, với tổng kinh phí hỗ trợ khoảng 120,3 tỷ đồng tính đến hết năm 2022. Riêng năm 2023, toàn tỉnh đã phân bổ 35 tỷ đồng cho các địa phương triển khai xây dựng gác, phòng để tránh bão lũ, đã xây dựng được 650 phòng cho người nghèo phòng trú an toàn…

An toàn trước thiên tai không phải là điều để gói trong hai từ hy vọng, cũng không chờ đợi vào kinh nghiệm và quyết tâm của chỉ một đôi người. Thiên tai có thể lặp lại, biến đổi khí hậu có thể khiến tạo ra những đỉnh khắc nghiệt mới. Nhưng thảm họa sẽ không lặp lại, khi nhà nước và nhân dân cùng đồng lòng, cùng chung tay đối phó và chuẩn bị sẵn sàng.

Nguyễn Hồng Lam

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI