|
Ngư dân Nghệ An neo thuyền trốn bão |
Tại Nghệ An, việc cấm biển đã được thực hiện triệt để từ sáng 14/9, hầu hết tàu cá đã vào bờ, tìm nơi neo đậu an toàn. Tại các địa phương ven biển, công tác di dời, chằng chống nhà cửa, công trình dân sinh diễn ra khẩn trương.
Ông Nguyễn Xuân Đường, Chủ tịch tỉnh Nghệ An, cho biết: “Cửa Lò là vùng xung yếu, rất nguy hiểm, phải di dời 1.062 hộ và 4.500 nhân khẩu. Tỉnh đề nghị trung ương cho tàu cứu hộ cứu nạn có công suất lớn vào túc trực tại cảng Cửa Lò để ứng phó với các tình huống cấp thiết. Đến tối 14/9, công tác di dời dân đã hoàn tất. Việc chèn chống nhà cửa vẫn tiếp tục tiến hành khẩn trương. Tỉnh đã có các phương án để đảm bảo cho điện phục vụ trở lại trong thời gian sớm nhất, nếu xảy ra sự cố”.
Tại Hà Tĩnh, hầu hết nhà hàng ven biển Xuân Hải, huyện Lộc Hà, đã hoàn tất việc di dời tài sản, chằng néo quán xá. Ông Lê Hòa, chủ một nhà hàng, cho biết: “Chưa bao giờ người dân lại lo lắng chống bão như thế này. Ngay từ sáng sớm, tôi đã huy động con cái đội mưa gió để chằng néo quán hàng, di dời tài sản đến nơi an toàn”.
Vùng biển Cẩm Nhượng, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh, người dân cũng tất bật đối phó bão, đưa 240 tàu thuyền về nơi neo đậu; di dời khẩn 411 hộ dân ở vùng xung yếu ở cửa biển. Để sơ tán 47.400 người, lực lượng công an, Bộ chỉ huy quân sự, Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Hà Tĩnh đã điều động phương tiện, lực lượng phối hợp với chính quyền các huyện ven biển, ven cửa sông di dời dân.
Ông Đặng Ngọc Sơn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, cho biết: “Chúng tôi đã hoàn tất di dời người dân ở điểm xung yếu như cửa sông, khu vực lũ quét”. Để đảm bảo an toàn công trình và tránh xả lũ lưu lượng lớn trong mưa làm ngập lụt vùng hạ du hồ chứa, ngày 14/9, một số hồ đập lớn như Kẻ Gỗ, Sông Trí, Kim Sơn, Tàu Voi, Sông Rác đã tiến hành xả tràn. Tại các huyện đồng bằng, bà con nông dân được sự giúp đỡ của bộ đội, đang khẩn trương thu hoạch 1.300 ha lúa hè thu.
|
Ngư dân trước bão |
Quảng Bình đã di dời 76.000 người ở vùng nguy hiểm. Tỉnh yêu cầu các địa phương tìm mọi cách kêu gọi tàu thuyền đang hoạt động trong vùng nguy hiểm về nơi tránh trú; kiểm soát chặt chẽ, không để tàu cá ra khơi đánh bắt hải sản, cấm tàu thuyền hoạt động trên biển, cửa sông cho đến khi bão tan; tập trung lực lượng, phương tiện theo phương châm “4 tại chỗ”, chủ động ứng phó với bão. Có mặt tại Quảng Bình chiều tối 14/9, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh: “Mọi công tác phải hoàn thành trước khi bão ảnh hưởng đến ven biển vào ngày 15/9”.
Quảng Trị đã di dời khẩn cấp gần 140.000 người, sơ tán đến điểm tập trung hơn 65.000 người. Riêng đối với huyện đảo Cồn Cỏ, nếu bão đổ bộ trực tiếp, lực lượng cứu hộ sẽ sơ tán toàn bộ số dân trên đảo vào các vị trí trú ẩn an toàn.
Đối với khu vực miền núi, chính quyền địa phương cắm biển báo nguy hiểm tại các điểm có nguy cơ sạt lở đất, sẵn sàng di dời dân đến địa điểm an toàn khi có lệnh. Tại vùng biển, địa phương tiếp tục tuyên truyền, kêu gọi sắp xếp tàu thuyền vào nơi tránh trú bão; giúp người dân neo tàu thuyền, đưa ghe thuyền nhỏ lên bờ tránh bão, chằng chống nhà cửa và khắc phục sau bão.
Ông Nguyễn Đức Chính, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, cho biết, tỉnh đã cử ba đoàn công tác đi các địa phương, kiểm tra và chỉ đạo chằng chống nhà cửa, neo đậu tàu thuyền và di dời dân ở những vùng cửa sông, cửa biển nhằm đảm bảo an toàn khi bão vào.
Tại Thừa Thiên - Huế, theo ông Phan Thanh Hùng, Chánh văn phòng Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứa nạn tỉnh, hiện còn 875 ha lúa chưa thu hoạch tại huyện A Lưới, Hương Trà, Quảng Điền, Phú Vang. “Đa số diện tích lúa này đến 25/9 mới chín nên các địa phương không thể gặt mà chủ động phương án chống úng để giảm thiệt hại”, ông Hoàng Vọng, Phó trưởng phòng Nông nghiệp - phát triển nông thôn (NN-PTNT) huyện Quảng Điền cho biết.
Toàn tỉnh có 138 phương tiện với 1.320 lao động đánh bắt xa bờ, chủ yếu hoạt động tại vùng biển tiếp giáp Đà Nẵng đến đảo Cồn Cỏ. Trưa 14/9, toàn bộ phương tiện tàu thuyền đã về nơi tránh trú an toàn. Tỉnh cũng đã trữ hơn 100 tấn gạo, 100 tấn mì tôm, 100 nghìn lít xăng, 100 nghìn lít dầu diezel và 30 nghìn lít dầu hỏa nhằm chủ động ứng phó, không để xảy ra tình trạng thiếu đói khi có bão lụt.
Một mối âu lo không kém lúc này là hệ thống đê bao ven biển, với hàng trăm km không thể chịu đựng được bão lớn. Theo ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Phòng chống thiên tai (Bộ NN&PTNT), hệ thống đê biển ở Bắc bộ và Bắc Trung bộ chỉ đảm bảo an toàn với bão cấp 8-10, triều trung bình 5%. Trong đó, hiện có 16 đoạn đê với tổng chiều dài 83km và 39 cống xung yếu.
Tại Hà Tĩnh, hiện có một công trình thi công dang dở là mái đê Kỳ Ninh, thị xã Kỳ Anh. Bên cạnh đó, còn có 2.700 km đê sông (từ cấp III trở lên) với 195 điểm trọng yếu ở các tỉnh Bắc bộ và Bắc Trung bộ đang đối mặt với nguy hiểm. Đặc biệt quan ngại là những vùng bị ảnh hưởng trực tiếp của bão như Thanh Hóa 20 điểm, Nghệ An 3 điểm và Hà Tĩnh 4 điểm.
Với lượng mưa do bão số 10 gây ra, vùng Hà Tĩnh đến Quảng Trị lượng mưa có thể lên đến hơn 400 mm, nguy cơ vỡ các hồ đập rất cao. Hiện các địa phương Bắc bộ và Bắc Trung bộ có 266 hồ chứa xung yếu (Bắc bộ có 83 hồ, Bắc Trung bộ 83 hồ), trong đó, có 26 hồ chứa (Bắc bộ 14 hồ, Bắc Trung bộ 12 hồ) được xếp vào diện đặc biệt quan tâm, vì khi mưa lũ lớn, có thể nguy cơ vỡ đập bất cứ lúc nào.
Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An ông Nguyễn Xuân Đường nói: “Tỉnh có hơn 600 hồ lớn nhỏ, các hồ đều đảm bảo an toàn, tuy nhiên, nếu bão gây mưa lớn thì có thể nguy hiểm. Vì vậy, tỉnh đang tập trung lực lượng để xử lý”. Các địa phương có các hồ, đê bao sông biển, trong ngày 14 đã ra sức gia cố, tuy nhiên với sức gió của bão số 10, nguy cơ vỡ là rất cao, nên việc chống ngập, chống úng và phòng tránh nước biển tràn vào hết sức cấp bách.
Nhóm PV-CTV miền Trung