Đối phó với cô đơn khi phải… ở nhà

04/04/2020 - 14:00

PNO - Người dân của nhiều nước đang phải ở nhà để tránh lây lan dịch bệnh COVID-19. Tuy nhiên, sự cô lập kéo dài có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần.

Trong cuộc họp báo hôm 26/3, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã thảo luận về những thách thức mà người dân các nước đang đối mặt về sức khỏe tâm lý, tinh thần và mức độ hạnh phúc trong đại dịch COVID-19.

Huấn luyện viên sức khỏe tâm thần Tania Diggory - người sáng lập tổ chức Calmer, cùng chuyên gia ứng phó vấn đề tâm lý Kat Hounsell - người sáng lập Công ty tư vấn Everyday people (đều ở Anh) đưa ra một số lời khuyên để duy trì sức khỏe tâm thần tốt, cũng như áp dụng khuyến nghị của WHO.

Kiểm soát căng thẳng khi làm việc tại nhà

Làm việc tại nhà có vẻ là mong ước của một số người, vì nó mang đến khả năng khai thác sự sáng tạo tiềm ẩn giữa môi trường ấm cúng, quen thuộc. Tuy nhiên, nó cũng có thể mang lại một loạt thách thức khác. Khi làm việc tại nhà, mọi người có thể liên tục chia sẻ không gian với các thành viên khác trong gia đình và bắt đầu cảm thấy như thể họ phải tham gia cả hai nhiệm vụ “đối nội”, “đối ngoại” cùng một lúc. Sự pha trộn giữa cuộc sống gia đình và công việc cũng dẫn đến nguy cơ làm việc nhiều giờ hơn bình thường.

Cô Diggory cho biết, nếu bạn làm việc không ngừng cả ngày, khuyến cáo cần thiết là bạn nên rời khỏi bàn làm việc vào buổi trưa hoặc nghỉ giữa buổi. Khi lập kế hoạch cho ngày làm việc, hãy lên lịch cho các bữa ăn bổ dưỡng thường xuyên, thay đổi không khí thông qua tập thể dục, dành thời gian để kết nối với người khác và duy trì giấc ngủ tốt. Việc duy trì giao tiếp tốt với người thân và đồng nghiệp tại thời điểm này cũng rất quan trọng.

Cách phân định công việc và đời sống

Một trở ngại có thể xảy ra khi phải làm việc ở nhà trong thời gian dài là làm sao thoát khỏi suy nghĩ về công việc, một khi đã đến giờ nghỉ ngơi. 

Theo các chuyên gia, bạn hãy thử sử dụng báo thức để báo hiệu kết thúc ngày làm việc, nhằm nhấn nút “tắt, đặt bút xuống, rời khỏi văn phòng tại nhà”. Bắt đầu ngày mới với một tách trà và 10 phút xem lại công việc ngày hôm qua, kế hoạch cho ngày hôm nay. Sau đó, giờ “tan sở” có thể là một cuộc gọi chốt công việc với đồng nghiệp, trò chuyện cùng bạn bè hoặc thành viên gia đình về kế hoạch buổi tối.

Lên kế hoạch cho những điều thú vị để làm vào buổi tối có thể là phần thưởng sau tất cả công việc khó khăn và là điều gì đó để mong chờ mỗi ngày.

Giữ liên lạc với những người thân yêu

Trong cuộc họp báo nói trên, Tiến sĩ Aiysha Malik, cán bộ kỹ thuật của WHO, lưu ý rằng, người lớn tuổi, người có vấn đề sức khỏe tâm thần thuộc nhóm nguy cơ cao nhất về cô đơn và lo lắng. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng, cô đơn là một trong những yếu tố nguy cơ quan trọng dẫn đến tử vong sớm. 

Để đối phó với sự cô đơn khi hạn chế tiếp xúc xã hội trong tình cảnh hiện tại, Tiến sĩ Malik nói rằng, có một số cách cơ bản dễ áp dụng như: tham gia vào các hoạt động thể chất theo thói quen hoặc tạo ra những hoạt động mới và quan trọng là duy trì các kết nối xã hội. Bây giờ là lúc để khám phá tiềm năng của các công nghệ kỹ thuật số trong việc giữ liên lạc với những người thân yêu.

Riêng với những người sống một mình không dễ đối phó với cách ly xã hội, chuyên gia Diggory khuyên bạn xem xét những việc bạn thích làm một mình, nhưng chưa có thời gian thực hiện. Cần biến khó khăn hiện tại thành cơ hội để tập trung vào việc mà trước đây khó có điều kiện chú ý. “Hãy quan tâm và kiểm tra thường xuyên để phát hiện các dấu hiệu căng thẳng hoặc các vấn đề sức khỏe tâm thần đang phát triển ở bản thân và cả những người xung quanh”, cô Hounsell nhắn nhủ. 

Ngọc Hạ (theo Medical News Today)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI